Israel: Quốc gia khởi nghiệp đã trưởng thành
Ngành công nghệ ở Israel giờ đây đang bị cuốn đi bởi những nguồn vốn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc – những người muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với các thương vụ ở Sillicon Valley.
Vonetize là một công ty Israel chuyên cung cấp video theo yêu cầu của khách hàng ở châu Phi, châu Mỹ Latin và các thị trường mới nổi khác. Ra đời vào năm 2011 với 200.000 USD từ một nhà đầu tư, đến năm 2014 công ty này đã huy động được thêm 6 triệu USD và hiện nay theo như lời của tổng giám đốc Noam Josephides, họ “chưa muốn từ bỏ cuộc chơi”.
Gần đây, Vonetize – cũng như nhiều công ty khởi nghiệp đầy tham vọng trong ngành công nghệ ở Israel khác – đang phải vật lộn để tập hợp thêm các nguồn vốn và tăng cường marketing nhằm chuyển từ giai đoạn khởi nghiệp sang giai đoạn mở rộng quy mô ra toàn cầu. Nhiều công ty, ngay khi có được cơ hội thích hợp, đã bán cho người trả giá cao nhất – thường là một công ty công nghệ của Mỹ hay một quỹ đầu tư nào đó – và chuyển sang làm thứ khác.
Tuy nhiên, ngành công nghệ ở Israel giờ đây đang bị cuốn đi bởi những nguồn vốn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc – những người muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với các thương vụ ở Sillicon Valley. Nhờ thế, Vonetize có thêm nhiều lựa chọn: Để mở rộng ra khu vực Đông Nam Á và các thị trường mới khác, công ty này có thể kêu gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư, hoặc tiến hành IPO (phát hành chứng khoán lần đầu trên thị trường) ở Tel Aviv, New York hoặc London.
Dù lựa chọn ra sao, công ty này cũng đang tiến đến một điểm mốc đầu tiên đó là đạt giá trị 5 tỷ USD. Josephides cho biết: “Chúng tôi muốn xây dựng một công ty lớn”.
Với thị trường nhỏ bé chỉ 8 triệu người, các doanh nhân ở Israel thường bán ngay công ty của mình khi được giá. Nhưng ngành công nghệ của đất nước này đã lớn mạnh và ngày càng nhiều công ty đang mở rộng và tuyển dụng hàng trăm nhân lực trong nước, đạt giá trị hơn 1 tỷ USD và được gọi là các công ty “Kỳ lân” (Unicorn).
Cú hích cho nền kinh tế
“Cho đến 5 năm trước, 99% các công ty Israel khi được hỏi “Chiến lược của bạn là gì?” đều sẽ trả lời “Bán”. Đó là nhận định của Josef Mandelbaum, CEO của Perion, một công ty quảng cáo kỹ thuật số được niêm yết ở Nasdaq đã tiến hành mua lại các công ty khác và giờ đây có khoảng 660 nhân viên trên toàn thế giới. Ông còn cho biết thêm: “Tôi không nghĩ có lý do gì khiến bạn không thể xây dựng một công ty lớn có trụ sở ở Israel. Và đó là điều tôi muốn làm”.
Sự gặt hái của các công ty mới với trị giá hơn 1 tỷ USD còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều cho một nền kinh tế đang phải vật lộn với các vấn đề về nhân khẩu học và các rủi ro chính trị. Trong khi một số ngành khác đang chững lại, thì ngành công nghệ đang tạo được lực hút đầu tư và nguồn việc làm dồi dào. Theo thống kê chính thức, ngành này chiếm đến 18% GDP và hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Israel.
Lý do khiến ngành công nghệ ở nước này mở rộng được là vì nó hiện hữu khá nhiều ở các ngành đang lên theo nhu cầu trên toàn thế giới: ứng dụng di động, phát triển web và đáng chú ý nhất là an ninh mạng.
