Mất khả năng chi trả, S-Fone bỏ rơi người lao động
Nợ lương và phúc lợi xã hội của nhân viên lên đến hàng chục tỷ đồng, S-Fone còn bị niêm phong phòng làm việc và cắt điện nước vì chưa thanh toán tiền thuê văn phòng.
Sáng 17/12, một nhóm nhân viên của mạng S-Fone tiếp tục tập trung trước cửa trụ sở công ty tại số 11 đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để tìm gặp lãnh đạo đơn vị, nhằm làm rõ trách nhiệm các bên trong việc thanh toán lương và chế độ, bảo hiểm. Nhóm người cùng giơ biểu ngữ yêu cầu S-Telecom (S-Fone) và SPT (đơn vị chủ quản) trả nợ cho người lao động.
Đại diện duy nhất của hãng ra tiếp nhận khiếu nại và phản ánh của nhân viên là ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh S-Fone tại Hà Nội, nhưng không phải tại văn phòng của công ty. Theo ông Tuấn, hiện phòng làm việc đã bị niêm phong và cắt điện nước, nên đành ngồi nói chuyện dưới sảnh dành cho khách của tòa nhà.
Theo các nhân viên, tư trang, vật dụng cá nhân của họ khi còn làm việc vẫn để trong văn phòng và không có cách nào để lấy ra. Bà Đỗ Thị Ngọc Khánh, Chủ tịch Công đoàn của công ty S-Fone miền Bắc cho biết, người lao động đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo công ty, nhưng đây là lần thứ 2 phải làm việc trong cảnh không có văn phòng.
"Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản, email kiến nghị lên các cấp lãnh đạo của SPT nhưng không được trả lời. Cuối tháng 11 vừa rồi mọi người đã lên trụ sở, triệu tập Giám đốc chi nhánh lên làm việc nhưng khi được yêu cầu đi cùng sang cơ quan công an thì anh Tuấn từ chối tham gia", bà Khánh chia sẻ.
Giám đốc S-Fone Hà Nội xác nhận công ty nợ hàng chục tỷ đồng chưa thanh toán hết cho nhân viên. Ông phân trần: "Công ty đang rất khó khăn, đang phải chờ nguồn vốn mới nên tạm thời chậm tiền của người lao động". Vị Giám đốc khẳng định sẽ giải quyết các vướng mắc về lương, chế độ cũng như bảo hiểm xã hội, tuy nhiên chỉ hứa được như vậy chứ không thể khẳng định bao giờ thực hiện được.
Ông Tuấn cho biết thêm, công ty đang thuê hai tầng của tòa nhà số 11 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nhưng hiện đã bị quản lý tại đây niêm phong, cắt toàn bộ điện nước do chậm trả phí sử dụng, dịch vụ hàng tháng. Thậm chí đã có thời gian ban quản lý không cho nhân viên công ty vào làm nhằm thúc đóng tiền. Sau khi thanh toán được thì trở lại hoạt động, được một thời gian lại tái diễn cảnh trên. Từ ngày 5/11 đến nay thì trụ sở S-Fone tại Hà Nội đã đóng cửa hẳn.
Trong buổi làm việc giữa người lao động (là nhân viên đang làm việc và cả "người cũ" của S-Fone) với lãnh đạo công ty, đại diện là ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh tỏ ra mệt mỏi khi không thể làm gì hơn bởi SPT mới là đơn vị mẹ. Ông Tuấn có gọi điện cho ông Hoàng Sỹ Hóa, là Tổng giám đốc SPT (công ty quản lý S-Fone) nhưng ông Hóa cho hay đang bận họp nên chưa thể trả lời được.
Bà Khánh cho biết, hiện tại nhân viên của toàn bộ nhà mạng này tại Hà Nội chỉ còn khoảng 20 người, nhưng không ai có việc làm và phải ở nhà từ ngày 5/11. Các đợt cắt giảm biên chế diễn ra từ tháng 12/2011 đến nay đã rút số nhân viên từ 400 người xuống con số hiện nay.
Không việc làm, toàn bộ nhân viên cũng chưa được công ty thanh toán lương các tháng 6, 8, 9/2012, 50% lương tháng 13 năm 2011, riêng tháng 7/2012 được thanh toán khoảng 70%. Số còn làm việc cũng bị chậm lương tháng 10, 11/2012. Các khoản theo chính sách, trợ cấp, đền bù khác cũng "chưa thấy đâu". Ngoài ra, S-Fone cũng không thanh toán được tiền bảo hiểm xã hội cho nhân viên tại Hà Nội.
Theo phản hồi của Trung tâm S-Fone, đơn vị mới đóng bảo hiểm cho người lao động đến hết năm 2009. Điều này đã gây không ít khó khăn đối với nhân viên bị cắt hợp đồng hoặc tự ý hủy hợp đồng lao động của S-Fone khi muốn đi xin việc tại doanh nghiệp khác. Tiền bảo hiểm cho khu vực TP HCM cũng chỉ đóng hết năm 2010, riêng khu vực Đà Nẵng đã thanh toán hết tháng 5/2011.
Một số nhân viên nhà mạng S-Fone cho biết, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm vẫn trừ đều đặn các khoản bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) vào tiền lương hàng tháng của người lao động. Tuy nhiên không ai rõ Trung tâm có tiến hành trích nộp cho cơ quan bảo hiểm hay không.
Sổ bảo hiểm một nhân viên S-Fone tại Hà Nội được thanh toán hết năm 2009 nhưng đến tận tháng 9/2012 mới đóng dấu. Ảnh: Anh Quân
Trước đó, trong biên bản hòa giải tranh chấp lao động thực hiện ngày 18/7/2012 giữa thành viên hội đồng hòa giải lao động cơ sở (trong đó có ông Hóa), và bên tranh chấp lao động, ông Hoàng Sỹ Hóa cam kết mỗi tháng công ty trả 5 tỷ đồng cho người lao động. Số tiền này gồm một tỷ đồng bảo hiểm xã hội (ưu tiên người đã nghỉ việc trước) và 4 tỷ đồng lương trợ cấp thôi việc. Việc thanh toán được thực hiện trong vòng tháng, bắt đầu từ tháng 8/2012.
Đến đầu tháng 9, Chủ tịch SPT Trần Tấn Đức đã có văn bản gửi Chủ tịch Liên đoàn lao động Quận Bình Thạnh (TP HCM), là đại diện của địa phương nơi công ty đóng trụ sở và có tham gia cuộc hòa giải hồi tháng 7. Trong đó, ông Đức thay mặt SPT thừa nhận tình hình kinh doanh của công ty đang trong cảnh khó khăn, nguồn tài chính hạn chế nên trong tháng 8 mới chỉ giải quyết được 50% lương tháng 5/2012 cho người lao động với số tiền một tỷ đồng.
"Có những người đã nghỉ làm hơn một năm, cá biệt có trường hợp đã 3 năm nhưng vẫn chưa nhận đủ các khoản tiền từ công ty", bà Khánh nói. Hiện bà Ngọc Khánh là một trong 21 nhân viên của S-Fone đang làm việc mà không nhận đồng lương nào.
Chủ tịch Công đoàn của S-Fone miền Bắc nhận định, với cảnh cắt điện nước và đóng cửa văn phòng hiện nay, không có nhân viên nào đi làm được nên khách hàng sẽ thiệt thòi rất nhiều. Thực tế, toàn khu vực Hà Nội hiện chỉ còn một trạm thu phát sóng được đặt trên nóc trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, nhưng lại bị cắt điện. Như vậy, thuê bao S-Fone "vô phương liên lạc".
Trao đổi về vấn đề thu cước một số thuê bao còn hoạt động, bà Khánh cho biết chỉ những ai đăng ký thanh toán tại nhà mới có nhân viên đến, còn lại, các đại lý, phòng giao dịch đã bị đóng cửa hết nên không thu được tiền. "Bản thân trụ sở còn không có điện thì lấy đâu người làm cước? Dù có cho nhân viên đến tận nhà khách hàng thì cũng không có căn cứ, dữ liệu nào để biết tiền cước của họ là bao nhiêu", đại diện Công đoàn S-Fone giãi bày.
Theo Anh Quân
Vnexpress