Vì sao Peru trở thành 'cường quốc tiền giả'?

21/07/2014 15:02 PM | Kinh doanh

Sản xuất tiền giả còn thu lợi ròng hơn cả buôn bán ma túy bởi chi phí đầu tư đối với ma túy rất lớn, trong khi việc vận chuyển và chế biến phức tạp hơn.

Nội dung nổi bật:

- Tội phạm ở Peru tạo ra các đồng tiền giả với chất lượng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với các điểm làm tiền giả tại chính nước Mỹ. Tiền giả ở Peru được sản xuất theo một quy trình mang tính công nghiệp hóa tới mức hoàn hảo: Từ khâu thiết kế đến tinh chỉnh đồng tiền giả.

- Tiền giả là ngành công nghiệp siêu lợi nhuận vì trung bình những tay làm tiền giả thường kiếm được khoảng 20.000 USD trên 100.000 USD tiền giả sản xuất ra, sau khi trừ mọi chi phí. Tính ra, sản xuất tiền giả còn thu lợi ròng hơn cả buôn bán ma túy bởi chi phí đầu tư đối với ma túy rất lớn, trong khi việc vận chuyển và chế biến phức tạp hơn.



Tội phạm ở Peru không chỉ cho ra lò số lượng tiền giả mang mệnh giá 20, 50, 100 USD. Chúng còn tạo ra các đồng tiền giả với chất lượng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều so với các điểm làm tiền giả tại chính nước Mỹ. Ngoài tiền USD, Peru còn sản xuất các loại tiền boliviano của Bolivia, peso của Chile, nuevo sol của Peru và bolivar của Venezuela... Vậy vì sao Peru lại trở thành nước làm tiền giả lớn nhất thế giới?

Công nghệ hiện đại kết hợp với thủ công tinh xảo

Tại Mỹ, các phần tử tội phạm thường sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và máy in laser để tạo ra một số lượng tiền giả hạn chế. Nhưng ở Peru, làm tiền giả diễn ra theo một dây chuyền: tiền giả ở Peru được sản xuất theo một quy trình mang tính công nghiệp hóa tới mức hoàn hảo. Công nghệ làm tiền giả ở Peru đã tiến từ chỗ dựa nhiều vào các máy in tiên tiến kết hợp với thủ công tinh xảo.

Như khâu thiết kế, tiền giả được đưa lên trình bày trên các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp như Corel Draw hoặc Microsoft Office. Sau khi thiết kế xong, hình ảnh được xuất ra bản kẽm, đưa lên máy in offset và tiền giả sẽ được in ra hàng loạt, với chất lượng bản in rất cao.

Nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên, dễ dàng nhất trong hoạt động làm tiền giả. Khâu tiếp theo, đóng vai trò quan trọng nhất, là tinh chỉnh đồng tiền giả. Mỗi đồng tiền in ra, thường gồm 12 đồng tiền giả trên một tấm, sẽ được cắt rời, phủ lên lớp dầu bóng. Một thợ làm tiền giả sẽ nhận nhiệm vụ dùng kim xuyên một đoạn dây bảo hiểm giả bằng nhựa phát quang qua các tờ tiền giả rồi dùng keo gắn cứng lại.

Trên tờ tiền thật giống như bóng mờ, dây bảo hiểm có thể được nhìn thấy khi đưa tờ bạc ra trước ánh sáng. Đây là công việc đặc biệt đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận và chỉ có những đôi tay lành nghề, kiên nhẫn mới thực hiện được. Trước đó, cảnh sát thủ đô Lima đã vô cùng sốc khi chứng kiến kỹ năng làm tiền giả của một đứa trẻ 13 tuổi, bị bắt trong chiến dịch trấn áp tổ chức tiền ở ngoại ô.

Cảnh sát tỏ ra vô cùng kinh ngạc khi thấy cậu bé này khéo léo dùng kim luồn một đoạn dây bảo hiểm giả làm từ nhựa xuyên qua một tờ 100 USD giả.

