Vấn nạn của Apple: Hết sáng tạo
Huyền thoại Apple ra đời nhờ sức sáng tạo mãnh liệt. Khi sự mãnh liệt ấy không còn, huyền thoại cũng biến mất.
Người viết là ông Aswath Damodaran, giảng viên tài chính doanh ngiệp và định giá tại Trường Kinh doanh Stern, ĐH New York.
Muốn biết các xu hướng trên thị trường tài chính xoay chuyển nhanh tới đâu, hãy cứ nhìn vào Apple. Mới 6 tháng trước, công ty công nghệ từng thay đổi cách sống của loài người và mang về vô vàn lợi nhuận cho cổ đông còn đứng trên đỉnh thế giới sau khi chào hàng iPhone 5 và giá cổ phiếu lập đỉnh 705USD.
Từ ấy đến nay, mọi chuyện chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Apple có nhiều tiền đến nỗi không biết nên làm gì với chúng, còn nhà đầu tư thì bối rối, không hiểu nên làm gì với cổ phiếu Apple.
Kỳ vọng quá cao, nên iPhone 5 dù tốt đến đâu vẫn “dưới mức kỳ vọng”. Chỉ những lỗi nhỏ (như của ứng dụng bản đồ) cũng khiến Apple bị bán tháo và giá cổ phiếu rớt xuống 550 USD vào cuối năm ngoái.
Báo cáo lợi nhuận hồi tháng 1 cho thấy tăng trưởng doanh thu chậm lại và biên lợi nhuận hoạt động yếu đi khiến cổ phiếu Apple rớt tiếp xuống 440 USD.
Liệu đây là cơ hội để mua vào một trong những công ty vĩ đại nhất thế giới với giá rẻ hay đây là tín hiệu tháo chạy?
Muốn trả lời được câu hỏi này, phải hiểu rằng cổ phiếu của mọi công ty đại chúng đều chịu sự chi phối của hai yếu tố.
Thứ nhất là “giá trị” do các yếu tố cơ bản như tăng trưởng, rủi ro và dòng tiền quyết định. Thứ hai là “giá” do cung cầu quyết định, trong đó xu hướng cùng những cơn điên trên thị trường cũng quan trọng chẳng kém gì các yếu tố cơ bản.
Apple vừa có nhiều xu hướng khác nhau, vừa tập hợp được cả hai trường phái đầu tư tăng trưởng và giá trị, lại có thêm vô khối tin đồn xung quanh nên “giá” và “giá trị” có thể khác xa nhau.
Giới đầu tư phải nhìn ra được hai vấn đề: thứ nhất là “giá trị” và “giá” chênh lệch bao nhiêu; thứ hai là liệu mức chênh lệch này có biến mất.
"Giữ bí mật mọi thứ ... một thời từng có tác dụng như một thủ thuật marketing, nhưng nay nó là nguồn cơn của những tin đồn thất thiệt." |
Vấn đề thứ nhất dễ trả lời hơn. Apple có 137 tỷ USD tiền mặt và lợi nhuận ròng năm ngoái hơn 40 tỷ USD. Có dự báo thận trọng với mức tăng trưởng vừa phải (6%) và biên lợi nhuận giảm, thì giá trị cổ phiếu Apple cũng phải vượt 600 USD. Nếu doanh thu không tăng và biên lợi nhuận giảm mạnh, thì giá cũng phải tầm 400 USD.
Vấn đề thứ hai khó hơn vì xu hướng hiện nay không đứng về phía Apple. Nhà đầu tư tổ chức đang bán ra, còn giới phân tích cổ phiếu đang hạ mức giá mục tiêu.
Trước khi đầu tư, nên tự hỏi mình hai câu. Thứ nhất, bạn có sẵn sàng mua, nắm giữ và thu hồi vốn qua dòng tiền của Apple hay không? Đầu tư kiểu ấy cần thời gian dài và tâm lý vững.
Thứ hai, bạn có tin sắp tới sẽ có một chất xúc tác nào đó bẻ gãy xu hướng thị trường hiện nay? Đó có thể là một sản phẩm mới, một chương trình mua lại cổ phiếu, hay một nhà đầu tư kiên nhẫn cùng một túi tiền lớn.
Đó là lý do vì sao nên coi việc David Einhorn kiện Apple để buộc công ty này phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông là tin tốt (vì nó tạo “sóng” cho cổ phiếu Apple).
Tuy vậy, một trong những bài học quan trọng nhất của đầu tư giá trị là nếu đợi cho đến khi xu hướng thay đổi theo hướng có lợi, hay một chất xúc tác xuất hiện, có thể đã là quá muộn.
Bản thân Apple không vô tội. Chính công ty này góp phần khiến giá cổ phiếu thêm hỗn loạn. Có ba điều Apple nên làm ngay.
Thứ nhất, nên cư xử giống một doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan an ninh quốc gia. Giữ bí mật mọi thứ từ sản phẩm tới kế hoạch sử dụng tiền mặt một thời từng có tác dụng như một thủ thuật marketing, nhưng nay nó là nguồn cơn của những tin đồn thất thiệt.
Thứ hai, Apple phải hiểu mình đã “trưởng thành”. Họ nên chia nhiều tiền mặt hơn cho cổ đông và cởi mở hơn với các kênh huy động vốn khác.
Thứ ba, Apple phải tìm ra những thị trường mới chứ không chỉ tập trung hoàn toàn vào smartphone. Dù thị trường này có béo bở nhưng sức cạnh tranh hiện nay sẽ buộc biên lợi nhuận phải giảm xuống.
Apple không chỉ là một công ty điện tử. Thành công của nó đến từ việc kết hợp thiết kế trang nhã với tư duy sáng tạo để đột phá thành công cả thị trường máy nghe nhạc cầm tay lẫn thị trường bán lẻ các sản phẩm âm nhạc.
Chỉ có tiếp tục đột phá trên những thị trường mới, Apple mới lấy lại được ánh hào quang đã mất.
Minh Tuấn
Theo The Economist