Thương mại điện tử Việt Nam kỳ vọng vào năm 2013

01/01/2013 10:22 AM | Kinh doanh

Những rắc rối của MB24, Nhóm Mua... là điển hình cho khó khăn của thương mại điện tử Việt Nam năm 2012. Dù vậy, các chuyên gia vẫn nhận định năm 2013 sẽ xuất hiện thời cơ tốt để lĩnh vực này "cất cánh".

Theo một số chuyên gia, 2012 được xem là năm khó khăn nhất trong 20 năm của nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn, vừa cắt giảm chi phí đầu tư và nhân lực, vừa phải tính chuyện mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc xây dựng và cải thiện chất lượng website, từng bước xem đây là kênh quan trọng, hiệu quả và tiết kiệm để quảng bá thương hiệu, sản phẩm và chăm sóc khách hàng.

Công nghệ phát triển với sự bùng nổ của mạng xã hội và thiết bị di động góp phần đẩy mạnh các giao dịch và đưa nhà cung cấp đến gần với khách hàng hơn. Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trên di động trong nước đang tập trung vào các giải pháp thanh toán và tiếp thị qua mobile. Theo chuyên gia nhận định, thị trường này hứa hẹn tăng trưởng tốt và sẽ có nhiều bất ngờ trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét năm 2012 thương mại điện tử đã trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi tại nhiều lĩnh vực kinh doanh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngày càng lớn mạnh so với trước. "Nguồn này bao gồm lực lượng lao động tại các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng thành thạo tìm kiếm thông tin và mua sắm trực tuyến", ông Hưng cho biết.

Trong năm 2012, hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ các cơ quan Nhà nước cũng có những tiến bộ đáng kể, giúp thuận lợi hóa thương mại và giảm chi phí kinh doanh. Các văn bản pháp quy về thương mại điện tử cũng được hoàn thiện.

Sau thời gian dài đầu tư vào Việt Nam một cách gián tiếp, các công ty nước ngoài bắt đầu đổ tiền trực tiếp vào lĩnh vực này trong năm 2012. Qua đó, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp càng tăng cao hơn. Một vài đơn vị lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp không lành mạnh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và thương mại điện tử.

Lĩnh vực kinh doanh trực tuyến trở nên "đình đám" hơn trong năm 2012 qua một số sự cố chính là các công ty bán hàng đa cấp trá hình thương mại điện tử để lừa đảo (như Diamond Holiday, Muaban24,...) và sự rạn nứt của ngành công nghiệp mua hàng theo nhóm (điển hình là Deal Sốc, Nhóm Mua,...).

Nổi cộm của trò lừa bán hàng đa cấp online 2012 là công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (Muaban24 hay MB24). Theo điều tra ban đầu, mạng lưới của MB24 đã phát triển tới hơn 100.000 gian hàng, có dấu hiệu chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng. Lúc này, MB24 đã vươn "vòi bạch tuộc" của mình đến hơn 20 tỉnh thành trên cả nước, với trên 50 chi nhánh.

Cuối năm 2011, ngành kinh doanh online của Việt Nam rộ lên mô hình mua theo nhóm (Groupon) dù đã có mặt ở nước ta từ cuối 2010, bên cạnh các sàn giao dịch điện tử với hình thức rao vặt thông thường. Sự phát triển quá "nóng" khiến những điểm hạn chế, bất cập của mô hình này trên thế giới nhanh chóng bộc lộ tại một số doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình là công ty Nhóm Mua khi đơn vị này phải đóng cửa trong thời gian dài vì những lục đục nội bộ. Ngoài ra, Deal Sốc cũng là trường hợp tương tự khi đột ngột "biến mất".

CEO của một doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này là mô hình thương mại điện tử đang bị lạm dụng, bóp méo bởi các nhà cung cấp xấu. Nói về sự cố của mô hình Groupon, ông nhận xét: "Các website bán hàng ngoài việc không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, còn lạm dụng tiền trả chậm cho nhà cung cấp để dùng cho quảng cáo, dẫn đến mất khả năng thanh khoản, kết quả là đổ vỡ công ty".

