Kịch bản nào đang chờ Eximbank?

12/10/2015 08:31 AM | Kinh doanh

Từng có một thời, Eximbank là mơ ước của hàng chục nhà băng khác với sự phát triển lẫy lừng và nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất nước. Nhưng nay, cái tên Eximbank ấy đã không còn sức hút như vậy.

Tháng 4 lỡ hẹn! Cổ đông Eximbank phải chờ đợi đến cuối tháng 6, và rồi lại khất đến 21/7. Qua tháng 7, một số thông tin cho biết có thể là tháng 8, nhưng tháng 8 qua đi không một tín hiệu nào. Tháng 9 cũng lẳng lặng trôi và rồi người ta lại “đồn” rằng trong tháng 10.

Đến nay đã một phần ba tháng 10 qua đi, cổ đông Eximbank vẫn ngóng chờ một thông báo chính thức để có thể cùng nhau hội họp và bầu ra một Hội đồng quản trị mới, một dàn lãnh đạo mới mà họ kỳ vọng sẽ đem lại sự đổi thay đáng kể ở ngân hàng vốn đã đi xuống rất nhanh trong 3 năm qua.

Nhưng nay, cái tên Eximbank ấy đã không còn sức hút như vậy. Thậm chí có người còn lo ngại về những kịch bản không tưởng như bị kiểm soát đặc biệt, bị NHNN đưa người vào quản lý, bị sáp nhập với ngân hàng khác, rồi lãnh đạo bị bắt, và thậm chí cả những lo ngại về kịch bản lặp lại như từng xảy ra với 3 ngân hàng khác.

Vậy những kịch bản như thế có cơ sở hay không?

Trước hết về khả năng bị kiểm soát đặc biệt, hồi tháng 8 xuất hiện thông tin trên thị trường rằng Eximbank rơi vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngay sau đó, ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank – người xưa nay vẫn được cho là khá kiệm lời với truyền thông – đã lên tiếng bác bỏ tin đồn, đồng thời khẳng định rằng Eximbank vẫn hoạt động bình thường. Lãnh đạo của NHNN cũng cho biết không có chuyện Eximbank bị kiểm soát đặc biệt.

Như vậy, cả hai tin đồn kia cho đến hiện tại đều không có cơ sở và được chính người trong cuộc lên tiếng.

Về kịch bản bị sáp nhập với ngân hàng khác. Đây là câu chuyện được nhắc khá nhiều kể từ đầu năm nay. Không phải mối lương duyên với Sacombank như thị trường từng “chắc như đinh đóng cột” trước đó khi hai bên đã có cả thỏa thuận hợp tác toàn diện từ đầu năm 2013 cùng những tuyên bố về việc xem xét sáp nhập trong 2-3 năm tiếp theo, mà kịch bản sáp nhập lại được gắn với một cái tên hoàn toàn bất ngờ đó là Ngân hàng Nam Á – một nhà băng với quy mô tổng tài sản chỉ bằng 1/5 của Eximbank. Và còn bất ngờ hơn khi thông tin cho biết bên Nam A Bank lại là đơn vị nhận sáp nhập.

Tin đồn này có thêm phần căn cứ khi hồi tháng 4 – trước thềm ĐHCĐ của Eximbank (lẽ ra đã tổ chức) cả hai trụ cột của Nam Á là ông Trần Ngô Phúc Vũ (tổng giám đốc) và ông Trần Ngọc Tâm (phó Tổng giám đốc) đều từ nhiệm ở Nam Á và ứng cử vào HĐQT của Eximbank với phần vốn đại diện cho tổng cộng hơn 20% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank.

Câu chuyện tưởng như đã có hồi kết rõ ràng, thì ĐHCĐ của Eximbank cứ lần lữa phải dời lại đến tận cuối tháng 7 mới tổ chức và cũng chưa thể bầu HĐQT nhiệm kỳ mới vì cơ quan quản lý chưa thông qua vấn đề nhân sự. Đến tháng 9, phía Nam A Bank bất ngờ lên tiếng khẳng định rằng ngân hàng này không sở hữu bất kỳ cổ phần cổ phiếu Eximbank nào, và việc có cá nhân nào ở nhà băng này tham gia điều hành, quản trị Eximbank đó là việc cá nhân của họ. Như vậy có thể kết luận phương án bị sáp nhập là không khả dĩ.

