Xu hướng M&A mới: Doanh nghiệp Đông Nam Á thâu tóm doanh nghiệp Việt

25/12/2012 12:17 PM | Kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang nằm trong tầm ngắm thâu tóm của các ông lớn Đông Nam Á.

Từ đầu năm 2011 đến nay, nhà đầu tư Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo cả về số lượng lẫn giá trị trong những thương vụ M&A lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một xu hướng mới khi những doanh nghiệp Đông Nam Á cũng đang không ngừng tìm kiếm những doanh nhiệp tốt để đầu tư, thậm chí mua lại quyền chi phối của những doanh nghiệp trong nước.

Minh chứng rõ nhất là 2 thương vụ lớn đã được thông báo ngay trong tháng 12 này: Semen Gresik của Indonesia mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long và Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan thông báo chi gần 5.000 tỷ đồng để mua lại 85% cổ phần của Prime Group.

SCG thông qua công ty con NawaPlastic cũng đã gom hơn 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Công ty này cũng cho biết sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ tại cả 2 công ty lên 49% khi điều kiện cho phép.

Các thương vụ khác Tập đoàn Ayala của Philippines rót vào CII và thâu tóm các doanh nghiệp kinh doanh nước; Jardine Cycle & Carriage của Singapore rót vốn vào REE…

Người tí hon và những kẻ khổng lồ

Từ lâu, chúng ta vẫn biết rằng các doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô rất nhỏ bé so với các cường quốc trên thế giới. Tuy nhiêm, so với ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn còn rất nhỏ bé, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

Trên sàn chứng khoán, những doanh nghiệp có doanh thu 1-3 tỷ USD/năm như Vinamilk, PV Gas, FPT… đã là những doanh nghiệp rất lớn thì ở trong khu vực Đông Nam Á có rất nhiều doanh nghiệp có doanh thu 5-10 tỷ USD, thậm chí hàng vài chục tỷ USD/năm.

Trong thời kỳ khó khăn, với tiềm lực tài chính còn dư giả, những đại gia Đông Nam Á này đang tích cực tìm kiếm những khoản đầu tư hấp dẫn. Việc đầu tư vào trong nội bộ khối ASEAN sẽ có những nét tương đồng về môi trường kinh doanh cũng như sẽ vừa sức hơn với các doanh nghiệp trong khu vực.

Chính vì vậy mà Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.

Quy mô doanh nghiệp trong nước còn bé, thậm chí là những doanh nghiệp đầu ngành, vì vậy chỉ cần bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu USD mua lại những doanh nghiệp tốt là đã có thể thâm nhập vào những ngành rất có tiềm năng.

Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp tốt trong nước đang “đói vốn”. Các ông chủ doanh nghiệp sẽ dễ gật đầu hơn khi nhận được những mức giá hấp dẫn từ bên mua.

Bên mua có thể chấp nhận “mua đắt”, tuy nhiên, hiện tại thì giá cổ phiếu của Việt Nam đang được định giá khá thấp. Mặt khác, bên mua sẽ tiết kiệm được thời gian gia nhập thị trường cũng như có được những lợi thế khác nếu như phải đầu tư từ đầu.

Thương vụ SCG – Prime Group

Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, vì vậy mà những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn trong nước như Prime Group sẽ khó tránh khỏi tình cảnh chung.

Mức giá mà SCG đưa ra định giá Prime ở mức 280 triệu USD là cao hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách mà 2 quỹ đang đầu tư vào Prime là VinaCapital VOF và DWS Vietnam Fund ghi nhận.

Mức giá trên cũng lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận của Prime trong năm vừa qua. Năm 2010 đạt 139 tỷ, 9 tháng đầu năm 2011 đạt 177 tỷ và 6 tháng đầu năm 2012 đạt 39 tỷ đồng.

Với mức giá hời, các cổ đông của Prime đã quyết định bán đứt 85% cổ phần.

Năm ngoái, các ông chủ của Diana Việt Nam, ICP (công ty sản xuất dầu gội X-Men) hay Y khoa Hoàn Mỹ cũng đã bán lại công ty cho nước ngoài.

Về phía SCG, đây là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Thái Lan với tổng tài sản đén 30/9 năm nay đạt gần 12,6 tỷ USD, doanh thu hàng năm hơn 10 tỷ USD.

Tập đoàn này đang vươn rộng tầm ảnh hưởng của mình ra khu vực Đông Nam Á bằng hàng loạt dự án đầu tư.

Tại Việt Nam, SCG hiện đã đầu tư vào khá nhiều công ty như: Công ty sản xuất các sản phẩm và tổ hợp bê tông Việt Nam, Công ty Việt-Thái Plastchem, Công ty TPC Vina, Công ty Chemtech, Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái, Công ty giấy Vina Kraft, Công ty New Asia Industries, Công ty cổ phần SX Bao bì Alcamax Packaging, Công ty CPAC Monier Vietnam, Công ty SCG Trading Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Bửu Long, Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Công ty cổ phần nhựa Bình Minh.

-------------------------------------------------------------------

Series các bài viết của CafeBiz về những doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á có những hoạt động kinh doanh đáng kể tại Việt Nam:

Fraser&Neave - Tập đoàn đứng sau cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk

Wilmar - Tập đoàn khổng lồ sở hữu dầu ăn Neptune

Ayala - Gia tộc khổng lồ đang muốn "thâu tóm" ngành nước Sài Gòn

Bài viết về Tập đoàn SCG sẽ được đăng trong tuần này

KAL

duchai

Cùng chuyên mục
XEM