Sức hấp dẫn từ các mảnh đất vàng

22/02/2015 20:16 PM | Kinh doanh

Không ít cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ bởi tình hình kinh doanh, mà đến từ các mảnh đất mà công ty sở hữu. Đặc biệt khi tỷ lệ cổ phần bán ra tương đối cao.

Nội dung nổi bật:

- Cổ phiếu một số doanh nghiệp trở nên hấp dẫn nhờ các mảnh đất vàng mà doanh nghiệp sở hữu.

- Thoái vốn giá cao tại các doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất kinh doanh nhiều lợi thế


Năm 2014, sự kiện IPO Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là một trong những thông tin đáng chú ý. Không chỉ bởi tiềm năng của ngành dệt may trước ngưỡng cửa các hiệp định tự do thương mại sắp sửa được ký kết, không thể phủ nhận, sức hấp dẫn của Vinatex một phần nào đó đến từ các mảnh đất vàng mà Tập đoàn này nắm giữ.

Trao đổi tại một buổi hội thảo, đại diện Vinatex đã cho rằng, nếu cách đây khoảng 3 - 5 năm, nắm giữ đất đai được coi là lợi thế, vì có thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên hiện tại lợi thế đó không còn rõ rệt khi tiền thuê đất tăng dần hàng năm.

Tuy nhiên, sau thông tin 2 đại gia bất động sản là Vingroup và VID (Công ty cổ phần đầu tư Phát triển Việt Nam) được chọn làm đối tác chiến lược của Vinatex, lợi thế đất đai của Vinatex càng trở nên rõ rệt. Nhất là khi những thuận lợi về tình hình sản xuất kinh doanh, về khả năng niêm yết sớm, cổ tức... chưa thực sự rõ ràng.

Tại ĐHCĐ lần đầu sau cổ phần hóa, một điều khoản quan trọng trong Điều lệ của Vinatex đã được thông qua là Tập đoàn cho phép tăng vốn Nhà nước tại Vinatex mà không cần ĐHCĐ thông qua trong trường hợp vốn được tăng từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất. Mở đường cho việc chuyển mục đích sử dụng đất có thể thay đổi cục diện của Vinatex.

Một chuyên gia chia sẻ, ở đâu có sự tham gia bất ngờ của các doanh nghiệp bất động sản, hãy để ý đến giá trị đất đai.

Có lẽ, đánh giá nói trên cũng không hoàn toàn vô căn cứ.

[Xem thêm] IPO Vinatex: Khối lượng đặt mua cao nhất đạt 30 triệu cổ phần

Gần đây, trước thông tin thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khỏi Xà phòng Hà Nội (XPH), cổ phiếu XPH đã liên tục tăng trần. Được biết, Vinachem sẽ bán 80% vốn điều lệ XPH, cũng là toàn bộ cổ phần mà Vinachem nắm giữ cho duy nhất 1 nhà đầu tư với giá khởi điểm 18.000 đồng.

Khu đất vàng tại đường Nguyễn Trãi - Quận Thanh Xuân - Hà Nội với tên gọi "Cao - Xà - Lá" - đại bản doanh của Cao su Sao Vàng, thuốc lá Thăng Long và Xà phòng Hà Nội từ lâu đã được các đại gia bất động sản "dòm ngó". Để sở hữu một phần mảnh đất vàng nói trên, một đại gia nào đó sẽ phải bỏ ra ít nhất 135 tỷ đồng - đó không phải là con số quá lớn đối với nhiều nhà đầu tư, ngay cả nhà đầu tư cá nhân.

Mới đây, việc IPO Triển lãm Giảng Võ (VEFAC) cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư với thông tin Công ty này tọa lạc trên khu đất rộng gần 7 ha tại trung tâm thủ đô Hà Nội. Đồng thời, VEFAC) cũng sở hữu cơ sở vật chất gồm 3 nhà trưng bày (tổng diện tích gần 10 nghìn m2), 3 nhà hội thảo cùng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có thể tổ chức các cuộc triển lãm có quy mô tầm cỡ quốc tế hoặc cùng lúc tổ chức nhiều sự kiện khác nhau.

Đợt IPO lần này của Triển lãm Giảng Võ được đánh giá là sẽ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp bất động sản đang muốn sở hữu các khu đất vàng của công ty.

Theo thông tin chúng tôi có được, đã có đại gia bất động sản bắt đầu “để mắt” đến đợt IPO này.

Một trường hợp khác là Bicico – CTCP Công nghiệp Hóa chất và Vi sinh trong đợt bán đấu giá hơn 833  nghìn cổ phiếu. Cổ phiếu Bicico hấp dẫn tới mức, mặc dù mức giá khởi điểm không hề thấp (53.300 đồng/cổ phần), có tới 5 nhà đầu tư đặt mua tổng cộng 4,17 triệu cổ phần. Cuối cùng duy nhất 1 nhà đầu tư trúng đấu giá với mức giá cao hơn gần 20 nghìn đồng/cổ phiếu so với giá khởi điểm. Tính ra, cá nhân này đã bỏ ra gần 61 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn điều lệ của Bicico.

Được biết, một trong những đơn vị thành viên của Bicico là xí nghiệp Hương Việt  tọa lạc trên mặt bằng rộng tới 17.000 m2 tại trung tâm quận 9, Tp.HCM.

Sức hấp dẫn về đất trở nên có lý hơn khi kết quả kinh doanh năm 2014 của Bicico không lấy gì làm khả quan với khoản lỗ ròng 7,6 tỷ đồng. Quỹ đầu tư tích lũy và LNST chưa phân phối tại thời điểm cuối năm đạt hơn 50 tỷ đồng, vẫn “chưa vào đâu” so với số tiền mà nhà đầu tư cá nhân này bỏ ra chỉ để sở hữu 51% cổ phần Bicico.

SCIC cũng vừa công bố thông tin thoái vốn với việc đấu giá trọn lô hơn 407 nghìn cổ phiếu của Rau quả Tiền Giang, giá khởi điểm 54.200 đồng/cổ phiếu. Với việc bán đấu giá trọn lô, nhà đầu tư sẽ phải rót ít nhất 22 tỷ đồng để sở hữu vỏn vẹn 20% vốn điều lệ của Rau quả Tiền Giang. Trong khi đó vốn điều lệ của công ty chỉ ở mức 20 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán gần nhất của Rau quả Tiền Giang, năm 2013 công ty này lỗ gần 4 tỷ đồng. Trước đó, công ty cũng lãi vỏn vẹn 1,66 tỷ đồng, tương đương EPS 828 đồng/cổ phiếu. Mức giá tương đối cao của Rau quả Tiền Giang có thể phần nào được giải thích bởi nông trường rộng tới 3.500 ha mà công ty này sở hữu tại vựa trái cây lớn nhất miền Nam Việt Nam. SCIC bán đấu giá CP Rau quả Tiền Giang giá khởi điểm 54.200 đồng/cổ phiếu

Kết quả bán đấu giá lần này của SCIC sẽ có vào ngày 18/3/2015. Tỷ lệ nắm giữ thấp có thể là một trong các nguyên nhân khiến đợt đấu giá của SCIC trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

>> Myanmar - Mảnh đất “vàng” cuối cùng của châu Á

Theo Đan Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM