Mặt tối của Facebook - Những mánh ăn cắp fanpage & lý do nhiều fanpage 'mất tích' (P2)

19/06/2014 09:12 AM | Kinh doanh

Ban đầu chỉ đánh cắp cho vui, về sau thành tống tiền hàng triệu.

Nội dung nổi bật:

- Các tay hijacker không thiếu gì mánh khóe để đánh cắp những fanpage có giá trị: lợi dụng lòng tin của admin; đẩy admin vào rắc rối pháp luật... 

- Ban đầu, các nhóm này chỉ đánh cắp cho vui, về sau là để tống tiền. 

- Cũng vì những cuộc chiến này, nhiều fanpage bị "mất tích" không phải vì bị người dùng báo cáo vi phạm mà là đang tạm làm "con tin" của hijacker.

Tóm tắt phần 1: Jason Fyk - ông chủ trang web WTF Magazine cùng hàng chục fanpage có giá trị khác trên Facebook - đang bị lôi vào một cuộc chiến bất đắc dĩ, một ván chơi trốn tìm với các tay hijacker trẻ tuổi. Một trong số đó là hijacker có tài khoản Facebook là Anthony thuộc cộng đồng The Community.


Phần 1: Mặt tối của Facebook: Cuộc chiến ngầm không ai hay biết & nền 'kinh tế like' (P.1)

Anthony và Austin là hai trong số hacker trẻ của The Community, nhóm kết nối hơn 50.000 thanh thiếu niên giỏi công nghệ, có những sở thích chung như mạng xã hội, game, văn hóa mạng và... đi hack. Anthony và Austin là chủ trò của những vụ chơi khăm trên Facebook. Trả lời phỏng vấn của Business Insider qua Skype, Anthony nói: "Ban đầu trên này chỉ có những trò đùa vô hại, nhưng về sau nó trở thành nơi để gây khó dễ cho người khác."

Những mánh khóe thường gặp

Đánh cắp tài khoản Facebook (Facebook hijack) là hành động nắm quyền kiểm soát một fanpage không hề thuộc sở hữu của mình. Một khi fanpage có 100.000 follower, nó sẽ lập tức rơi vào tầm ngắm của những tay hijacker (kẻ đánh cắp, chiếm quyền quản lý trang web), nhất là khi chưa được Facebook cấp dấu chứng nhận xanh (blue check mark).

Các hijacker này không thiếu gì cách tấn công fanpage. Một trong những mánh khóe từng rất phổ biến là lợi dụng lòng tin của admin, ngỏ ý cùng cáng đáng điều hành fanpage, sau đó xóa admin ban đầu khỏi thanh admin và rồi khóa luôn họ khỏi trang này. Nhưng sau đó, Facebook đã thay đổi cách thiết lập tài khoản admin và chiêu này không còn đất dụng. Việc đánh cắp trở nên khó khăn và cần nhiều kế hoạch hơn.

Xóa và ăn cắp fanpage mới chỉ là "trò cơ bản". Một chiến thuật phổ biến khác là đẩy những Facebooker vô tội vào rắc rối pháp luật.

Có lần, một nhóm hacker Facebook đang nhắm vào Fyk, họ lập tức tung tin đồn trên mạng xã hội, vu khống cho Fyk là một kẻ ấu dâm. Anthony nói: "Anh ta bảo rằng sẽ giết bạn tôi, nên bọn tôi nói anh ta là kẻ ấu dâm, và thế là tất cả những ai theo dõi fanpage của anh ta đều nghĩ anh ta là một kẻ bệnh hoạn.... Tôi có quyền tự do ngôn luận nhưng chúng tôi không hoạt động gì bất hợp pháp như các hacker mũ đen." Anthony phản biện rằng một phần cũng tại Fyk gây ra trước vì khi nổi nóng, anh ta đã buột miệng nói ra những thứ mà về sau phải hối hận.

Từ đánh cắp cho vui thành tống tiền hàng triệu

Fanpage đầu tiên Austin từng chứng kiến bị đánh cắp là một trang dành cho ca sĩ Justin Bieber của các fan nữ: "Tụi nó đánh cắp mấy trang này vì phản ứng của bọn con gái buồn cười lắm. Tụi nó chiếm fanpage, đăng mấy câu nói rằng Justin Bieber bị ghét như thế nào, bọn con gái sẽ tức điên lên còn tụi nó tha hồ ngồi cười".

Nhưng kể từ năm 2012, khi người ta bắt đầu kiếm tiền trên Facebook, những vụ đánh cắp fanpage cho vui nay đã trở thành một cuộc chiến toàn diện, quản lý các fanpage lớn nhất liên kết lại với nhau và sẵn sàng tấn công những quản lý khác dám "đắc tội" với họ. Nói về "chiến tranh Facebook", Austin miêu tả: "Ở đây có chiến tranh, có đối ngoại, có phản bội, có liên minh, có thỏa thuận ngầm, có cả cấm vận nữa".

Một trong những người đầu tiên kiếm tiền từ fanpage chính là Carl Sherburne, nay đã về làm việc cho Fyk. Blog cho phép chủ sở hữu nhúng quảng cáo trên trang riêng của mình nhưng Facebook thì không. Do đó, thay vì quảng cáo, Sherburne đăng các đường link dẫn tới những người bán hàng trực tuyến có chia phần trăm lợi nhuận với những ai chia sẻ liên kết. Với hàng triệu follower, Sherburne nhanh chóng thu được một khoản lợi nhuận đáng kể.

Trang Mylikes.com cung cấp các liên kết kiếm tiền cho các admin fanpage. Bên cạnh việc đăng tải liên kết, các admin thi thoảng còn bán thêm cả quần áo cho follower. Tiền chảy vào túi nhiều hơn nhờ sự ra đời của những công cụ giúp admin quản lý nhiều fanpage cùng một lúc. Ví dụ như Hootsuite, có chức năng giúp admin lan tỏa nội dung trên nhiều thuộc tính của Facebook cùng một lúc. Facebook cũng vừa mới bổ sung thêm chức năng theo dõi những nội dung lan tỏa này.

Và từ đây, những tay hijacker không chỉ còn đi đánh cắp cho vui, mà còn nhằm vào những món tiền chuộc béo bở.

Lý giải sự "mất tích" của các fanpage

Một số fanpage biến mất là do bị khóa, bị phản ánh, báo cáo vi phạm, nhưng sự "mất tích" của nhiều fanpage lại bắt nguồn từ những cuộc chiến ảo này.

Fyk từng có một fanpage chủ đề MTV hơn 1 triệu like bị đánh cắp và tống tiền. Ban đầu, anh cứ ngỡ rằng Facebook cho đóng fanpage vì VIACOM phản ảnh vấn đề bản quyền. Tay hijacker nhắn với nội dung đại loại là: "Tôi đang giữ fanpage 1 triệu like của anh. Tôi sẽ trả cho anh, nhưng có đi có lại, đồng ý không?" Fyk không đồng ý và tới nay vẫn chưa lấy lại được fanpage. Gần đây, một fanpage khác của Fyk cũng lại tạm thời bị xóa khỏi Facebook vì đăng tải nội dung khiêu dâm trong khi anh chưa bao giờ cho phép các nội dung này xuất hiện. Sau khi tìm hiểu, anh đã hiểu ra rằng hijacker Austin đứng sau vụ này.

Tin nhắn tống tiền mà tay hijacker gửi cho Fyk

Cuộc chiến giữa các nhóm trên Facebook cũng bao gồm cả các hoạt động phá hoại đời thực. Anthony kể lại một vài vụ phá phách mà cậu đã được chứng kiến dù không tham gia: "Tôi cũng không lạ với những chuyện máy tính của bọn trẻ con bị virus tấn công và gửi vào máy 25 GB phim đồi trụy để rồi bị đội SWAT (Đội vũ khí và chiến thuật đặc biệt của cảnh sát Hoa Kỳ) đến tận nhà gõ cửa; hoặc thông tin tài khoản ngân hàng của người ta bị rò rỉ."

Khi hijacker "quay đầu là bờ"

Động cơ để The Community quậy phá trên thế giới Facebook vô cùng đơn giản: vui, và món tiền kiếm được cũng khá hời. Các hijacker như Anthony và Austin không hề biết sợ là gì bởi cả hai từng bị đuổi khỏi Facebook nhiều lần nhưng rồi lại tạo tài khoản mới hoặc xin tài khoản cũ từ bạn bè để quay trở lại.

Thực chất Anthony không phải danh tính thật của cậu trên Facebook: "Tôi không bao giờ dùng tên thật vì tôi đã thấy tận mắt những gì Internet có thể làm. Internet tước đi sự ngây thơ vô tội của con người ta, đẩy họ vào sai lầm và dần chai lì với những điều mắt thấy tai nghe".

Cậu còn tự đặt ra điểm dừng cho mình: "Tôi không bao giờ gây ra những tổn hại mang tính vĩnh viễn cho người khác, nếu nhận ra mình đang làm vậy thì tôi sẽ dừng ngay lập tức. Hoặc phụ nữ chẳng hạn, tôi không giở trò với phụ nữ." Còn Austin nói một cách hối hận: "Đôi khi tôi nhìn lại những lỗi lầm của mình để rồi rùng mình. Tôi thật ngu ngốc. Ban đầu mọi thứ chỉ là đùa cho vui".

Đó là lý do tại sao Fyk mong tìm được tín hiệu "ngừng bắn" với nhóm hijacker trẻ tuổi. Anthony cho biết bộ ba đang đàm phán cùng nhau, mặc dù Fyk chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, anh chỉ muốn hòa bình cho bản thân, cho công việc làm ăn, cho nhân viên cũng như bảo đảm an toàn không bị quấy rối và khủng bố mạng.

Đội ngũ an ninh của Facebook cũng nhìn ra vấn nạn này và đang cố gắng kiểm soát. Trước mắt, Facebook khuyến cáo các admin tăng cường an ninh tài khoản, hạn chế số lượng admin cũng như quyền hạn của họ. Nếu không, có lẽ Facebook nên cân nhắc đến việc tạo ra một môi trường kinh doanh "dễ thở" hơn một chút.

>> Từng phá sản, ngồi tù, rồi trở thành triệu phú nhờ Facebook

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM