Huawei, ZTE đang gặp nguy cơ gì ở Việt Nam?

12/10/2012 09:56 AM | Kinh doanh

Giá cực rẻ là nguyên nhân khiến cho các bộ hòa mạng Alo,SUMO, USB 3G của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường bình dân.

Trước khi 2 nhà cung cấp Trung Quốc tấn công mạnh vào thị trường Việt Nam, hệ thống tổng đài, mạng lõi, trạm thu phát sóng của các mạng lớn như MobiFone, VinaPhone… đều thuộc về các nhà cung cấp châu Âu và Mỹ như Ericsson, Alcatel, Nokia-Siemens… Trong số này, Ericsson là nhà cung cấp lớn nhất.

Kể từ khi Huawei và ZTE xâm nhập thị trường, vị trí của “ông vua” cung cấp thiết bị cho các mạng di động Việt Nam (Ericsson) bị đe dọa nghiêm trọng. Trong “trận chiến” cung cấp thiết bị tại một mạng di động lớn cách đây vài năm, Huawei đã khiến cho giá bán trạm BTS giảm tới hơn 50% so với mức thấp nhất trước đó, và giảm tới gần 10 lần so với mức cao nhất, tạo ra một mức đáy kỷ lục trên thế giới về giá, đại diện một nhà mạng lớn tiết lộ.

Khi làn sóng các loại điện thoại, USB giá rẻ do nhà mạng phân phối bùng lên, những thiết bị của Huawei, ZTE chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng ở các bộ SUMO, Alo… Giá cực rẻ là nguyên nhân khiến cho các bộ hòa mạng Alo,SUMO, USB 3G của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường bình dân.

Sau thương vụ này, Ericsson đã mất thị phần rất lớn về tay các đối thủ Trung Quốc. ZTE sau đó cũng “theo chân” Huawei, cung cấp thiết bị ở một khung giá rất thấp. Chưa hết, nhiều mạng di động khác cũng bắt đầu để ý tới 2 nhà cung cấp Trung Quốc và tăng mua sản phẩm của họ. Đặc biệt, Vietnamobile còn ký một hợp đồng đặc biệt có giá trị hàng trăm triệu USD với Huawei.

Tiếp đó, VinaPhone, MobiFone cũng bắt đầu giảm bớt việc mua thiết bị từ Ericsson, bởi giá của các nhà cung cấp Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều. Ngoại trừ các vùng đã lắp đặt thiết bị của Ericsson hoặc Alcatel, những vùng phủ sóng mới hoặc tổng đài mới đều được các nhà mạng đàm phán quyết liệt với các nhà cung cấp châu Âu, Mỹ.

Điện thoại Alo của VinaPhone được cung cấp bởi ZTE.

Tuy nhiên, trước khi các scandal về nghi án đe dọa an ninh do sử dụng thiết bị viễn thông của Trung Quốc bùng lên ở Úc, Mỹ, Canada, Ấn Độ, xu hướng sử dụng các thiết bị giá rẻ của Trung Quốc tại Việt Nam đã bắt đầu có sự thay đổi.

Lãnh đạo một nhà mạng lớn tại Việt Nam chia sẻ: “Việc cài đặt các phần mềm trong thiết bị viễn thông để nghe trộm hoặc ăn cắp thông tin dù chưa có bằng chứng nhưng cũng khó có thể nói là không có. Chính vì thế, việc có các biện pháp đề phòng là cần thiết”.

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty viễn thông từng làm tại Viettel và VNPT cho biết: “Các sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm Trung Quốc thường đi kèm với những chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và bị tẩy chay không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vì thế, việc các thiết bị viễn thông Trung Quốc có khả năng gắn các thiết bị gián điệp cũng không phải là không có khả năng. Bên cạnh đó, trong trận chiến chinh phục tình cảm của khách hàng, việc dùng nhiều thiết bị Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay sẽ gặp bất lợi”.

Trên thực tế, vài năm gần đây, Viettel là nhà mạng đi tiên phong trong việc thay thế các thiết bị giá rẻ nhập từ Trung Quốc bằng các sản phẩm trong nước tự sản xuất, mà khởi điểm là USB 3G. Bên cạnh đó, nhà mạng này cũng tự vận hành mọi quy trình cung cấp dịch vụ của mạng di động để kiểm soát sự an toàn hệ thống.

“Ngoài việc làm chủ hoàn toàn quá trình vận hành, chúng tôi có chủ trương duy trì nhiều nhà cung cấp thiết bị để tránh việc bị gây sức ép. Đó cũng là lý do dù bán thiết bị với giá rẻ, họ vẫn chưa gia tăng thị phần cung cấp tại Viettel. Chiến lược của chúng tôi là sẽ tiến tới tự chủ và sản xuất được cả các thiết bị khác chứ không chỉ những thứ đơn giản”, một lãnh đạo của nhà mạng này tiết lộ.

Những chiếc USB 3G do Viettel tự sản xuất. Ảnh: Internet.

Nguồn tin từ một nhà mạng lớn cho biết, dù chưa có những bằng chứng về việc sử dụng thiết bị của Huawei, ZTE sẽ ảnh hưởng đến bí mật riêng tư của khách hàng cũng như vấn đề an ninh, nhưng phản ứng đối với các sản phẩm thiết bị của Trung Quốc là điều cần tính tới. “Đây cũng là lý do khiến việc chào bán các thiết bị của 2 hãng này trong thời gian tới gặp thêm khó khăn”, ông này nói.

Năm 2011, ZTE chọn một công ty tại TP.HCM (Vũ Hoàng Hải) để phân phối độc quyền hơn 10 sản phẩm từ điện thoại giá thấp, điện thoại thông minh, USB 3G theo hình thức “phân lô”. Cụ thể, nếu hãng phân phối đạt đủ doanh số ZTE đề ra (ban đầu là 20 triệu USD, nhưng sau giảm xuống còn 15 triệu USD), hãng này sẽ chi cho Hoàng Hải một khoản chi phí nhất định cho việc tiếp thị, bán hàng.


Với Huawei, ban đầu họ chủ yếu cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho các nhà mạng nhưViettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile. Từ năm 2009 đến năm 2011, hãng này chuyển sang gia công điện thoại và USB 3G cho các mạng di động. Các hãng phân phối nếu muốn mua sản phẩm của Huawei phải nhập từ Vũ Hoàng Hải hoặc đặt trực tiếp từ Huawei. Hiện trên thị trường có khoảng 15 sản phẩm di động của Huawei.


(Thông tin đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 14/8/2012)


Tính đến hết tháng 6/2009, ZTE đã phát hành hơn 5 triệu bộ thiết bị đầu cuối trên thị trường Việt Nam, trong đó nửa đầu năm 2009 đã phát hành 2 triệu bộ, chiếm hơn 10% thị phần, cung cấp cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam những giải pháp thiết bị đầu cuối tối ưu nhất.


(Theo Xã Hội Thông Tin)


Trong năm 2009, Huawei đã bán được hơn 2,5 triệu điện thoại di động chỉ riêng tại thị trường Việt Nam thông qua các nhà mạng, đạt doanh thu 500 triệu USD.


Theo THÀNH DUY - HOÀNG LY

Zing/Infonet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM