Kiếm hàng triệu USD nhờ nghề đánh giày
Bằng nghề đánh giày cho hành khách tại các sân bay, doanh nhân Nam Phi Lere Mgayiya đã kiếm được hàng triệu USD và đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ở Mỹ và Anh.
Bất kỳ ai khi đi công tác hoặc đi chơi đều muốn đôi giày của mình sáng bóng. Nếu được đánh giày ở một sân bay tại Nam Phi, bạn phải cảm ơn Lere Mgayiya. “Chúng tôi là doanh nghiệp đánh giày lớn nhất châu Phi” - CNN dẫn lời Mgayiya kiêu hãnh nói.
Trung bình các nhân viên Công ty Lere’s Shoe Shine đánh bóng 350 đôi giày mỗi ngày ở sân bay Johannesburg, 120 đôi tại Cape Town và 120 đôi ở Durban. Tại ba sân bay này Mgayiya có 45 nhân viên. Và anh đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại các sân bay khắp châu Phi cũng như Anh và Mỹ.
Doanh thu trung bình của Lere’s Shoe Shine hiện khoảng 227.000 USD/năm. Đến nay Mgayiya, 40 tuổi, đã kiếm được hàng triệu USD. Điều đáng nói ở câu chuyện thành công của Mgayiya là anh đã phải trải qua rất nhiều thất bại, nhưng quyết tâm và niềm tin đã giúp Mgayiya vươn lên.
Nhiều lần gục ngã
Trước khi trở thành ông vua đánh giày ở Nam Phi, Mgayiya là một nhân viên quèn của Hãng hàng không South African Airways. Sau năm năm làm việc, anh bị sa thải. Anh vào làm tại công ty vận chuyển gia súc của một người chú, nhưng hoạt động kinh doanh diễn ra không thuận lợi và một năm sau Mgayiya mất việc.
Tận dụng danh sách khách hàng nông dân của công ty ông chú, Mgayiya thực hiện sáng kiến kinh doanh mới là bán trứng tới bếp của Quốc hội Nam Phi. Với mỗi hộp trứng anh lãi 6 USD. Tuy nhiên Mgayiya thiếu vốn trầm trọng. “Tôi nợ tiền trả cho nông dân. Tôi không đủ tiền mua xe phục vụ hoạt động kinh doanh” - Mgayiya kể.
Bỏ nghề bán trứng, Mgayiya tham gia trò chơi truyền hình Sandlam Money Game và bất giờ giành giải thưởng 3.100 USD. Anh đầu tư toàn bộ số tiền vào một công ty trồng cây. Nhưng chỉ sáu tháng sau công ty này sụp đổ, Mgayiya một lần nữa rơi vào cảnh hết tiền và thất nghiệp. “Một người đàn ông đói thì không thể suy nghĩ chín chắn, mà tôi thường xuyên rơi vào cảnh đói bụng” - Mgayiya kể về thời kỳ đó.
Cái khó ló cái khôn, Mgayiya quyết định thuê một nhân viên cùng anh làm nghề đánh giày cho các hành khách ở sân bay Cape Town. Anh liên hệ với người quen ở sân bay để xin làm việc tại đây vào tháng 11-2002 nhưng mãi đến tháng 9-2003 anh mới có giấy phép để làm việc.
Khởi đầu không dễ dàng
“Trong năm đó tôi đã bán chiếc xe cà tàng của mình, làm nhân viên khách sạn trong ba tháng. Tôi đi xin ăn, vay nợ để sống qua ngày” - Mgayiya kể.
Mgayiya phải bán nhiều đồ đạc cá nhân để có tiền mua dụng cụ đánh giày cho anh và người nhân viên. Nhưng trong ngày làm việc đầu tiên ở sân bay Cape Town, anh gặp phải tin xấu. Anh đã trả tiền để mua một số đôi dép cho hành khách đi lúc đánh giày nhưng người bán biến mất.
“Tôi phải đặt chân của hành khách lên đùi để đánh giày cho họ” - Mgayiya cho biết. Trong thời gian đầu, cả anh và người nhân viên phải làm việc từ 5g-21g mỗi ngày, trừ chủ nhật. “Tôi rời nhà lúc cả gia đình còn chưa thức giấc và trở về khi con gái đã lên giường ngủ. Rất khó khăn và vất vả” - Mgayiya nhớ lại.
Nhưng việc đánh giày ở sân bay đem lại nguồn thu ổn định, số lượng khách ngày càng gia tăng. Một người khách gợi ý Mgayiya nên lấy một thương hiệu riêng mang tính cá nhân. Và cái tên Lere’s Shoe Shine ra đời. Sau bốn tháng, Mgayiya tuyển thêm bốn nhân viên nữa.
Kế hoạch lớn
Thành công ở Cape Town không làm nguội lạnh tham vọng của Mgayiya. Anh liên hệ với quan chức phụ trách các sân bay ở Nam Phi và nhận được sự đồng ý. Mgayiya lập tức mở rộng hoạt động. Ngoài ba sân bay Cape Town, Durban và Johannesburg, nhân viên của Lere’s Shoe Shine còn làm việc tại các khách sạn lớn nhất ở Nam Phi.
Sau 10 năm hoạt động, đến nay Công ty Lere’s Shoe Shine đã đi vào ổn định và sinh lãi lớn. Ước tính các nhân viên của Mgayiya đánh bóng tới hơn 175.000 đôi giày trong năm 2013. “Giờ tôi đã có một ngôi nhà riêng, cho con gái học trường tư” - Mgayiya hào hứng. Anh không còn phải làm việc từ 5g-21g.
Mgayiya cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ở Angola, Kenya và Nigeria. Anh đang tìm đối tác để hoạt động ở các sân bay tại Mỹ và Anh. “Khi khởi đầu kinh doanh, bạn cần sự tự tin vào chính bản thân. Bạn không thể có ngay mọi điều kiện thuận lợi lập tức. Nhưng nếu không bắt đầu, bạn sẽ chẳng làm được gì cả” - Mgayiya khuyên các doanh nhân trẻ.
>> Chuyện đời của ông Tây bán xúc xích dạo nổi tiếng Sài Gòn
Theo Nguyệt Phương