VnSteel- Hòa Phát- Pomina: thế chân vạc trong ngành thép của Việt Nam

01/02/2013 08:33 AM | Kinh doanh

Trong ngành thép hiện có nhiều hãng sản xuất có quy mô khác nhau, tuy nhiên, ba công ty lớn nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành là: Tổng Công ty thép Việt Nam (Vnsteel) hoạt động trên phạm vi toàn quốc, Tập đoàn Hòa Phát hoạt động chủ yếu tại thị trường miền Bắc và Công ty cổ phần Thép Pomina hoạt động tại thị trường miền Nam.

Vnsteel sở hữu nhiều lợi thế tiềm năng vượt trội so với các công ty trong ngành, ít vướng phải đầu tư đa ngành, nhưng điều khá ngạc nhiên, đã không thể biến những lợi thế này thành kết quả kinh doanh tốt.

Bảng: Tình hình tài chính của ba công ty đầu ngành

Tên Công ty

Tổng tài sản 30/06/2012

Vốn chủ sở hữu 30/06/2012

Doanh thu thuần năm 2011

Lợi nhuận sau thuế năm 2011

Tổng CTCP Thép Việt Nam (Vnsteel)

26.243

6.600

31.435

224

CTCP Thép Pomina (POM)

8.150

2.602

11.995

406

Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

17.702

8.008

17.852

1.297

Bảng số liệu cho thấy, xét về quy mô tài sản và doanh thu, Vnsteel đang chiếm giữ vị trí đầu ngành, đứng ở vị trí tiếp theo là Tập đoàn Hoà Phát và Công ty Thép Pomina. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô lợi nhuận sau thuế thì Hoà Phát đang dẫn đầu, đứng thứ hai là Pomina và cuối cùng là Vnsteel.

Vnsteel có tỷ suất lợi nhuận thấp và tích tụ vốn chậm

Có một đặc trưng hiện diện ở nhiều ngành kinh tế là những công ty đầu ngành thường thu được tỷ suất lợi nhuận tốt nhất trong ngành. Tuy nhiên, mặc dù là công ty lớn nhất trong ngành thép, Vnsteel là công ty có quy mô lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE) rất thấp và thấp nhất trong ba công ty đầu ngành trong giai đoạn 2008 – 2011. ROE của Vnsteel trong giai đoạn này đạt cao nhất chỉ ở mức 7% năm 2010 và chỉ đạt 3% vào năm 2011. Điều này khiến cho khả năng tích tụ vốn bị hạn chế và phải phụ thuộc lớn vào vay nợ ngân hàng trong việc đáp ứng các nhu cầu đầu tư mới.

 
Có ý kiến cho rằng trong giai đoạn này, Vnsteel có tỷ suất lợi nhuận thấp là do phải thực hiện chương trình bình ổn giá của chính phủ và phải bán thép với giá thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, lập luận này không hợp lý bởi vì, nếu Vnsteel hạ giá bán thì để cạnh tranh được, các hãng thép còn lại cũng phải hạ giá bán theo và lợi nhuận của những hãng này cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, rõ ràng tỷ suất lợi nhuận của những hãng này vẫn cao hơn nhiều so với Vnsteel. Do đó, việc Vnsteel chỉ đạt được tỷ suất lợi nhuận thấp chủ yếu xuất phát từ những vấn đề nội tại của Tổng Công ty.

Trong khi đó, Hoà Phát và Pomina, hai công ty thuộc khu vực tư nhân, chỉ ra một hiệu quả kinh doanh vượt trội so với Vnsteel. Tiềm lực tài chính trong giai đoạn này của Hòa Phát và Pomina đã gia tăng đáng kể, chủ yếu từ việc bổ sung từ lợi nhuận sau thuế để lại tái đầu tư tăng vốn chủ sở hữu. Điều này giúp những công ty này có thể chạy đua đầu tư để nâng quy mô công suất, thực hiện tích hợp ngược sang mảng sản xuất phôi thép, khai quặng và cạnh tranh hiệu quả về thị phần với Vnsteel.

VNSteel đang mất dần lợi thế cạnh tranh trước đối thủ

Những yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh trong ngành

Trong ngành thép cán nóng, các sản phẩm thép có tính tiêu chuẩn hoá cao, do đó, có rất ít cơ hội để các doanh nghiệp thép theo đuổi chiến lược cạnh tranh bằng khác biệt hoá. Do đó các doanh nghiệp trong ngành phần lớn đều theo đuổi chiến lược cạnh tranh dẫn đầu về chi phí thấp, cạnh tranh thông qua giá bán rẻ hơn. Để tạo ra lợi thế về giá thành, ba yếu tố quan trọng đó là:

- Thứ nhất, mô hình tích hợp dọc: Mô hình tích hợp dọc thông qua việc tự chủ sản xuất phôi thép và thậm chí là khai quặng sẽ giúp tiết giảm chi phí từ việc nhập khẩu phôi thép, đặc biệt trong bối cảnh giá phôi thép tính theo USD tăng và tỷ giá hối đoái có xu hướng tăn (đồng Việt Nam bị mất giá so với đồng USD). Bên cạnh đó, mô hình tích hợp dọc thông qua việc xây dựng những khu liên hợp gang thép, khi luyện phôi thép ở thể nóng chảy có thể được chuyển sang cán trực tiếp, trong khi các doanh nghiệp cán thép đơn lẻ buộc phải chi phí năng lượng cao để nấu chảy phôi trước khi cán thép.