Trong khi đó giới chuyên gia lại nhìn thấy cái lợi từ chính những sự cố trên. "Việc này sẽ sàng lọc được các doanh nghiệp không phù hợp, lại có tính giáo dục cho khách hàng về thương mại điện tử", một chuyên gia khẳng định. Người này cũng nhận định thương mại điện tử sau những khó khăn sẽ phát triển tốt hơn trong năm 2013.

Đánh giá về thương mại điện tử trong năm 2012, ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban truyền thông của VECOM nói: "Năm 2012 đã xây dựng hoàn thiện được hệ thống hệ tầng cho thương mại điện tử, có thể nói gần như theo kịp tiến bộ của thế giới". Hiện các mô hình hay công cụ hỗ trợ như rao vặt, sàn giao dịch, website bán lẻ trực tuyến, mua theo nhóm, giải pháp thanh toán online, vận chuyển,... đều có tại thương mại điện tử Việt Nam.

Nhóm Mua là cái tên điển hình cho những rắc rối của mô hình Groupon tại Việt Nam năm 2012. Ảnh: Anh Quân

Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế khi lĩnh vực bị lạm dụng gây tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vấn đề sức mua yếu cũng trở thành nhược điểm còn tồn tại. Theo ước tính, thương mại điện tử mới chiếm 0,3 đến 0,5% tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá mức này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khi có hơn 31 triệu người Việt sử dụng Internet, chiếm 35,5% dân số.

Nhiều dự báo cho rằng năm 2013 kinh tế thế giới cũng như Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn về chiều sâu, tái cấu trúc để bắt nhịp với nền kinh tế số. "Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử là một hướng đi phù hợp với doanh nghiệp", Tổng thư ký VECOM nhận xét.

Còn theo ông Nguyễn Hòa Bình, với cảnh kinh doanh truyền thống ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp tự khắc tìm đường lên mạng để bán hàng. "Đây là xu thế tất yếu không thể thay đổi. Trong 5 năm nữa, doanh nghiệp nào không có mảng online tốt sẽ khó cạnh tranh". Bên cạnh đó, trước hiện trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại, xu hướng nhờ bên thứ ba có uy tín làm chứng thực sẽ trở nên phổ biến hơn.

Trưởng ban truyền thông VECOM cho rằng, năm 2013 các vấn đề vận chuyển hàng hóa sẽ trở nên nóng hơn đối với mọi website bán hàng trực tuyến, đòi hỏi sự ra đời và khâu chuẩn bị tốt từ các dịch vụ chuyển phát và logistic mang tính chất chuyên nghiệp hơn.

Mua hàng theo nhóm cũng được dự báo sẽ điều chỉnh sang mô hình các sàn giao dịch khuyến mại giảm giá. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ tự đăng khuyến mại và chịu mọi trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình. Người tiêu dùng cũng có tiếng nói hơn khi được đánh giá thương hiệu của nhà cung cấp sau khi sử dụng chương trình ưu đãi.

Ngoài vấn đề kinh doanh trong nước, ông Bình cũng đề cập đến mua bán lẻ xuyên biên giới như một hướng đi trong tương lai của thương mại trực tuyến. "Nội dung này đang chiếm 20% thương mại điện tử toàn thế giới. Việc mua bán bất kỳ sản phẩm có chất lượng nào với giá hời hoặc không có ở Việt Nam đã và sẽ đi sâu hơn nữa vào cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng", ông nhận định.

Thương mại điện tử ở Việt Nam đã hình thành từ đầu những năm 2000 và phát triển khá nhanh trong 12 năm qua. Tuy nhiên, do thiếu số liệu thống kê toàn diện và tin cậy nên vẫn chưa có sự thống nhất trong việc đánh giá tình hình phát triển của thương mại điện tử trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thực hiện với 3193 doanh nghiệp (89% có quy mô vừa và nhỏ), 42% đơn vị cho biết đã xây dựng website thương mại điện tử riêng. Tỷ lệ các doanh nghiệp chấp nhận đặt hàng qua website là 29%.

Theo Anh Quân
Vnexpress

duchai

Cùng chuyên mục
XEM