Sữa tươi bao giờ mới tươi

03/11/2012 09:17 AM | Kinh doanh

Đàn bò hiện có ở VN chỉ đáp ứng hơn 30% lượng sữa tươi trên thị trường nên hơn 60% lượng "sữa tươi" còn lại là được làm từ sữa bột.

VN lại có khoảng 300 nhãn hiệu sữa các loại trên thị trường, vì thế chẳng ai dám chắc mình thật sự được uống sữa tươi.
 
Theo số liệu thống kê, mức tiêu thụ sữa nước hiện nay rất cao (khoảng 400 triệu lít/năm). Tuy nhiên, trong Quyết định phê duyệt quy hoạch sữa VN đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2025 của Chính phủ thì tính tới ngày 1/10/2011, cả nước có 142.702 con bò sữa, trong đó, bò cái vắt sữa là 102.667 con, sản lượng sữa 345.444 tấn.
 
Hơn nữa, trung bình năm 2010, mỗi người dân VN dùng hết 15 lít sữa nước/năm, tới năm 2015, nhu cầu sữa của một người dân ước tính là 21 lít/người/năm, năm 2020 tương ứng là 27 lít/người/năm.

Người dùng vô tình, DN cố tình ?

Thực tế cho thấy, trong các quy định của Cục An toàn Thực phẩm VN chưa hề có một quy định cụ thể nào về sữa sạch… Chi tiết hơn, trong quy định hiện nay về tiêu chuẩn sản phẩm sữa, sữa tươi tiệt trùng (TCVN 7028:2009), sữa tươi thanh trùng (TCVN 5860:2007), sữa hoàn nguyên tiệt trùng và sữa pha lại tiệt trùng (TCVN 7029:2009) là chưa chính xác và dễ gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Theo một chuyên gia trong ngành sữa, lẽ ra với 3 sản phẩm này nên phân loại tên sản phẩm dựa trên chế độ xử lý nhiệt được quy định ghi nhãn là sữa tiệt trùng và sữa thanh trùng, trong đó ghi cụ thể tỉ lệ thành phần nguyên liệu có trong sản phẩm (100% nguyên liệu sữa bò tươi, hay sữa bột, hoặc 99% nguyên liệu sữa bò tươi hay sữa bột và các thành phần khác…). 
 
Thật ra, người tiêu dùng và các cơ quan chức năng cũng có nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm sữa tươi. Theo tiêu chuẩn Châu Âu thì sữa tươi là sản phẩm sữa được vắt ra từ bò và không qua chế biến tiệt trùng ở nhiệt độ cao. Hiện nay, hầu hết các DN đều đang bán sữa tiệt trùng, trừ một vài sản lượng (rất ít) sữa tươi như của Cty Mộc Châu, Ba Vì, TH True milk...
 
Thực tế, không thể nhập khẩu sữa tươi từ nước ngoài về để sản xuất sữa tươi được vì theo tiêu chuẩn quốc tế, sữa tươi làm nguyên liệu không thể để quá 7 ngày, vì thế nếu có “bay” về VN thì với giá thành quá cao chắc cũng chẳng có DN nào dại dột sản xuất để bán cho thị trường.
 
Trong khi đó, nếu tính theo giá sữa nguyên liệu sữa bột nhập khẩu hiện nay là 3.000  - 3.500 USD/tấn, thì giá nguyên liệu cho 1 lít sữa pha là khoảng 7.500 - 8.000 đồng/lít, trong khi đó giá mua nguyên liệu sữa tươi trung bình là 13.000 - 14.000 đồng/lít.  Vì vậy, chắc chắn không ai có thể biết một con bò sữa “xịn” phải cõng thêm bao nhiêu túi sữa tiêu thụ trên thị trường đang được gắn nhãn “sữa tươi”.
Ông Trịnh Quý Phổ - Tổng thư ký Hiệp hội Sữa VN cho rằng: “Lẽ ra, các nhà sản xuất nên ghi cụ thể thành phần, định lượng, giá trị dinh dưỡng trên bao bì ghi chung chung như hiện nay thì cả giới chuyên môn cũng không xác định được giá trị dinh dưỡng thật huống chi là người tiêu dùng”.
 
Có thể thấy rõ rằng đang có sự nhập nhằng từ phía những nhà sản xuất khi họ cố tình “lẫn lộn” giữa hai khái niệm “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” và “sữa tươi tiệt trùng”.

Gian lận thương mại

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng - Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương, cho biết nhiều năm qua có tình trạng DN thiếu trung thực trong sản xuất và kinh doanh sữa tại VN.
 
Điển hình như cuối năm 2006, hàng loạt Cty sữa phải công bố đã vi phạm quy cách giới thiệu sản phẩm (sữa lỏng) nhưng lại ghi trên nhãn mác của mình là “sữa tươi nguyên chất” hay “sữa tươi tiệt trùng” vì nguyên liệu chế biến đều là sữa gầy.
 
Dòng sản phẩm này chiếm 3/4 thị phần tiêu thụ của ngành và trong nhiều năm trời người tiêu dùng đã phải uống sữa “giả tươi”, một phương pháp kinh doanh thu lợi nhuận bất chấp tất cả những giá trị đạo đức, văn hóa”- bà Hằng cho biết.

“Nhập sữa bột để sản xuất sữa tươi thì giá thành thấp. Chắc chắn phải có lợi nhuận hơn sản xuất từ sữa tươi thật thì người ta mới làm như vậy, đó là hình thức gian lận thương mại. Thực tế, chỉ cần xem nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra là biết ngay sản phẩm sản xuất từ sữa bò tươi hay sữa bột” - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng khẳng định.

Rõ ràng, cần một cuộc kiểm tra tổng thể trên toàn quốc về việc chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng sữa. Bởi có như vậy người tiêu dùng mới thật sự được sử dụng “sữa tươi” mà không phải gồng mình để trở thành “người tiêu dùng thông thái”.

Thị trường sữa VN là một thị trường có nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Lâu nay, cuộc chiến giá sữa và cuộc chiến sữa nội – sữa ngoại là câu chuyện điển hình. Hiện nay, trong câu chuyện giá sữa và sữa nội – sữa ngoại, các cơ quan chức năng cũng đã làm rõ vấn đề.
 
Hi vọng tới đây, các cơ quan chức năng cũng sẽ sớm vào cuộc, điều tra làm rõ thực trạng và cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ nhất cho người tiêu dùng biết. Các DN cần phải minh bạch, công khai để tránh gây hiểu lầm trong xã hội. Đó mới là kinh doanh lành mạnh vì người tiêu dùng.
 
Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương: 
Sữa tươi ở đâu ra mà nhiều thế

Hiện nay, sản lượng sữa tươi trong nước mới chỉ đáp ứng hơn 30 nhu cầu của người tiêu dùng. Theo ước tính, sản lượng sữa tươi thanh, tiệt trùng sẽ đạt tới 1.533 ngàn tấn vào năm 2025.

Nhiều người đặt câu hỏi: “Sữa tươi ở đâu nhiều thế? Và đó có phải là sữa tươi 100% nguyên chất hay không?”. Đây là một thực tế mà chúng ta đã đề cập đến từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, do một số DN (chủ yếu là các DN nhỏ có cơ sở hạ tầng kém, thiết bị sản xuất thủ công) chạy theo lợi nhuận đã bán ra thị trường sản phẩm sữa kém chất lượng, thành phần không đúng với công bố làm ảnh hưởng đến uy tín ngành sữa...
 
Thêm vào đó, việc kiểm định chất lượng sữa chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, một số chỉ tiêu ghi trên bao bì mà chưa kiểm tra, phân tích được chất lượng và hàm lượng các vi chất trong thành phần sữa…
Ông Nguyễn Đăng Vang Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi VN: 
Tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng

VN chưa có các trang trại tập trung khép kín từ chăn nuôi đến thu hoạch và chế biến sữa theo quy mô công nghiệp. Việc thu mua nguyên liệu nhỏ lẻ từ nông dân rồi vận chuyển xa tới nhà máy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sữa do nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, chất lượng sữa không đảm bảo. Hơn nữa, nhiều DN còn thiếu thiết bị, công nghệ hiện đại để bảo quản dài và an toàn nguồn nguyên liệu.

Vì thế, về phía các cơ quan quản lý, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm và kiểm định chất lượng các sản phẩm trên thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính.

Đối với các nhà sản xuất, hiệp hội yêu cầu DN không sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hóa chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng. Hơn nữa, DN nên hợp tác với các nhà khoa học VN để áp dụng công nghệ hiện đại; xây dựng và triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.

Theo Võ Chung
DĐDN

duchai

Cùng chuyên mục
XEM