Tiếng kêu khóc của những 'người đặc biệt'
Nội dung nổi bật
- Từ đầu năm đến nay, không ít các doanh nghiệp trong nước đã nộp đơn trình Chính phủ xin giãn thuế, hoãn thuế. Hầu hết đây đều là các doanh nghiệp lớn. Những ông lớn này đều đưa ra những "khó khăn đặc biệt" để xin trợ giúp.
- Trong khi đó, nhiều DN vừa và nhỏ cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự, nhưng chưa nhận được hỗ trợ.
- Điều đó khiến người ta không khỏi thắc mắc, đặc biệt ở đây có thực là "khó khăn đặc biệt” hay là tự thân các doanh nghiệp “đặc biệt”?
Nghe người “đặc biệt” trần tình
Ngày 29/8, trong một công văn gửi tới Bộ
tài chính, liên doanh khai thác dầu khí Việt
– Nga Vietsopetro đã ngỏ ý xin “khất” nghĩa vụ thuế phải nộp đối với các lô
dầu thô xuất khẩu.
Trong công văn gửi đi, đơn vị này nhấn mạnh,
mình là trường hợp đặc biệt. Theo Vietsopetro, công ty là liên doanh giữa Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Công ty CP Zazubezhneft (Nga), hoạt động
trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa 2 nước Việt Nam và Liên bang Nga, còn
gọi tắt là Hiệp định 2010.
Vietsoptro cho rằng, Hiệp định 2010 sẽ được ưu tiên áp dụng
khi luật của nước sở tại có những quy định khác với nội dung của điều ước.
Trong Hiệp định 2010 có quy định: “Thời hạn nộp thuế xuất
khẩu dầu thô chậm nhất là ngày thứ 35 kể từ ngày làm xong thủ tục hải quan”.
Đồng thời, điều 12 của Hiệp định này cũng nêu: “thuế và các mức thuế suất nêu
tại Hiệp định này được áp dụng ổn định trong thời gian Hiệp định”.
Vì vậy, liên doanh này đã đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục
Hải quan cho phép được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế như “cũ”, theo Thông tư
155 và Hiệp định 2010.
Vietsopetro không phải DN duy nhất viện lý do đặc biệt để
thoái thác nghĩa vụ thuế. Do rất khó để định nghĩa thế nào là “đặc biệt”, nên
mỗi doanh nghiệp đều có cho mình một lý do riêng đề bàn về cái sự “đặc biệt”
này.
Mới đây, Tập đoàn
Viễn Thông quân đội Viettel đã làm
đơn đệ trình lên tận Thủ tướng với nội dung xin miễn thuế nhập khẩu đối với
toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện sử dụng trong ngành điện thoại di động
cho Công ty Mẹ - Viettel và các công ty con do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều
lệ.
Thời gian xin miễn thuế là 5 năm, kể từ năm 2013 đến hết
năm 2017. Đồng thời, xin áp dụng mức thuế thu nhập DN ở mức ưu đãi 10% cho thu
nhập từ việc bán sản phẩm điện thoại di động do Viettel sản xuất, lắp ráp trong
nước.
Viettel thì nổi tiếng làm ăn có lãi, vì thế lý do đưa ra
cũng không thể là do thiếu tiền. Thay vào đó, tập đoàn này giải thích hãng điện
thoại Samsung đã được quá nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam. Nếu Viettel
không được thì chẳng khác gì bị ‘phân biệt đối xử’ ngay trên sân nhà.
Trong bối cảnh Việt Nam luôn ước ao đuổi kịp công nghệ với
các cường quốc trên thế giới thì câu trả lời Viettel đưa ra quả cũng hợp tình
hợp lý.
Lý do “đặc biệt” nhất có lẽ là Trường Hải Auto (THACO). Giữa tháng 6, công ty ô tô nội địa số một trong
nước, gây “choáng” khi làm đơn xin chậm nộp thuế tới 1.200 tỷ đồng.
Trường Hải mạnh dạn đưa ra kiến nghị kể trên là dựa theo
quy định nếu “gặp khó khăn đặc biệt” thì doanh nghiệp được quyền xin gia hạn nộp
thuế tối đa một năm.
Vậy khó khăn đặc biệt của Trường Hải là gì? Công ty này cho
rằng, tình hình kinh tế xấu đi khiến doanh số thị trường ô tô trong nước giảm
mạnh, triển vọng phía trước không sáng sủa. Đó gọi là “khó khăn đặc biệt”. Lý
giải này của Trường Hải được các cơ quan chức năng ủng hộ nhiệt tình.
Năm ngoái Trường Hải rót hơn 2.636 tỷ đồng “bắt đáy” bất
động sản, nhà sáng lập Trường Hải cũng đã từ chức CEO để sang lãnh đạo CTCP Đầu
tư địa ốc Đại Quang Minh. Vốn đầu tư chủ yếu được tài trợ bằng nợ ngắn hạn nên dòng
tiền ắt là vấn đề không mấy dễ chịu với Trường Hải. Trong 6 tháng đầu năm, các
ngân hàng đã thu hồi (ròng) khoảng 1.500 tỷ dư nợ cho vay từ Trường Hải.
Và những kẻ ít “đặc
biệt” hơn
Với trường hợp của Trường Hải, lý do mà công ty đưa ra đặc
biệt đến nỗi, sau khi Trường Hải làm đơn, hàng loạt các DN ô tô khác cũng xin
gia hạn thuế với lý do tương tự.
Chẳng hạn như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông
nghiệp Việt Nam (VEAM) đã đệ đơn xin Chính phủ gia hạn đóng thuế, vì lý do phải
dồn sức cho việc “phát triển ngành công nghiệp ôtô” trong bối cảnh khó khăn.
Để
tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, VEAM xin Chính phủ cho gia hạn nộp
các loại thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư ôtô phục vụ sản xuất, lắp ráp kể từ
ngày 1/7/2013 đến ngày 31/12/2013 với tổng giá trị 180 tỷ đồng.
Theo
sau đó là hàng loạt các DN ô tô vừa và nhỏ khác như Vinaxuki, ô tô Thành Công,
TMT, Hoàng Trà, Ô tô Đông Phương, cũng có những kiến nghị tương tự.
Tuy
nhiên, trong khi THACO đã được chấp nhận giãn thuế và báo lãi quý 2 tăng gần
400% so vơi cùng kỳ, các DN ô tô khác vẫn chưa nhận được hồi âm của Chính phủ.
Hay như việc sản xuất điện thoại di động, hiện nay không
chỉ có Viettel mà FPT cũng tham gia trong lĩnh vực này. Thế nhưng vẫn chưa thấy
FPT có những đề xuất gì về việc giảm thuế, miễn thuế cho linh kiện điện thoại
như những gì Viettel đã đề xuất với Chính phủ.
Dễ thấy, DN được nhận ưu đãi cá biệt,
thường là những ông lớn, những tập đoàn có nhiều mối liên hệ với Nhà nước. Trong
khi đó, khu vực DN vừa và nhỏ, nơi đang đóng góp gần 30% nguồn thu ngân sách, lại
ít được trực tiếp ưu ái như vậy.
Điều đó khiến người
ta không khỏi thắc mắc, đặc biệt ở đây có thực là “khó khăn đặc biệt” hay là tự
thân các doanh nghiệp “đặc biệt”?
Thực tế, khi nói tới cụm từ đóng
thuế, thu thuế, xóa bỏ ân hạn thuế, ít thấy DN nào tỏ ra hào hứng. Thời điểm
kinh tế khó khăn, không phải lúc nào người chủ DN cũng mong “niềm tự hào đóng
thuế” ngày một phình to ra và ăn sâu vào lợi nhuận.
Chỉ có điều, nếu những DN lớn đang gặp khó 1 thì những DN vừa và nhỏ, khu vực tiếng kêu ít khi ‘vọng tới cao xanh’, đang gặp khó 10. Đọc mãi tin về những ‘ưu đãi đặc biệt’ cho các ‘trường hợp đặc biệt’, hẳn các DN vừa và nhỏ cũng không khỏi có chút chạnh lòng.
Trang Lam