Cuối cùng, thợ thủ công sẽ dùng giấy ráp mịn để làm cho tờ tiền mỏng thêm một chút, bằng với kích cỡ tiền thật. Những tờ tiền giả tiếp tục được cán qua, lại trên hai con lăn bọc vải sợi thô để có bề mặt thô ráp như của một tờ tiền thật, chứ không trơn láng như lúc vừa in ra. Thường phải mất từ 4 đến 5 ngày để làm ra khoảng 300.000 USD tiền giả.

"Những kẻ đó là chuyên gia trong việc khiến tờ tiền giả có màu sắc, các nếp nhăn, hình mờ an ninh giống y hệt tiền thật. Mỗi đồng tiền giả đều đã trải qua những quá trình xử lý vô cùng tỉ mỉ", đại tá Segundo Portocarrero, lãnh đạo đơn vị chống gian lận của Peru cho biết.

Thích buôn tiền giả hơn ma túy

Theo Cơ quan Mật vụ Mỹ, nhờ kỹ nghệ rất tinh vi cùng với nhân công giá rẻ, các băng tội phạm Peru đã đưa nước này vượt qua mặt Colombia để trở thành nguồn sản xuất USD giả số 1 thế giới. Tác nhân gây ra hiện tượng này do chính quyền Colombia tăng cường chống tiền giả nên tội phạm phải đóng gói đồ đạc và chuyển tới Peru để làm ăn.

Chúng coi đây là một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận vì trung bình những tay làm tiền giả thường kiếm được khoảng 20.000 USD trên 100.000 USD tiền giả sản xuất ra, sau khi trừ mọi chi phí. Tính ra, sản xuất tiền giả còn thu lợi ròng hơn cả buôn bán ma túy bởi chi phí đầu tư đối với ma túy rất lớn, trong khi việc vận chuyển và chế biến phức tạp hơn.

Peru hiện đã tăng cường nỗ lực chống tiền giả và họ hợp tác rất chặt với Mật vụ Mỹ. Việc những kẻ như Joel Quispe Rodriguez bị bắt mới đây là thành quả của nỗ lực hợp tác này. Nhưng theo ông Jorge Gonzalez, một nhà kinh tế Peru chuyên về chính sách tiền tệ đánh giá, chính quyền vẫn chưa làm hết sức để chống tội phạm tiền giả.

"Họ thường chỉ bắt được những con cá bé, không phải là các cá nhân đứng vị trí lãnh đạo. Họ tóm được những kẻ đưa tiền qua sân bay, nhưng không phải là kẻ ra lệnh chuyển tiền đi", ông nói.

Ngoài ra, chính quyền Peru áp dụng hình phạt chưa nghiêm khắc nhằm vào tội phạm làm tiền giả, khiến chúng càng được thể lộng hành. Như băng nhóm làm tiền giả nổi tiếng "Los Quispe" của Joel Quispe Rodriguez. Dù bị tuyên phạt 12 năm tù, nhưng nếu cải tạo tốt, tên này sẽ được phóng thích sau khoảng 4 năm. Chính cậu bé 13 tuổi bị bắt giữ được đề cập ở trên cũng nằm trong băng nhóm này, chúng vẫn hoạt động kể cả khi tên trùm của chúng vẫn trong nhà giam.

Một băng nhóm làm tiền giả khác nằm dưới sự lãnh đạo của Wilfredo Cobo, kẻ hiện đang thụ án tù. Lần đầu bị bắt vào năm 2008, gã đã được trả tự do 2 năm sau đó, để rồi bị bắt lại vào năm ngoái. Portocarrero cho biết, Cobo sử dụng nhiều đầu mối ở Italia, Tây Ban Nha và Pháp để đưa không chỉ USD giả mà còn cả đồng euro vào châu Âu, thông qua đường Chile và Nam Phi.

Theo ông Jorge Gonzalez chống tiền giả là công việc vô cùng khó khăn, khi lợi nhuận thu được quá lớn. Ông nói rằng, cứ 10 USD giả được tuồn khỏi Peru, tội phạm sẽ thu được 1 USD tiền thật. "Vì thế nếu anh đưa cho tôi hàng triệu USD để tuồn ra khỏi đất nước, anh có thể thấy tôi sẽ kiếm được rất nhiều tiền", ông nói.


Theo Bá Hùng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM