Phải làm gì khi bạn trót bán sữa bẩn cho vài tỷ người?
Nếu thành khẩn nhận lỗi ắt sẽ được khoan hồng, dù sao thì người tiêu dùng cũng chẳng biết mua sữa ở chỗ nào khác.
Kỳ trước: Fonterra đã thoát hiểm trong vụ sữa độc melamine như thế nào?
-Hàng loạt nước thu hồi sản phẩm sữa của Fonterra sau khi Trung Quốc phát hiện một lô sữa nhiễm khuẩn độc thịt;
-Khó tìm nguồn cung sữa nguyên liệu thay thế sản phẩm của New Zealand (mà Fonterra chiếm 90%)
Lối thoát hẹp hơn so với vụ melamine
Nếu cuộc khủng hoảng melamine, Fonterra có thể thoát hiểm tài tình sau khi đổ hết lỗi cho chính quyền sở tại Trung Quốc thì cuộc khủng hoảng sữa nhiễm khuẩn đầu tuần qua lại cực kỳ nguy hiểm với danh tiếng của hãng sữa New Zealand.
Lần này, Fonterra chẳng liên doanh với ai để mà đổ tội. Với scandal đang diễn ra, định vị thương hiệu “tinh khiết 100%” của Fonterra cũng như New Zealand đang chịu ảnh hưởng trực tiếp. Galloway, một chuyên gia về thương hiệu nhận định, nếu hình ảnh của Fonterra sụp đổ, nó sẽ là sự sụp đổ hình ảnh của cả một quốc gia.
"Lần này, Fonterra chẳng liên doanh với ai để mà đổ tội." |
Giải thích lý do các lô sữa bị nhiễm độc, CEO đương nhiệm của Fonterra, Theo Spierings cho rằng, vụ nhiễm khuẩn là do một đường ống trong nhà máy sản xuất ở New Zealand vì ít sử dụng nên đã không được làm sạch đúng tiêu chuẩn. Ông này khẳng định ngoài lô sữa đó, các sản phẩm khác hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, người tiêu dùng chẳng thèm quan tâm đến lý do ông nói nữa. Họ chỉ cần biết, sữa của Fonterra có vấn đề, và tốt nhất là không sử dụng các sản phẩm liên quan đến nó. Hàng loạt các quốc gia và tập đoàn lớn cũng xử lý như vậy.
Nga – quốc gia không có tên trong danh sách có sản phẩm sữa nhiễm độc, vẫn tiến hành thu hồi tất cả sản phẩm, nguyên liệu của Fonterra. Một số nước khác cũng có hành động tương tự.
Không chỉ vậy, Fonterra càng bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ hơn khi đặt ra câu hỏi liệu hãng sữa này có cố tình che đậy những lô sữa độc này. Các báo cáo cho thấy, Fonterra đã biết sự tồn tại của những lô sữa có vấn đề từ tháng 5/2012.
Sau vụ Melamine, hình tượng sữa sạch càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là tại thị trường châu Á và Trung Quốc, nơi hàng loạt các vụ scandal về thực phẩm đã diễn ra trong những năm qua. Việc chính phủ Trung Quốc tiến hành thu hồi các sản phẩm của Fonterra khiến người tiêu dùng tỏ ra lo ngại và một lần nữa nhớ tới liên doanh Fonterra – Tam Lộc năm nào.
Theo chuyên gia truyền thông Galloway, tình hình hiện tại đặc biệt nghiêm trọng bởi tất cả các sản phẩm đều dành cho trẻ sơ sinh và không phải là lần đầu tiên Fonterra dính vào một vụ bê bối như thế này.
Thủ tướng John Key và ban lãnh đạo Fonterra cũng biết rằng mình đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng. Rất khó để lấy lại lòng tin của người tiêu dung vào thời điểm này sau khi hàng loạt các sản phẩm sữa của Fonterra bị thu hồi.
Một vụ bê bối nữa xảy ra khiến người tiêu dùng không thể chấp nhận rằng đây là một tai nạn ngẫu nhiên. Nó làm họ liên tưởng tới vụ scandal sữa melamine tại Trung Quốc và nhớ ra rằng Tam Lộc, hãng sữa gây ra vụ việc trên, cũng được sở hữu một phần bởi Fonterra.
Fonterra nên làm gì?
Thành khẩn, công khai và minh bạch là con đường mà các chuyên gia truyền thông chỉ ra, và nhận định là cách duy nhất giải quyết cục khủng hoảng.
Hiện tại, vẫn chưa có một vụ ngộ độc hay ảnh hưởng tới sức khỏe nào được báo cáo trong vụ scandal mới nhất này, nên Fonterra vẫn còn có khả năng cứu vãn, hy vọng sớm lấy lại hình ảnh của mình.
Chuyên gia thương hiệu Mike Lee của đại học Auckland thì cho rằng, Fonterra vẫn có thể phục hồi.
Bên cạnh những vấn đề, hãng sữa New Zealand vẫn có những lợi thế để “chống bão”
Fonterra hiện là hãng xuất khẩu sữa nguyên liệu và công thức sữa số 1 thế giới. Nguyên liệu sữa của hãng có mặt trong rất nhiều loại đồ uống của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng. Vì vậy, rất khó để tìm được nguồn thay thế.
Và cho dù có tìm được nguồn thay thế, cũng không thể đảm bảo những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, chất lượng như sữa New Zealand. Nhiều quốc gia trên thế giới có sản lượng sữa cao hơn New Zealand rất nhiều như Ấn Độ hay Mỹ nhưng lượng xuất khẩu lại kém xa.
Đóng một tỉ trọng quá lớn kết hợp với việc chưa có ai bị nhiễm bệnh do sữa độc, Fonterra vẫn hy vọng cứu vãn được tình hình. Hiện nay, dù nhiều tập đoàn lớn đã tiến hành thu hồi sản phẩm của mình, tuy nhiên, vẫn chưa có hãng nào tuyên bố sẽ nhập nguyên liệu của một hãng sữa khác thay thế cho Fonterra.
“Xử lý tốt những vấn đề hiện tại, thỏa mãn những vấn đề mà dư luận đặt ra, tích cực trong việc xây dựng lại hình ảnh, Fonterra vẫn có thể phục hồi”, Mike Lee cho biết.
Trang Lam