Mua trả góp laptop, máy tính bảng: 0% bằng bao nhiêu?

08/05/2013 09:00 AM | Kinh doanh

Tại nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng điện tử, điện máy rầm rộ khuyễn mãi bán hàng trả góp với lãi suất thấp, thậm chí là 0% như một cách chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Dịch vụ này được giới thiệu như một cách mua hàng không phải trả lãi, thủ tục nhanh chóng. 

Tuy nhiên, sự thực thường khác xa so với quảng cáo.

Lãi suất 0%: Tăng giá sản phẩm để bù vào

Thấy bên ngoài treo đầy băng rôn khuyến mãi và bán trả góp lãi suất 0%, chúng tôi ghé vào một trung tâm kinh doanh điện thoại, máy tính trên đường Xã Đàn. Nhân viên của cửa hàng cho biết, ngân hàng A đang có chương trình khuyễn mãi, chỉ cần làm thẻ tín dụng của của ngân hàng này thì người mua có thể tiến hành trả góp thông qua tài khoản ngân hàng đó trong vòng 3, 6 hay 12 tháng, không phải trả lãi.

Khi chúng tôi hỏi mua một chiếc iPad 4 - 32Gb thì được báo giá là 17.380.000 đồng. Công ty còn có chương trình khuyến mãi giảm giá khi đặt hàng online và ưu đãi bằng phiếu đổ xăng, sản phẩm được bớt đi khoảng 500.000 đồng.

Để đáp ứng điều kiện cho vay trả góp, khách hàng phải đăng ký nhiều khâu bên cạnh thông tin cá nhân như phải có thẻ của ngân hàng, chứng minh được thu nhập bản thân (sao kê bảng lương), không được vay quá hạn mức thẻ cho phép (chẳng hạn nếu hạn mức thẻ là 10 triệu đồng thì không thể vay quá số tiền này),...

Trải qua nhiều khâu đăng ký phức tạp, giá thành của chiếc Ipad mua tại cửa hàng này cũng cao hơn khá nhiều so với các địa điểm khác. Tham khảo giá tại cửa hàng NC, chuyên kinh doanh điện thoại di động và máy tính bảng trên đường Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm), giá niêm yết của một chiếc iPad 4 cùng loại chỉ có 15.790.000 đồng, thấp hơn tới 1,5 triệu đồng so với cửa hàng trước.

Có lãi suất thì phải siêu cao

Không đưa ra hình thức khuyến mãi trả góp lãi suất 0%, một tổ chức tín dụng khác lại giới thiệu với khách hàng chương trình cho vay trả góp với ưu điểm là duyệt hồ sơ nhanh chóng chỉ trong vài phút, chỉ cần chứng minh thư và bản sao hộ khẩu. 

Ưu đãi hơn nữa, nhân viên tổ chức này còn cho biết khách hàng sẽ còn được miễn phí tháng trả góp cuối cùng sau khi trả đủ tất cả các tháng trước đó. (Chẳng hạn nếu khách hàng trả góp một mặt hàng trong 12 tháng thì sau khi thanh toán đến hết tháng thứ 11, họ sẽ được miễn tiền trả góp tháng thứ 12).

Tính toán thử mức lãi suất cho vay này, có thể thấy đây là một mức lãi suất "cắt cổ".

Ví dụ, nếu đăng ký mua trả góp iPad trong 12 tháng, với giá niêm yết ở cửa hàng là 14.900.000 đồng (được khuyễn mãi gần 500.000), khách hàng sẽ phải trả trước 30% giá trị món hàng, tương đương với 4.476.000 đồng. 

Với khoản tiền 10.442.000 còn lại, khách hàng sẽ phải trả góp trong 12 tháng với số tiền công ty yêu cầu là 1.288.000 đồng/tháng. 

Đem nhân số tiền này với 11 tháng (vì tháng cuối sẽ được miễn phí), thì số tiền trả góp cho khoản vay của mình là 14.168.000 đồng. Như vậy, sau khi trả ngay 30% giá trị sản phẩm, khách hàng sẽ phải trả góp khoản tiền còn lại với lãi suất lên tới 35%/năm.

Tổng số tiền khách hàng phải trả cho chiếc iPad trị giá 14.9 triệu lên tới hơn 18.6 triệu đồng.

Tính toán sơ bộ, có thể thấy các hình thức mua hàng trả góp với lãi suất ưu đãi nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực chất lại là cái "bẫy" khá hiểm với người tiêu dùng. Trong trường hợp lãi suất là 0% thì bên bán sẽ nâng giá bán ở một mức vừa phải hoặc “đẻ” ra các loại phí.

Như thế, dù thực hiện theo cách nào thì bên bán vẫn sẽ thu về được 1 phần tiền từ chênh lệch giá, ngân hàng thì vẫn có lời còn bên bán hàng thì gia tăng doanh số. Tất cả các chương trình khuyến mãi đều được thiết kế làm sao cho ngân hàng/tổ chức tín dụng và phía đơn vị bán hàng hưởng lợi tối đa, còn khách hàng nhận được tối thiểu.

Trần Dũng

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM