Trung Quốc: Uber bị tịch thu 1.000 iPhone, bị cáo buộc điều hành dịch vụ “xe đen”
Cảnh sát Quảng Châu (Trung Quốc) đột kích và khám xét văn phòng dịch vụ ứng dụng taxi Uber tại Quảng Châu với cáo buộc công ty này đã điều hành một dịch vụ “xe đen” trái pháp luật.
Nội dung nổi bật:
- Sở Giao thông Vận tải Quảng Châu cho rằng các dịch vụ đặt xe qua mạng không được phép sử dụng xe và tài xế tư nhân để chở khách, và bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động theo hình thức này sẽ “bị tình nghi kinh doanh trái phép”.
- Tuy nhiên, có vẻ như trong chiến dịch đột kích vừa qua, cảnh sát Trung Quốc không hề đả động gì đến Didi và Kuaidi, mặc dù hai công ty này cùng điều hành một dịch vụ không khác là mấy so với Uber.
- Đây không phải là lần đầu tiên Uber bị nhà chức trách Trung Quốc “sờ gáy”
Ngày 30/4, tờ Nhật báo Quảng Châu (Trung Quốc) đưa tin cảnh sát và nhân viên an ninh Trung Quốc đã khám xét văn phòng Uber và tịch thu hơn 1.000 chiếc điện thoại iPhone, với cáo buộc công ty này đã điều hành một dịch vụ “xe đen” trái pháp luật.
Tờ báo này cho hay chiến dịch khám xét này được thực hiện dưới sự phối hợp của cơ quan công an và Sở Công nghiệp Thương mại thành phố Quảng Châu.
Tuyên bố của Sở Giao thông Vận tải thành phố Quảng Châu nhấn mạnh các cơ quan liên ngành của thành phố đang thực hiện một “chiến dịch đặc biệt” chống lại các doanh nghiệp hoạt động phi pháp và không có giấy tờ hợp lệ.
Trong chiến dịch này, các quan chức đã khám xét văn phòng Uber vì nghi ngờ Uber đang điều hành dịch vụ “xe đen” phi pháp trong thành phố. Sở Giao thông Vận tải Quảng Châu cho rằng các dịch vụ đặt xe qua mạng không được phép sử dụng xe và tài xế tư nhân để chở khách, và bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động theo hình thức này sẽ “bị tình nghi kinh doanh trái phép”.
Cuộc khám xét nằm trong chiến dịch “truy quét” các công ty hoạt động trái
phép ở Trung Quốc. (Ảnh: Guangzhou Daily)
Nhà chức trách Quảng Châu cũng tuyên bố rằng cảnh sát sẽ không giảm bớt cường độ trong chiến dịch nhằm truy quét “các hãng taxi phi pháp làm rối loạn thị trường vận tải”.
Tuy nhiên, đại diện văn phòng Uber tại Quảng Châu thì lại tuyên bố trên tờ Sina News rằng cuộc khám xét trên chỉ là một đợt kiểm tra thông thường của nhà chức trách và dịch vụ của họ ở Quảng Châu sẽ không bị ảnh hưởng.
Mặc dù mới chỉ ra đời được 6 năm, song ứng dụng đặt taxi qua Internet của Uber đã được phát triển ở 56 quốc gia và hơn 300 thị trường. Uber bắt đầu đặt chân vào Trung Quốc từ tháng 8/2013 với việc ra mắt dịch vụ đặt xe sang ở Thượng Hải nhằm “phân biệt đẳng cấp” với các đối thủ địa phương. Kể từ đó đến nay, Uber đã mở rộng ra 9 thành phố lớn của Trung Quốc đại lục.
Trong một bài báo xuất bản ngày 30/4, Forbes đánh giá rằng Uber là một trong số ít công ty của Mỹ đã thích nghi và có được thành công ở Trung Quốc, đồng thời ca ngợi công ty này đã “thiết lập những tiêu chuẩn mới” trong hướng phát triển địa phương hóa của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ở Trung Quốc, Uber đã chứng kiến không ít những thăng trầm, chẳng hạn như việc giới thiệu dịch vụ cho thuê trực thăng với giá rất hợp lý ở Thượng Hải, nhưng sau đó lại bị tin tặc Trung Quốc tấn công khiến nhiều dữ liệu khách hàng bị mất.
Trong khi đó, Uber cũng phải cạnh tranh quyết liệt với 2 đối thủ cạnh tranh rất đáng gờm ở Trung Quốc, đó là ứng dụng đặt taxi Didi Dache do Tencent phát triển và Kuaidi Dache do Alibaba hậu thuẫn.
Nhà chức trách tịch thu hơn 1.000 điện thoại iPhone từ văn phòng Uber Quảng
Châu. (Ảnh: Guangzhou Daily)
Theo Sina News, có vẻ như trong chiến dịch đột kích vừa qua, cảnh sát Trung Quốc không hề đả động gì đến Didi và Kuaidi, mặc dù hai công ty này cùng điều hành một dịch vụ không khác là mấy so với Uber.
Hai ứng dụng nội địa này kiểm soát tới 99% thị trường đặt taxi nội địa thông qua điện thoại thông minh. Theo tạp chí Forbes, hồi tháng Hai vừa qua, Didi và Kuaidi đã quyết định sẽ sáp nhập để tạo thành một gã khổng lồ kiểm soát gần như toàn bộ thị phần đặt taxi qua mạng ở Trung Quốc, đẩy Uber vào thế khó và nhiều khả năng sẽ phải liên kết với một công ty của Trung Quốc mới có thể trụ vững.
Uber đã bắt đầu nhận được sự giúp đỡ dưới hình thức đầu tư từ người khổng lồ Internet mang tên Baidu của Trung Quốc, khi tập đoàn này không chỉ rót vốn mà còn giúp Uber địa phương hóa bản đồ, công nghệ và hệ thống thanh toán cho phù hợp hơn với thói quen của khách hàng Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên Uber bị nhà chức trách Trung Quốc “sờ gáy”. Hồi tháng 12 năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc cũng đã bất ngờ ập vào một lớp đào tạo tài xế của Uber ở thành phố Trùng Khánh. Trong những tháng gần đây, nhiều tài xế Uber ở các thành phố lớn liên tục bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm”, phạt tiền và thậm chí là tịch thu phương tiện.
Theo tờ Nhật báo Quảng Châu, chiến dịch “truy quét” gần đây của cảnh sát thành phố đã phát hiện rất nhiều trường hợp cho thuê xe bất hợp pháp, và mỗi tài xế vi phạm sẽ bị phạt số tiền khoảng 4.840 USD.
Những vụ việc này là tín hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa các ứng dụng đặt taxi qua mạng với các công ty taxi truyền thống ở Trung Quốc. Trong nhiều tháng gần đây, các tài xế nhiều hãng taxi Trung Quốc đã liên tục đình công để phản đối mức phí cao mà họ phải nộp cho công ty cũng như sức ép cạnh tranh quá lớn từ các tài xế taxi tư nhân.
>> Tố Uber phạm pháp, Vinasun vẫn chuẩn bị ra mắt một mô hình tương tự?
Bảo Nhi