Khởi nghiệp không khó như bạn nghĩ nếu đã biết tranh biện

07/10/2014 08:00 AM | Kinh doanh

Khởi nghiệp là giấc mơ của không ít bạn trẻ. Trên các diễn đàn, trang báo mạng dành cho giới trẻ, người ta nhắc nhiều đến hai chữ này và tô đậm nó như một cột mốc mà mỗi người trưởng thành đều nên hướng tới.

Nhiều người thường đánh đồng “khởi nghiệp” với việc bắt đầu một dự án, phi vụ kinh doanh nào đó. Trên thực tế, khởi nghiệp nên được hiểu là những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp, là công việc đầu tiên, là ý tưởng đầu tiên, là dự án đầu tiên... Nó có thể mang tính chất kinh doanh hay lợi nhuận, có thể không.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng khởi nghiệp kì thực lại là một con đường đầy chông gai mà không phải người nào dấn thân đều có thể thành công được. Nhiều người bỏ cuộc, nhiều người đi lạc hướng... Nhiều trường đại học trên thế giới và ở Việt Nam đã dày công tổ chức những khóa học, những buổi chia sẻ hướng nghiệp và khởi nghiệp để giúp các bạn sinh viên, các bạn tân cử nhân định hướng tốt hơn cho tương lai của mình. Một trong những nỗ lực đó là sự ra đời của những lớp học tranh biện, những giải đấu tranh biện mà theo đánh giá của giáo sư Alfred C. Sinder (ĐH Vermont, Mỹ) “là một cách thức rất tốt để cải thiện và nâng cao khả năng tư duy cũng như sáng tạo của các bạn sinh viên”.

Tranh biện là một loại hình trò chơi đấu trí từ lâu đã phổ biến trên thế giới nhưng lại là một khái niệm khá mới đối với giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh những kỹ năng mà tranh biện có thể mang đến cho người chơi, người tham gia thực sự có ích cho quá trình khởi nghiệp: bắt đầu từ chỗ hình thành ý tưởng cho đến bước biến ý tưởng thành hiện thực.

 
 

Tư duy nhanh, phản ứng nhanh

Amit Roy, kỹ sư máy tính tại tập đoàn Goldman của Mỹ chia sẻ “Tham gia vào đội thi đấu tranh biện giúp ích cho tôi rất nhiều trong quá trình phỏng vấn xin việc tại Goldman Sachs. Nó giúp tôi nghĩ nhanh và tìm ra câu trả lời tốt nhất trong khoảng thời gian rất ngắn”. Cũng nhờ những kỹ năng này, ngay từ năm thứ ba đại học, Roy đã được nhận vào làm thực tập sinh tại Phố Wall nổi tiếng.

Tranh biện tạo cơ hội cho những người tham gia rèn luyện kỹ năng phân tích vấn đề và tìm kiếm giải pháp. Họ cũng học được cách tổ chức, sắp xếp ý tưởng sao cho rõ ràng và mạch lạc nhất. Không những thế, họ còn được rèn luyện kỹ năng lắng nghe và chia sẻ, khả năng giao tiếp bằng ánh mắt cũng như những cử chỉ và hành động. Sự tự tin tìm đến với những người tham gia bộ môn tranh biện qua mỗi trận đấu, mỗi buổi luyện tập. Điều này sẽ là những tài sản vô giá giúp bạn ghi điểm trong những vòng phỏng vấn cho công việc đầu viên hay những phiên thuyết trình về ý tưởng của dự án khởi nghiệp để kêu gọi vốn, nguồn tài trợ từ những công ty, tổ chức lớn.

Khả năng lan rộng ý tưởng

Khởi nghiệp, một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất chính là làm thế nào để người khác tin vào dự án của bạn, chịu đầu tư vào dự án của bạn. Khi đó, điều bạn cần làm không chỉ là chuẩn bị một bài thuyết trình, một phần giới thiệu hoàn hảo mà là khả năng thuyết phục người khác.

Một thành viên của đội tranh biện thuộc trường Massachusetts Institute of Technology từng chia sẻ “Khả năng thể hiện ý tưởng của bản thân là rất quan trọng. Nếu bạn có những ý tưởng mà bạn muốn người khác chấp nhận và ủng hộ, bạn cần học cách thuyết phục”.

Nhiều người do không rõ nên thường lầm tưởng tranh biện là cãi nhau xem bên nào thắng, nhiều người lại cho rằng phần thắng sẽ thuộc về bên nào đưa ra luận điểm đúng hơn. Kì thực, cái đúng cái sai trong thi đấu tranh biện phức tạp mà thú vị hơn thế rất nhiều. Nó nằm ở những dẫn chứng, lập luận mà các đội đưa ra để bảo vệ cho ý kiến của đội mình cũng như phản biện ý kiến của đối phương.

Nếu như ở phần trên, bạn đã biết rằng tranh biện giúp bạn tiếp cận vấn đề một cách thông minh và nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả thì càng gắn bó nhiều với tranh biện, người trẻ sẽ học được cách “đứng trong đôi giày của người khác” để cân nhắc mọi khía cạnh được mất của vấn đề, để tìm ra hướng đi đúng đắn cho những quyết định của mình.

Thoạt tiên điều này có vẻ chẳng liên quan đến chủ đề mà chúng ta đang nói đến ở đây: khởi nghiệp. Nhưng hãy thử nghĩ sâu hơn một chút: Nếu chỉ đứng từ bên ngoài, khư khư và bảo thủ với ý tưởng về dự án khởi nghiệp của bản thân, không chịu tiếp thu những ý kiến khác, không chịu xem xét vấn đề dưới nhiều bình diện và góc độ, liệu ý tưởng và dự án của bạn có thể tiến xa không.

Tranh biện không phải một trò chơi đấu trí khô khan. Nó bàn đến rất nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả “Làm trái ngành có hại nhiều hơn lợi” hay “Cách tốt nhất để làm được những điều vĩ đại là yêu việc mình làm” (Steve Jobs)...

 

Tranh biện Khởi nghiệp hấp dẫn sinh viên với các chủ đề xoay quanh giới trẻ và việc làm 

Đó cũng là một vài trong số những kiến nghị đã được đưa ra trong Giải đấu Tranh biện Khởi nghiệp do Công ty Cổ phần Tìm Việc Nhanh tổ chức. Giải đấu được khởi động từ đầu tháng 8/2014 đã thu hút được rất nhiều bạn sinh viên các trường Đại học tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tham gia.

Luật gia trẻ, đội đoạt đoạt giải Nhất Tranh biện Khởi nghiệp tại Hà Nội chia sẻ: "Những kiến nghị BTC đưa ra đều ít nhiều xoay quanh và liên quan đến các vấn đề xã hội thú vị và mang tính định hướng giá trị cho thanh niên. Chẳng hạn như câu chuyện con cái nên tự lựa chọn nghề nghiệp thay vì phục thuộc vào quyết định của cha mẹ; hay những điểm được – mất của việc làm trái ngành...

Trong quá trình chuẩn bị tranh biện và tìm hiểu kỹ về các kiến nghị, ở một mức độ nào đó, bọn mình cũng đã nhận thức sâu sắc hơn về lựa chọn tương lai của mình. Hai trong số ba thành viên của đội là sinh viên năm ba, năm tư sắp ra trường. Ngưỡng cửa tương lai đang chờ đón trước mắt với những lựa chọn nghề nghiệp. Đây quả thực là cơ hội giúp chúng mình có thêm “bản lĩnh” để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và hợp lý cho tương lai".

Lần đầu tiên tại Việt Nam, người trẻ đã được tiếp cận và hiểu sâu hơn về một môn thể thao trí tuệ lí thú, đồng thời học hỏi thêm nhiều điều xung quanh chủ đề Khởi nghiệp, để nhận ra rằng “Khởi nghiệp hoàn toàn không khó, nếu bạn đã biết tranh biện”.

A.D

Từ khóa:  doanh nghiệp
Cùng chuyên mục
XEM