Mặt tối của những công ty mafia ở Ý

18/02/2013 11:26 AM | Kinh doanh

Những ông trùm mafia thành lập công ty không chỉ để kiếm tiền và làm vỏ bọc cho các hoạt động phi pháp, mà còn muốn nhận được sự kính trọng của người dân địa phương.

Nằm ở một góc của thị trấn nhỏ ngoại ô Naples, công ty phân phối các sản phẩm sữa Euromilk trông như những công ty nhỏ khác trên đất nước hình chiếc ủng. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh với nhiều nhà kho và văn phòng này lại nằm giữa trung tâm của mạng lưới tội phạm khét tiếng vùng Naples, thống trị bởi băng nhóm Camorra. Từng thuộc quyền sở hữu của những tên trùm mafia địa phương, Euromilk đang cố gắng bỏ lại quá khứ sau lưng và kinh doanh như một công ty chân chính.

Là một trong hàng trăm doanh nghiệp từng bị mafia khống chế, Euromilk hiện nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Quốc gia về Quản lý tài sản bị tịch thu từ tội phạm có tổ chức. Đây là tổ chức chuyên đưa những công ty như vậy thoát khỏi thế lực xã hội đen và sau đó bán lại cho những chủ chân chính. Tuy nhiên, hiện chỉ có rất ít những công ty bị tịch thu như Euromilk có thể tồn tại trong quá trình chuyển tiếp phức tạp.

Euromilk từng sở hữu bởi Casalesi, một trong những chi nhánh hung hãn nhất của băng Camorra. Thủ lĩnh Casalesi là Michele Zagaria, một trong những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất Italy cho đến khi hắn bị bắt năm ngoái. Zagaria bị bắt khi đang ẩn nấp trong một hầm trú ẩn cách trụ sở Euromilk không xa.

“Công ty bị tịch thu vì người chịu trách nhiệm của nó là một thành viên của băng nhóm mafia địa phương”, Gianpaolo Capasso, người đứng đầu cơ quan của vùng Campania nói.

Trùm mafia Michele Zagaria bị bắt giữ năm 2011.

Trên thực tế, cho dù có hoạt động phi pháp hay không, việc công ty này nằm trong tay của một tên trùm mafia cũng đủ để nó bị tịch thu. Sau khi đóng cửa Euromilk, cơ quan Italy chọn ra một người quản lý mới là Giuseppe Castellano, người có kinh nghiệm về tiếp quản các công ty gặp khó khăn hoặc phá sản.

Vậy người quản lý mới cảm thấy thế nào khi kiểm soát một doanh nghiệp mà các thành viên cấp cao từng làm việc cho một ông chủ mafia?. “Tất nhiên là họ sẽ không vui, nhưng tôi chưa bao giờ thấy lo lắng. Tôi cố gắng giải thích cho họ rằng chúng tôi có chung một nghĩa vụ là duy trì sự hoạt động của công ty. Tôi cũng có một chút may mắn là được mọi người giúp đỡ và tôi biết ơn vì điều đó. Giờ đây công ty vẫn tồn tại”, Castellano tuyên bố.

Thực tế, Euromilk vẫn hoạt động bình thường trong vài năm qua, trong khi các công ty do mafia kiểm soát thường đóng cửa ngay sau khi bị tịch thu. Trong khu vực quanh Naples, cơ quan trên đã tịch thu khoảng 300 công ty, nhưng chỉ 6 trong số đó còn hoạt động.

Khi mafia thành lập một công ty, chúng cũng tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Vì vậy khi nhà nước tịch thu tài sản của tổ chức tội phạm, những công ty đó cũng sụp đổ và khiến người dân mất việc.

“Nhà nước sa thải chúng tôi, trong khi Camorra cho chúng tôi việc làm” là lời phàn nàn mà các nhân viên cơ quan tịch thu tài sản thường nghe. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người dân địa phương tỏ ra thân thiện với tổ chức tội phạm bất chấp luật pháp.

Có nhiều vấn đề phức tạp mà giới chức Italy phải tìm cách khắc phục với những công ty mafia. Một trong số đó là cách quản lý những nhân viên vẫn trung thành với ông chủ mafia cũ. “Nếu sa thải 3 hay 4 lãnh đạo quan trọng, công ty sẽ đóng cửa ngay lập tức và tất cả công nhân sẽ mất việc, trong đó có những người vô tội không dính líu đến mafia”, Gianpaolo Capasso, người đứng đầu cơ quan tịch thu tài sản vùng Campania nói. “Do vậy, chúng tôi chọn cách cho phép những người đó ở lại, đồng thời kiểm soát chặt chẽ mọi hành động của họ và cố gắng hạn chế những việc làm phi pháp”.

Tuy nhiên, Capasso nói rằng, cuối cùng khi công ty được bán cho người chủ mới, những thành viên lãnh đạo có liên hệ với mafia cũng sẽ bị sa thải và điển hình đó là công ty Euromilk.

Giuseppe Castellano, quản lý mới của Euromilk.

Các ông trùm mafia dính líu đến kinh doanh vì nhiều lý do khác nhau. Thông thường, họ mở ra những công ty như vậy vì mục đích kiếm tiền. Tất nhiên, “đạo đức kinh doanh” của những công ty kiểu này là đe dọa đối thủ cạnh tranh và hối lộ quan chức địa phương.

Đồng thời, chúng cũng tận dụng những công ty này để làm vỏ bọc thực hiện các hoạt động rửa tiền mà chúng kiếm được nhờ hoạt động tội phạm như buôn bán ma túy. Bên cạnh đó, những công ty kiểu này cũng là nơi cung cấp cho con cái hay người thân ông trùm mafia một công việc “chính đáng” và không bị người khác soi mói.

Giới chức Italy cho hay, sự hiện diện của các công ty do mafia điều hành đã làm vấy bẩn môi trường kinh doanh địa phương. Điều đó dẫn đến hệ lụy là một công ty làm ăn chân chính buộc phải trả tiền “bảo kê” cho các băng nhóm mafia địa phương.

Dario Caputo, một phát ngôn viên cho cơ quan quản lý tài sản tịch thu Italy, nói: “Có nhiều trường hợp vô cùng khó khăn như thế lực của mafia quá mạnh và khiến mọi luật lệ bị bẻ cong. Chúng tôi chứng kiến điều này ở những thị trấn nhỏ tại một số khu vực miền Nam”.

Tuy nhiên, bất chấp gặp nhiều trở ngại, ông Caputo cho biết việc tịch thu những công ty của mafia là cần thiết trong cuộc chiến chống tội phạm. Ông nói: “Điều khiến mafia đau đớn nhất không phải là bị ở tù mà chúng sợ mất hết tiền bạc và uy tín, vì các công ty đó khiến chúng cảm thấy quan trọng trong mắt của người dân”.

Theo Bình An
Zing/Infonet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM