Tương lai sẽ là hàng Trung Quốc 'Made in America'?

21/11/2014 12:58 PM | Kinh doanh

Trung Quốc đang trở thành niềm hy vọng cho người Mỹ, con lắc kinh tế Trung Quốc đang đánh ngược trở lại đất nước cờ hoa.

Nhà làm phim Trung Quốc Miao Wang vừa thực hiện đoạn phim tài liệu ngắn mang tên "Made by China in America", góp phần trả lời một câu hỏi chung cho người Mỹ: "Kinh tế Trung Quốc bùng nổ liệu có tốt cho chúng ta?"

Cuộc bùng nổ lần thứ nhất

Ba thập kỷ trôi qua kể từ lần Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế, quốc gia châu Á này đã đuổi sát nút Hoa Kỳ với ngôi vị là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đã thu hút nhiều khoản đầu tư nước ngoài trực tiếp, giúp hàng triệu người dân của mình thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên bên cạnh đó, hậu quả là nhiều người Mỹ thất nghiệp vì công việc, nhất là trong ngành sản xuất, chảy về nơi giá nhân công rẻ hơn.

Cuộc bùng nổ lần thứ hai

Mấy năm gần đây, cuộc bùng nổ kinh tế Trung Quốc đã chuyển sang một diện mạo mới. Các doanh nhân Trung Quốc bắt đầu mua lại hoặc đầu tư vào các công ty Mỹ, thậm chí còn xây dựng nhà máy ngay trên đất Mỹ. Chẳng ai ngờ được rằng con lắc kinh tế của Trung Quốc lại đánh ngược trở lại và phục hưng ngành sản xuất tại Mỹ.

Nhà làm phim Miao Wang.

Nhiều thương nhân Trung Quốc đã học tập, du lịch khắp trên đất nước cờ hoa, nhiều người không tiếc tiền cho con cái sang đây du học. Họ muốn học cách tư duy và sáng tạo của người Mỹ, học cách cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà không phải với tư cách "công xưởng rẻ tiền" cùng cái mác "Made in China".

Có lẽ chúng ta đang sắp sửa sống trong "thế kỷ Trung Quốc"? Nhiều người Mỹ coi sự vươn dậy của Trung Quốc là mối lo cho nền kinh tế nước Mỹ.

Bản thân đạo diễn Miao Wang thấy việc Trung Quốc đầu tư vào Mỹ là cơ hội tích cực cho cả hai bên. Dù sao thì doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phải hoạt động trên sân chơi của Mỹ, tuân thủ luật lệ của Mỹ, đóng thuế theo kiểu Mỹ và thuê lao động người Mỹ. Nước Mỹ có trách nhiệm hoàn thiện thực tiễn quản lý khi dẫn dắt các công ty này. Đổi lại, Trung Quốc sẽ góp phần vực dậy nền kinh tế Mỹ.

Câu chuyện kể ở nhà máy dệt

Đoạn phim tài liệu "Made by China in America" (Tạm dịch "Hàng Trung Quốc sản xuất tại Hoa Kỳ") tập trung vào ngành sản xuất tại miền nam nước này. Trong quá trình nghiên cứu, có một câu chuyện khiến Miao Wang phải lưu tâm, đó là chuyện một nhà máy dệt ở Trung Quốc đã đóng cửa và chuyển tới Nam Carolina, một bang với bề dày lịch sử về sản xuất vải dệt.

Cách đây 15 - 20 năm, hàng loạt người dân bang này thất nghiệp vì công việc chuyển về tay lao động nước ngoài giá rẻ. Chính họ là những người chịu tác động trực tiếp của nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc, cả lần thứ nhất lẫn lần thứ hai.

Đi bộ dọc một nhà máy hoang phế, ông Jack, một công nhân dệt về hưu, kể về thời kỳ hưng thịnh của của nơi này và cả sự sụp đổ sau đó khi công việc chảy ra nước ngoài. Thế nhưng ông vẫn sẵn sàng quay lại lập tức với nhà máy nếu người Trung Quốc mang công việc về, "vì nó là nghề của chúng tôi rồi", ông nói.

Một công nhân khác, Danny, từng chứng kiến sự bỏ hoang của một nhà máy 500 nhân công. Ngày nay nhà máy được chuyển sang tay một người chủ Trung Quốc, anh là nhân viên duy nhất còn ở lại làm việc. Anh rất vui khi thấy công việc đang quay trở lại: "Điều đó đã mang lại hy vọng cho nhiều người thất nghiệp."

Theo số liệu của Rhodium Group, Trung Quốc đã đầu tư hơn 14 tỷ USD và tạo ra gần 80.000 việc làm cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2013. So với quy mô nền kinh tế Mỹ, các con số này xem chừng không đáng kể, nhưng đối với những người dân đang chật vật như ở Nam Carolina, thì đây là một sự thay đổi lớn cho nền kinh tế địa phương.

Ngành sản xuất chưa chắc đã quay về Mỹ hoàn toàn, nhưng việc hai nước học hỏi lẫn nhau đang tạo ra tiềm năng khổng lồ và mang lại lợi ích chung cho cả hai.

>> Những sản phẩm thành công vang dội nhất tại Mỹ

Thùy An

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM