Những vụ bê bối tài chính làm rung chuyển thế giới (Phần I)
Enron, Parmalat, Worldcom
Những scandal của các tập đoàn hùng mạnh nhất nhì thế giới đã dẫn đến sự thoái trào trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong những năm gần đây, các vụ việc liên quan đến sự bê bối trong kinh doanh, gian lận trong sổ sách kế toán, giả mạo chứng tử chiếm đoạt tài sản hay thổi phồng số liệu trong báo cáo tài chính diễn ra ngày một mất kiểm soát.
Tập đoàn Enron, Hoa Kỳ
Thành lập năm 1985, sau khi sát nhập Houstion Natural Gas và InterNorth, Enron là một trong những tập đoàn thống trị trong ngành năng lượng tại Hoa Kì.
Enron sở hữu khối tài sản khổng lồ bao gồm các nhà máy nước, nhà máy điện, nhà máy sản xuất bột giấy và giấy, các ống dẫn khí và đa chủng loại các dịch vụ khác.
Cổ phiếu của tập đoàn từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm 1998 luôn nằm trong top dẫn đầu có khả năng vượt trội lớn trên sàn giao dịch chứng khoán. Năm 2000, doanh thu của công ty đã đạt tới ngưỡng gần 100 tỉ đô la.
Cuối năm 2001, sự phá sản của Enron đã trở thành một cú sốc lớn đối với nền kinh tế nước Mỹ.
Công ty này đã gian lận trong các bản báo cáo tài chính, thổi phồng các số liệu thống kê trong kế toán về tài sản và doanh thu của mình.
Mặc dù, Enron đã dùng mọi cách để gây áp lực và mua chuộc công ty kiểm toán Arthur Audersen để che giấu hàng tỷ đô thua lỗ và nợ nần từ các thương vụ và dự án thất bại, thậm chí họ đã trả cho Arthur 1 triệu đô la/ tuần để khiến các nhân viên kiểm toán có thể dễ dàng bỏ qua sai sót nhưng vụ việc đã bị vỡ lở vào tháng 10/2011.
Cổ phiếu của Enron đã trượt dốc một cách thảm hại, hơn 20.000 nhân viên đã bị mất việc làm và công ty đã phải chính thức đệ đơn phá sản.
Tập đoàn Parmalat, Ý
Đứng đầu trong ngành thực phẩm sữa, Parmalat được coi là một biểu tượng thành công và đóng vai trò nòng cốt trong nền công nghiệp Ý.
Năm 1961, Calisto Tanzi đã quyết định khởi nghiệp và phát triển cửa hàng tư nhân của mình với ý tưởng kinh doanh các mặt hàng liên quan đến sữa. Với nhiều nỗ lực, 40 năm sau, từ một doanh nghiệp bé nhỏ, Tanzi đã biến nhà máy chế biến sữa của mình thành một tập đoàn lớn mạnh.
Năm 1990, tập đoàn đã chiếm lĩnh ngôi vị thứ 8 và chính thức có mặt trong thị trường chứng khoán Milan. Năm 2002, doanh thu của Parmalat ước tính vào khoảng 7,6 tỉ euro.
Với sự hùng mạnh trong tài chính, tập đoàn Parmalat bắt đầu thu mua các công ty đối thủ cạnh tranh, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài thực phẩm sữa như du lịch, truyền thông và bóng đá.
Tuy nhiên, chiến lược này đã đem lại cho Parmalat những thất bại đau đớn và tổn thất nặng nề về tài chính. Tanzi cho thu mua kênh truyền hình Odeon TV nhưng không thành công và lỗ 30 triệu bảng Anh khi chuyển nhượng.
Con trai ông, Stefano đã khiến cho tập đoàn thất thoát nặng nề với 77 triệu euro trong việc xây dựng câu lạc bộ bóng đá Parma FC và con gái, Francesca, thất bại trong việc điều hành Parmatour với khoản nợ trên 300 triệu Euro.
Không những thua lỗ trong các thương vụ phát triển thị trường kinh doanh, tình hình tài chính và chia cổ tức của tập đoàn Parmalat đã trở thành một mớ bòng bong khi các số liệu bị ghi chép sai lệch, xuất hiện dấu hiệu lừa đảo và khai khống trong doanh thu.
Tanzi đã bưng bít rất nhiều khoản lỗ, lạm dụng vốn của công ty, bỏ túi hơn 500 triệu euro. Điều này khiến cho cổ phiếu của tập đoàn bị tụt giảm tới đáy sàn, nợ nần chồng chất, Parmalat tuyên bố phá sản.
Tập đoàn Worldcom, Hoa Kì
Worldcom là một trong những ông trùm lớn trong ngành viễn thông của Hoa Kì. Tập đoàn lúc mới thành lập năm 1983 có tên gọi là Long Distance Discount Service (LDDS).
Sau khi sáp nhập với Advantages Companies Inc năm 1989, tên công ty đã được thay đổi thành LDDS Worldcom và chính thức rút ngắn thành Worldcom năm 1995.
Tập đoàn cung cấp các dịch vụ viễn thông trong nước và ngoài nước. Mạng lưới của Worldcom vô cùng hùng mạnh, có mặt trên thị trường của 35 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 112 chi nhánh.
Tưởng chừng như Worldcom có thể vươn xa, nắm quyền thống trị mạng lưới viễn thông toàn cầu nhưng không ngờ vào ngày 21/07/2002, tập đoàn đệ đơn phá sản do những gian lận và bề bối tài chính của mình.
Giá cổ phiếu của công ty sụt mạnh tới mức đáng kinh ngạc, từ 65 đô la xuống 6.7 đô la trên một cổ phiếu. Điều này kéo theo sự tuột dốc của thị trường chứng khoán Mĩ nói chung.
Với những sự ra đi của các công ty lớn như Worlcom, nền kinh tế Mĩ bị tổn thất vô cùng nặng nề.
Nguyên nhân của sự phá sản này là sự điển hình của các việc làm sai trái trong xử lí các thủ tục kế toán, gian lận trong báo cáo tài chính, buôn bán nội gián cổ phiếu.
Công ty kiểm toán KPMG đã phát hiện ra khoản tiền bất thường trị giá 3.8 tỉ đô la, khoản chi phí này đã bị phân loại một cách “nhầm lẫn” vào chi phí vốn trong suốt 5 quý từ đâu năm 2001.
Điều này dẫn đến luồng tiền và lợi nhuận của Worldcom trở thành những con số ảo hoàn mỹ đáng mong đợi.
Năm 2003, Worldcom đổi tên thành MCI và chính thức phá sản 1 năm sau đó. Vụ phá sản của tập đoàn trị giá 103.9 tỉ đô la.
Còn tiếp…
Theo Genk/TTVN