Ván bài ngửa và thế trận khó lường của Trầm Bê

14/03/2014 09:23 AM | Kinh doanh

Ông Trầm Bê và gia đình được cho là có lợi thế trong vụ sáp nhập Southernbank vào Sacombank. Đây dường như là một ván bài ngửa nhưng vị đại gia này hẳn còn nhiều nước đi chưa thể lường hết.

Tiềm ẩn bất ngờ

Vụ sáp nhập giữa Sacombank và Southern Bank đã có những bước đi chính thức đầu tiên. Có vẻ như, vụ việc đã được công khai và sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch bởi những thương vụ lớn trong ngành tài chính thường được công bố khi mọi việc đã "hòm hòm", tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng trong một cuộc chơi nào cũng luôn có những điều bất ngờ có thể xảy ra.

Xét về chủ trương tái cấu trúc ngân hàng, sáp nhập Sacombank và Southern Bank là bình thường. Đi đúng chủ trương và được đánh giá là có lợi cho cả 2 phía cũng đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý và cổ đông sẽ nhanh chóng thông qua. Việc sáp nhập chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tiềm ẩn bất ngờ trong thương vụ này, mà phần nhiều liên quan tới quyền lực thực sự của ông Trầm Bê - đại cổ đông chi phối của Southern Bank, cũng là cổ đông lớn của Sacombank và các cuộc đàm phán để cân bằng lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều là tỷ lệ nắm giữ thực sự của ông Trầm Bê và những người liên quan tại Sacombank?. Có phải khoảng 6,7% như công bố trong báo cáo quản trị vừa qua không? Hay đây chỉ là một phần được thể hiện trên danh mục cổ phiếu của ông Trầm Bê và những người liên quan?

Đại gia Trầm Bê sẽ xuất hiện với vị trí, vị thế như thế nào ở ngân hàng mới.

Cán cân lực lượng và quyền lực của ông Trầm Bê như thế nào trên bàn đàm phán và sẽ ra sao sau khi sáp nhập?

Dựa theo tỷ lệ cổ phần mà các bên nắm giữ công khai, có thể thấy, quyết định để Sacombank và Southern Bank sáp nhập hay không phụ thuộc phần nhiều vào một số cổ đông lớn tại Sacombank như: Eximbank, Đầu tư Sài Gòn Exim và Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu.

Ông Trầm Bê và người liên quan sẽ không được bỏ phiếu ở cả 2 ngân hàng do là cổ đông hưởng lợi trực tiếp từ một đề xuất. Tỷ lệ chấp thuận cũng phải đạt tối thiểu 65% của các cổ đông có quyền tham gia biểu quyết. Các cổ đông nước ngoài và các cổ đông khác cũng là một bên đối trọng.

Trầm Bê: Đạo diễn sau sân khấu

Quyết định bỏ phiếu có thông qua hay không có lẽ phụ thuộc vào việc Sacombank sẽ được lợi gì từ vụ sáp nhập, các cổ đông lớn và nhỏ theo đó sẽ được lợi gì và đại gia Trầm Bê và những người liên quan sẽ xuất hiện với vị trí, vị thế như thế nào ở ngân hàng mới, và vị trí này có ảnh hưởng như thế nào tới họ - các cổ đông lớn khác?

Cho tới thời điểm này, đề án chi tiết chưa được công bố, cho nên, giới đầu tư chưa thể phân tích được lợi ích của các bên và các cổ đông sẽ ngả theo hướng nào. Giới đầu tư hiện vẫn đang nghe ngóng về kế hoạch chia cổ tức, kế hoạch nới room ngoại, tỷ lệ hoán đổi và kế hoạch chia 100 triệu cổ phiếu quỹ, thặng dư vốn cho cổ đông của Sacombank. Việc nới như thế nào, chia như thế nào, tất cả sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông 2 ngân hàng.

Theo các thông báo mua bán trong hơn 2 năm qua, có thể thấy Eximbank đang là cổ đông lớn nhất với hơn 10%, tiếp theo là khối ngoại với hơn 10%, rồi đến 10% cổ phiếu quỹ, khoảng 6,7% cổ phần của nhà ông Trầm Bê, khoảng 4,5% của Đầu tư Sài Gòn Exim và 2,3% của Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu.

Nhìn vào cơ cấu cổ đông nói trên, loại trừ 10% cổ phiếu quỹ và cổ phần của nhà ông Trầm Bê, thì quyền quyết định đang dồn vào "nhóm Eximbank" với tỷ lệ sở hữu lên tới gần 18%.

Trước đó, trong vụ thâu tóm Sacombank cách đây gần 2 năm, Eximbank đã đứng ra đại diện cho "nhóm cổ đông nắm giữ trên 51%" mà sau này đã cử một loạt đại diện từ Eximbank và Southern Bank vào Hội đồng quản trị của Sacombank như: ông Phạm Hữu Phú (hiện là chủ tịch STB), ông Trầm Bê, con trai Khải Hòa, ông Phan Huy Khang, bà Dương Hoàng Quỳnh Như.

Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu hiện đang nắm giữ 2,3% cổ phần Sacombank cũng là "người liên quan" của ông Phạm Hữu Phú.

Nhìn vào cán cân lực lượng nói trên, có thể thấy, nếu nhóm cổ đông mà Eximbank diện cách đây gần 2 năm vẫn cùng chí hướng và thì vụ sáp nhập Sacombank-Southern Bank có lẽ chỉ là một miếng ghép thêm trong đoạn của cuối của kịch bản thâu tóm Sacombank và hướng tới sáp nhập Sacombank-Eximbank. 

Và nếu vậy thì khả năng đề án sáp nhập sẽ nhanh chóng được đại hội thông qua cho dù ông Trầm Bê không được tham gia bỏ phiếu.

Tuy nhiên, trong một thương vụ, lợi ích không bao giờ công bằng cho tất cả các bên. Chắc chắn sẽ có những người được hưởng lợi nhiều hơn, những người hưởng lợi ít hơn.

Cán cân nghiêng về bên nào phụ thuộc vào thực lực và khả năng đàm phàn giữa các nhóm này. Và có thể thấy, trong một cuộc chơi như vậy, vẫn có rất nhiều tình huống có thể xảy ra và đó có thể là những điều bất ngờ. 

Nhóm cổ đông nước ngoài và các cổ đông nhỏ lẻ khác cũng đang nắm một tỷ lệ khá lớn cổ phần và họ cũng có thể góp phần làm thay đổi cục diện bàn cờ nếu 2 nhóm cổ đông chính không có sự thống nhất cao độ. Đại hội cổ đông có thể không thông qua phương án sáp nhập.

Ngược lại, sự bất ngờ cũng có thể xảy ra với sự thống trị của một nhóm cổ đông lớn nào đó tại ngân hàng mới hoặc tiến tới là một thực thể mới hơn nữa giữa Sacombank-Eximbank.

Quá nhiều sự bất ngờ cũng khiến mọi việc trở nên bình thường nhưng với tất cả những gì đã diễn ra với Sacombank trong thời gian qua thì rõ ràng dù bỏ phiếu hay không, ông Trầm Bê hẳn vẫn là đạo diễn chính cho thương vụ này.

duchai

Cùng chuyên mục
XEM