- Thứ hai, quy mô sản xuất lớn và thị phần tiêu thụ lớn, dòng sản phẩm rộng: Đặc trưng của các công ty trong ngành là chi phí cố định kinh doanh lớn, do đó, việc chiếm được thị phần tiêu thụ lớn sẽ giúp phát huy tính kinh tế nhờ quy mô và từ đó giảm giá thành sản phẩm.

- Thứ ba, công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng: Công nghệ hiện đại giúp tăng năng suất lao động và tiết kiệm năng lượng. Ngành thép là ngành tiêu thụ rất lớn điện năng, việc liên tục tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất của ngành và công ty nào có công nghệ hiện đại và các giải pháp công nghệ giúp tiết kiệm điện năng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Trong bối cảnh ngành thép là một ngành đang tăng trưởng gắn liền với quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế, để tạo lập được ba lợi thế trên, các công ty trong ngành phải tích cực tích tụ vốn từ lợi nhuận để lại tái đầu tư, liên tục đầu tư nâng quy mô công suất và tích hợp dọc, mở rộng dòng sản phẩm trong ngành. Công ty nào tiềm lực tài chính mỏng, đuối sức hoặc dừng lại trong cuộc chạy đua này sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

VNSteel đang mất dần những lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ

VNSteel có đầy đủ lợi thế cạnh tranh tiềm năng trước đối thủ khi sở hữu quy mô sản xuất và thị phần lớn, tích hợp dọc đầy đủ, công nghệ hiện đại và sự hậu thuẫn lớn của nhà nước về tiềm lực tài chính, nhưng lại không thể chuyển hoá những lợi thế cạnh tranh này thành kết quả tỷ suất lợi nhuận cao, và dường như đang mất dần lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ.

Trước đây, các công ty tư nhân trong ngành do tiềm lực tài chính còn hạn chế nên chủ yếu chỉ đầu tư vào cán thép và phải nhập khẩu phần lớn phôi thép. Tuy nhiên, sau một quá trình phát triển và tích tụ vốn, hiện nay, các công ty trong ngành đã có tiềm lực tài chính mạnh và tích hợp ngược để tự chủ đầu tư sản xuất phôi thép, khai quặng, do đó, đã bắt kịp mô hình kinh doanh của VNSteel.

Quản lý chi phí là một vấn đề của Vnsteel

So với Hoà Phát và Pomina, Vnsteel có tỷ lệ giá thành toàn bộ trên doanh thu thuần cao nhất và chưa có dấu hiệu cải thiện. Chính chi phí cao đã ăn mòn doanh thu và khiến lợi nhuận của Vnsteel ở mức thấp. Điều này phản ánh những hạn chế về quản lý chi phí của Vnsteel so với hai đối thủ.

Việc những lợi thế tiềm năng kể trên không tạo ra một giá thành sản phẩm thấp và lợi nhuận thực tế tốt cho Vnsteel có thể lý giải là do có những nhân tố khác đội chi phí lên. Điều này là do có những công ty thành viên quản lý chi phí yếu kém, kinh doanh thua lỗ hoặc kết quả nghèo nàn đã làm suy giảm kết quả chung của Vnsteel. Hoặc một yếu tố khác là do khu vực tư nhân thường năng động và không mắc phải vấn đề “cha chung không ai khóc” và cơ chế quan liêu trong quản lý, do đó, họ tích cực thực hiện các giải pháp công nghệ tiết kiệm chi phí hơn. Việc tái cấu trúc các công ty con kinh doanh kém hiệu quả hoặc thậm chí là thoái vốn khỏi những đơn vị này là cần thiết nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Danh mục đầu tư dàn trải không hỗ trợ cho việc tạo ra lợi thế cạnh tranh

Vnsteel có một danh mục đầu tư khá dàn trải và điều này không hỗ trợ tốt cho việc tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tại ngày 30/09/2012, Vnsteel có 10 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 12 công ty con, 29 công ty liên doanh liên kết.

Việc sở hữu một danh mục quá nhiều khoản đầu tư vào các công ty thành viên dẫn đến quá tải về kiểm soát và có thể dẫn đến mắc phải vấn đề phân bổ sai nguồn lực khi tiếp tục rót vốn cho các công ty con kinh doanh không hiệu quả và lại không hỗ trợ đủ nguồn vốn cho các công ty con chủ lực. Tuy nhiên, Vnsteel chưa chứng tỏ họ có động thái tái cấu trúc một cách mạnh mẽ để thay đổi tình trạng này.

Theo báo cáo tài chính 09 tháng đầu năm 2012, công ty mẹ Vnsteel báo lỗ thuần sau thuế là 418 tỷ đồng, trong khi đó, Tập đoàn Hoà Phát báo lãi 819 tỷ đồng và Pomina lãi 9 tỷ đồng. Kết quả này tiếp tục cho thấy sự tụt hậu về kết quả kinh doanh của Vnsteel.

Vậy phải chăng ngành thép sẽ đi theo con đường tương tự như ngành thuỷ sản, trong đó, ban đầu các tổng công ty thủy sản quốc doanh chiếm ưu thế, nhưng lại dần tụt lại đằng sau và nhường vị thế dẫn đầu cho các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân như Thuỷ sản Hùng Vương, Minh Phú?

Nguyễn Tuấn Dương

duchai

Cùng chuyên mục
XEM