Quá phụ thuộc vào 'cục cưng' Nokia, Phần Lan đã được và mất những gì
Nhiều người Phần Lan cũng thừa nhận rằng đất nước họ đã phụ thuộc quá lâu vào một đại gia công nghệ duy nhất là Nokia.
Nokia từng là nhà sản xuất điện thoại lớn bậc nhất thế giới được thành lập năm 1865 có trụ sở tại Espoo, Uusimaa, Helsinki, Phần Lan. Tính đến năm 2014, Nokia có tổng cộng 61.656 nhân viên trải khắp tại 120 quốc gia trên toàn thế giới.
Hiện tại, khi không còn mảng di động, Nokia đang tập trung vào mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông. Đầu năm nay, Nokia đã mua lại công ty viễn thông của Pháp có tên Alcatel-Lucent để phát triển trang thiết bị mạng lưới, công nghệ không dây và các dịch vụ của hãng.
Thời hoàng kim Nokia từng là ngôi sao sáng tại Phần Lan. Những dòng điện thoại Nokia, từ "cục gạch" huyền thoại 1110i, 1200 cho tới những chiếc N-Series như N95 hay thế hệ cảm ứng 5800 đều là niềm tự hào của quốc gia này.
Bản thân Teemu Elop - từng là chiến lược gia phần mềm cho Nokia trong một bài phỏng vấn đã nói rằng: “Giữa Nokia và người dân và đất nước Phần Lan có một mối quan hệ hết sức đặc biệt và có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế giới này. Chúng tôi tin rằng, điều tốt đẹp nhất cho Phần Lan là một Nokia hùng mạnh”.
Trên thực tế, Nokia đã thâm nhập vào gần như tất cả mọi ngóc ngách của nền kinh tế ở đây. Cho tới giờ, Nokia vẫn là một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất của Phần Lan. Thậm chí, theo số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế Phần Lan, vào năm 2000, Nokia còn đóng góp tới 4% GDP của quốc gia này.
Ở Phần Lan, “Nokia là một doanh nghiệp siêu lớn, như một con vịt lớn trong một hồ bơi nhỏ. Và đó cũng giống như một con dao hai lưỡi”, Wall Street Journal dẫn lời ông Risto Siilasmaa, người sáng lập kiêm chủ tịch của F-Secure Corp., một công ty an ninh mạng ở Helsinki, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Nokia.
Một doanh nghiệp suy sụp, kinh tế cả quốc gia lao đao
Tuy nhiên, ánh hào quang kéo dài trong nhiều thập kỷ của Nokia bắt đầu phai nhạt từ năm 2007. Thời điểm đó, iPhone bắt đầu ra đời sản phẩm đã định nghĩa lại điện thoại di động như một thiết bị giống máy tính cá nhân với màn hình cảm ứng và hàng loạt ứng dụng phần mềm hấp dẫn.
Kể từ đó, Nokia - cho dù vẫn là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới xét về thị phần, đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường của mình bốc hơi 75% do quá chật vật trong cuộc chạy đua với Apple.
Cuối cùng, do không thể chịu được sức ép từ thị trường cũng như liên tục làm ăn thua lỗ, tháng 9/2013, Nokia đã quyết định bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft với giá 7,17 tỷ USD. Stephen Elop – cựu CEO của Nokia và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của công ty đã gia nhập mảng di động của Microsoft đi kèm với thỏa thuận này. Thỏa thuận chính thức hoàn tất vào ngày 25/4/2014.
Thời điểm đó, thậm chí chính Thủ tướng Phần Lan là Alexander Stubb cho rằng, nhà sản xuất iPhone đã khiến 2 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này là điện thoại Nokia và giấy rơi vào tình trạng suy sụp.
“iPhone giết chết Nokia, còn iPad lại đang giết ngành công nghiệp xuất khẩu giấy”, thủ tướng Phần Lan cho biết trong một bài phỏng vấn trên CNBC.
Thủ tướng Phần Lan "đổ tội" cho iPhone đã giết chết điện thoại Nokia, gây ảnh hưởng tới kinh tế nước nhà:
Đây không phải lần đầu tiên ông này buộc tội Apple phá hủy nền kinh tế Phần Lan.
“Chúng tôi có hai cây cột chống: Một là ngành công nghiệp IT, hai là công nghiệp giấy. Steve Jobs đã lấy đi công việc của chúng tôi”, ông cho biết trên một trang tài chính của Thụy Điển hồi giữa những năm 2000.
Từ lời buộc tội của Thủ tướng Stubb có thể thấy sự phụ thuộc quá lớn của quốc gia này vào chỉ riêng một công ty duy nhất. Công ty từng là niềm tự hào của cả một quốc gia giờ đã chỉ còn là hư danh, khiến nền kinh tế nước này sụt giảm nghiêm trọng.
Trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của nước này giảm 7%. Năm 2009, số tiền thuế mà Nokia nộp cho Chính phủ Phần Lan sụt giảm chóng mặt, còn khoảng 100 triệu Euro, bằng chưa đầy 1/10 so với số tiền đóng thuế 1,3 tỷ Euro (1,86 tỷ USD) của hãng trong năm 2007.
Kết quả là, những thành phố ở Phần Lan cũng phải thay đổi theo. Ở Salo, nơi cách trụ sở của Nokai 60 dặm về phía Bắc, các quan chức địa phương cho biết họ phải cắt giảm một số dịch vụ y tế và chương trình giải trí cho người dân, để phù hợp với mức ngân sách đã trở nên eo hẹp.
Trong bối cảnh đó, nhiều người Phần Lan cho rằng, đất nước của họ đã dựa dẫm quá lâu vào một “đại gia” công nghệ duy nhất mà không biết sử dụng thời kỳ bong bóng mà Nokia tạo ra như một bàn đạp nhằm xây dựng một nền kinh tế công nghệ rộng lớn và đa dạng hơn.
“Người ta đã nhấn mạnh quá nhiều vào hệ thống của Nokia. Cần phải có thị trường cho một thứ gì đó khác đi”, Polo nói.
Phần Lan vực dậy thế nào?
Sự sụp đổ của "ngôi sao" Nokia tưởng chừng đây sẽ là cơn ác mộng đối với Phần Lan, nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy.
Ngược lại, nó còn là động lực để đất nước này chuyển đổi sang mô hình các công ty vừa và nhỏ, đặc biệt là start-up. Chỉ trong năm 2014, tại Phần Lan có hơn 400 công ty mới thuộc lĩnh vực công nghệ cao được thành lập.
Khi Nokia hưng thịnh, số lượng nhân viên công ty làm việc tại Phần Lan lên tới 17 nghìn người. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất rất nhiều nhân sự không có việc làm khi công ty bị Microsoft "tóm gọn".
Nhưng mọi việc đã được giải quyết êm xuôi khi lượng nhân sự này có trình độ mảng công nghệ tốt, có thể sử dụng trong nhiều start-up. Và cho tới hiện tại, nền công nghiệp công nghệ Phần Lan nhanh chóng nổi lên một số dự án start-up phát triển nhanh chóng sử dụng nguồn nhân sự trên, ví dụ như Rovio, Jolla, Supercell,...
Bản thân Nokia cũng đóng góp không nhỏ cho quá trình này khi gửi tới những nhân viên phải nghỉ việc số vốn nhỏ kèm hỗ trợ nhiều hóa học đào tạo để giúp họ có thể tìm được việc làm mới.