Nổi bật trong lĩnh vực này là Check Point, một công ty được các cựu nhân viên tình báo Israel sáng lập. Đây là ví dụ tiêu biểu cho các công ty mới, và công ty này hiện vẫn là một trong những công ty lớn nhất ở Israel với giá trị vốn hóa trên thị trường là 14 tỷ USD.
Đối thủ của công ty này, Mobileye, cũng vừa nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ Goldman Sachs và là công ty Israel đạt giá trị IPO lớn nhất ở Nasdaq khi bắt đầu lên sàn vào năm 2014. Hiện giá trị của nó là khoảng 8 tỷ USD. Các công ty khác có giá trị hơn 1 tỷ USD trong lĩnh vực này còn có thể kể đến CyberArk và Wix.com.
Sự thăng tiến của các công ty “Kỳ lân”
Hiện nay tại Israel đang có một thế hệ các doanh nhân làm giàu từ việc xây dựng các công ty lớn ở nước ngoài. Gadi Tirosh, giám đốc điều hành của Jerusalem Venture Partners, một quỹ đầu tư hàng đầu và là cổ đông của CyberArk, cho biết: “Chúng tôi hiện có 2 đến 3 vòng lặp những người Israel mở các công ty ở Mỹ, quay về Israel, lập ra hoặc gia nhập một công ty khác, và tiếp nhận kinh nghiệm chuyên môn này một cách hiệu quả”.
CyberArk là công ty khởi đầu cho xu hướng này. Được thành lập năm 1999, công ty này chuyển trụ sở đến Boston để cải tiến các sản phẩm và tìm kiếm khách hàng. Sau khi nhận được một số lời mời chào hấp dẫn, CyberArk đạt được một thỏa thuận cho phép nó tiếp tục phát triển độc lập: Jerusalem Venture Partners và Goldman Sachs mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư, và công ty chính thức lên sàn chứng khoán vào năm 2014.
Tuy nhiên có một số lo ngại về giá trị của các công ty Israel trên các sàn chứng khoán ở Mỹ và Anh, với dẫn chứng là thất bại của các công ty như Modu, nhà sản xuất điện thoại di động đã ngừng hoạt động vào năm 2011, hay Betterplace, công ty sản xuất ô tô điện đã phá sản vào năm 2013. Bên cạnh đó là sự ảm đạm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Nhưng các công ty ở Israel có vẻ vẫn dễ dàng tìm được các nguồn vốn cần thiết.
Sự thay đổi về công nghệ cũng cho phép ngành này phát triển ở thị trường nội địa. Theo Michael Eisenberg, một cộng sự ở quỹ đầu tư mạo hiểm Aleph: “Khoảng mười năm trước nếu muốn làm marketing và doanh số đạt đến quy mô mong muốn, bạn phải có mặt ở Mỹ hoặc một thị trường nào đó. Hiện nay với Internet marketing, bạn có thể đạt đến quy mô mong muốn mà không cần đi đâu cả nếu công ty của bạn vẫn chưa đủ lớn”.
Vonetize đã nhanh chóng học được bài học này ngay từ khi mới thành lập. Công ty này hợp tác với Samsung vào năm 2012 để cung cấp dịch vụ của mình trên mọi thiết bị của Samsung bán ở Israel.
Tuy nhiên, ngành công nghệ ở Israel cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trước hết là sự cạnh tranh khốc liệt từ Intel, Microsoft, Google và Facebook về vấn đề nhân sự. Theo ước tính, khoảng một nửa trong số 280.000 nhân lực công nghệ cao của nước này đang làm việc cho các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, các công ty cũng phàn nàn về sự phiền hà trong thủ tục khi tuyển dụng nhân viên có chất lượng từ các nước khác và ít nhất 14 công ty đã hợp lực để vận động hành lang nhằm cải thiện tình trạng này. Chính phủ Israel, vốn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghệ, nói rằng đang tiến hành những bước cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp cả về pháp chế lẫn tài chính.