Về việc NHNN đưa người vào quản lý Eximbank. Đây là kịch bản dường như rõ ràng hơn cả và có cơ sở khá vững chắc, khi Vietcombank – đơn vị đang sở hữu 8,25% vốn Eximbank – chưa thể thoái vốn khỏi ngân hàng này trong năm nay.

Hơn nữa, chia sẻ với báo giới hồi tháng 8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết thanh tra giám sát NHNN phải vào cuộc, thanh tra rõ ràng cổ đông, cổ phần cổ phiếu, đối chiếu với quy định pháp luật, đặc biệt xem xét nguồn gốc tiền đầu tư cổ phần, có tiền ảo không, và rằng NHNN sẽ đi đến cùng, làm rõ trắng đen.

Đến ĐHCĐ bất thường của Eximbank bầu nhân sự, theo tư lệnh ngành ngân hàng, NHNN thông qua số cổ phần của Vietcombank nắm giữ, có thể sẽ đưa nhân sự của NHNN vào điều hành, quản lý.

Còn với khả năng xấu nhất có thể xảy ra là kịch bản 0 đồng. Theo giới chuyên gia và một số lãnh đạo ngân hàng thì trường hợp này sẽ không thể xảy ra ở Eximbank. Bởi lẽ ngân hàng Eximbank quá lớn, cơ cấu cổ đông lại đa dạng, không chỉ có cổ đông Nhà nước, cổ đông nhỏ lẻ mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán công khai minh bạch, mà còn có cả cổ đông nước ngoài.

Hiện tại Sumitomo của Nhật đang nắm giữ 15,07% vốn Eximbank; VOF Investment giữ 5% vốn; Vietcombank giữ 8,25% vốn. Tiềm lực của các cổ đông lớn này là điều không có gì phải bàn cãi và chắc chắn không thể để cho Eximbank rơi vào tình trạng xấu không thể khắc phục.

Hơn nữa, yếu tố cổ đông nước ngoài còn được đánh giá là rất quan trọng trong trường hợp tái cơ cấu Eximbank vì các cổ đông nước ngoài luôn yêu cầu mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch, và trong bối cảnh của quá trình hội nhập (gần nhất là gia nhập AEC và TPP) thì việc xử lý 0 đồng đối với ngân hàng có yếu tố nước ngoài lại càng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Lưu ý rằng, 3 ngân hàng 0 đồng trước là OceanBank, GP.Bank và VNCB đều không có cổ đông nước ngoài.

Như vậy trong tất cả các kịch bản mà thị trường đang đưa ra, dường như việc NHNN đưa người vào quản lý Eximbank là rõ ràng hơn cả. Cùng với đó, “phương án Trầm Bê” (ông Trầm Bê cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện các quyền cổ đông theo quy định pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần của ông và các bên liên quan ở Phương Nam, Sacombank và ngân hàng sau sáp nhập.

Ông Trầm Bê sẽ không tham gia điều hành, quản trị ngân hàng sau sáp nhập và NHNN sẽ cử người tham gia điều hành, quản trị) cũng được nhắc đến khi có thông tin rằng rất có thể một số cổ đông ở Eximbank cũng sẽ ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện quyền cổ đông đối với số cổ phần của họ ở đây. Nếu điều này xảy ra, ngoài 8,25% cổ phần của Vietcombank ở Eximbank, NHNN sẽ có số cổ phần nhiều hơn 10% ở nhà băng này.

Và thêm một kịch bản nữa, sau khi có kết luận thanh tra về dòng tiền đầu tư vào Eximbank của các nhóm cổ đông, biết đâu lại xuất hiện một cái tên nào đó, dù không phải ngay bây giờ, nhưng tương lai gần sẽ sáp nhập, hợp nhất cùng ngân hàng. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhất là với sự quyết liệt trong tái cơ cấu các TCTD của NHNN thời điểm hiện nay.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM