Vinaconex sa sút?

24/05/2013 08:24 AM | Kinh doanh

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được đánh giá là một trong những tập đoàn kinh tế có lợi thế trong việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp.

Thế nhưng, ngoài việc liên tục tăng vốn điều lệ thì hiệu quả của doanh nghiệp lại tỷ lệ nghịch với việc tăng vốn.

Đầu tư tràn lan

Vinaconex chính thức niêm yết tại HNX tháng 9-2008 (mã VCG) và phát hành CP tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng năm 2010. Đến năm 2012, VCG tiếp tục phát hành CP tăng vốn điều lệ lên 4.417 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trái ngược với sự gia tăng nhanh chóng về vốn điều lệ, kết thúc năm 2012, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaconex chỉ đạt hơn 80 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của công ty mẹ là 87 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ vay dài hạn nước ngoài của Vinaconex là 2.109 tỷ đồng. Các khoản nợ này đều được đảm bảo bằng bảo lãnh của Chính phủ thông qua Bộ Tài chính. Việc đồng Yên Nhật (JPY) liên tục mất giá và gần đây là đồng EUR đang có dấu hiệu suy giảm mạnh so với đồng USD, giúp Vinaconex có nhiều lợi thế trong việc trả nợ khi 2 khoản vay này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ vay dài hạn nước ngoài.

Theo BCTC năm 2012, Vinaconex hiện có vốn đầu tư tại 33 công ty con, 8 công ty liên kết và 3 công ty liên doanh với tổng vốn đầu tư vào các công ty này lên đến 4.600 tỷ đồng.

Theo CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS), căn cứ theo tỷ lệ góp vốn khoản đầu tư dài hạn này đang đem lại khoản lỗ hơn 241 tỷ đồng, bao gồm: lỗ 314 tỷ đồng từ các công ty con và lãi gần 73 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết. Lỗ nặng nhất của Vinaconex là đầu tư vào Xi măng Cẩm Phả (XMCP).

XMCP được Vinaconex đầu tư năm 2002 theo quyết định của Chính phủ. Đến năm 2008, XMCP hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào hoạt động với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng (Vinaconex nắm 99,6% vốn). Đến hết năm 2012, XMCP lỗ lũy kế 1.588 tỷ đồng sau 5 năm hoạt động.

Đặc biệt, từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, XMCP không đủ dòng tiền trả nợ nên Vinaconex phải trả nợ thay cho XMCP hơn 2.393 tỷ đồng. Hiện các nguồn lực của Vinaconex đã cạn kiệt và không thể tiếp tục hỗ trợ vốn cho XMCP. Do đó, việc tái cấu trúc vốn góp vào XMCP là yêu cầu bắt buộc nhằm giúp Vinaconex cải thiện tình hình tài chính.

Kỳ vọng sau tái cấu trúc?

Theo kế hoạch năm 2012, Vinaconex sẽ tái cấu trúc phần vốn góp tại 10 công ty con theo hướng giảm dần. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế nói chung và sức khỏe của thị trường bất động sản nói riêng không tích cực, nên hoạt động này chỉ mang lại 78,6 tỷ đồng doanh thu so với kế hoạch là 599 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2013 vừa qua, Vinaconex sẽ tiếp tục tiến hành thoái vốn tối thiểu tại 10-15 doanh nghiệp và mục tiêu quan trọng nhất là hoàn thành tái cấu trúc XMCP.

Theo Vinaconex, hiện đang có một số đối tác là các tập đoàn xi măng lớn trong và ngoài nước đề nghị hợp tác với VCG tái cấu trúc XMCP. Cụ thể, các đối tác đề xuất mua lại tối thiểu 70% vốn của Vinaconex để nắm cổ phần chi phối.

Giá mua dự kiến dưới mệnh giá CP (căn cứ trên BCTC được kiểm toán của XMCP). Theo định giá sơ bộ của DAS, với vốn điều lệ của XMCP là 2.000 tỷ đồng, tương đương với 200 triệu CP. Với khoản lỗ lũy kế 1.588 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn lại của XMCP sẽ ở mức 412 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách mỗi CP hiện nay là 2.060 đồng/CP (giá trên chưa bao gồm ảnh hưởng từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 213 tỷ đồng).

Giả sử, Vinaconex thoái thành công 70% vốn với mức giá 2.100 đồng/CP thì lượng tiền mặt thu về sẽ là 294 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá bán dự kiến có thể cao hơn sau khi tổ chức kiểm toán độc lập tiến hành đánh giá lại giá trị tài sản của XMCP.

Các đối tác bỏ ngay một lượng tiền lớn cho giao dịch, bao gồm: trả tiền mua cổ phần cho Vinaconex, bơm tiền trực tiếp cho XMCP để tái cơ cấu nợ vay thông qua ưu tiên trả trước các khoản nợ vay nước ngoài, các khoản nợ vay có lãi suất cao.

Theo Hải Hồ

duchai

Từ khóa:  Vinaconex , sa sút
Cùng chuyên mục
XEM