Hàng ăn 'dội bom' tin nhắn rác câu khách
Chiêu kéo khách cho thời kỳ buôn bán ế ẩm.
Hết phát tờ rơi tràn lan, rồi lại treo băng rôn quảng cáo rầm rộ… nhưng không mấy hiệu quả, các cửa hàng kinh doanh, quán ăn lại tiếp tục tung chiêu “dội bom” tin nhắn rác quảng cáo để kéo khách cho thời kỳ buôn bán ế ẩm.
Cửa hàng, quán ăn… bắn tin nhắn rác
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là kết thúc năm 2012, thời điểm này được cho là mùa làm ăn của thị trường từ hàng hóa đến dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, trong giai đoạn ế ẩm, giới kinh doanh buộc phải tìm mọi cách để có thể tồn tại. Chiêu “dội bom” tin nhắn rác lại được tung ra.
Thời gian này, không ít người nhận được những tin nhắn dạng như: “Dem.vn khuyến mãi ngày vàng. Chăn long vũ cao cấp chỉ 969.000 đồng, chăn + đệm giảm 60%. Ngày 8 – 9/12 ở 177 Xã Đàn, 41 Nguyễn Phong Sắc, 234 Quang Trung…” hay “Có hàng thời trang đa phong cách mới về giảm giá tới 30%, đến shop… để chọn lựa những mẫu thời trang bạn yêu thích”.
Chị Ngọc Hương là nhân viên văn phòng tại khu vực Đống Đa (Hà Nội) phàn nàn, gần đây chị thường xuyên nhận được những tin nhắn rác mời chào mua sắm tại một số cửa hàng với mức giảm giá hấp dẫn.
“Từ trước đến giờ, mình chỉ để lại số điện thoại và địa chỉ email khi mua sắm tại một số siêu thị lớn để lấy thông tin về các đợt khuyến mãi. Nhưng thời gian này, liên tục nhận được tin nhắn quảng cáo của một số cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trên thị trường, có những cửa hàng mình chưa hề đến bao giờ nhưng họ vẫn có số nhắn cho mình thường xuyên”, chị Ngọc Hương bức xúc.
Không chỉ có chị Hương, anh Hải Thành, nhân viên của một công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin ở khu vực Cầu Giấy cũng than rằng những tin nhắn kiểu quảng cáo khuyến mãi hầu như ngày nào điện thoại của anh cũng nhận được.
Anh Hải Thành cho biết, mới đầu là bất động sản, rồi đến các cửa hàng kinh doanh… nay thì ngay cả nhà hàng, quán ăn cũng thi nhau “dội bom” tin nhắn quảng cáo.
Những tin nhắn quảng cáo kiểu “Lẩu nướng… chỉ còn 127 nghìn đồng/người buffet ăn thỏa mái. Khuyến mãi từ ngày 01 – 09/12/2012” thì hầu như ngày nào tôi cũng nhận được – anh Hải Thành nói.
Anh Hải Thành chia sẻ: “Tôi ít đi ăn nhà hàng hay quán xá, mà nếu đi thì cũng chỉ đến ăn rồi về, chẳng khi nào để lại số điện thoại hay địa chỉ liên lạc vậy mà họ vẫn có số của tôi. Thời gian này đủ các dịch vụ ăn uống, hàng hóa khuyến mãi gửi tin nhắn đến chào hàng”.
Phiền phức biết kêu ai?
Chị Ngọc Hương cho biết, mua sắm thường theo thói quen, đến những địa chỉ yêu thích, tin cậy chứ không chỉ dựa vào vài ba tin nhắn quảng cáo. Gửi tin nhắn kiểu ấy chỉ làm cho người nhận được bực mình thêm.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thùy, nhân viên phiên dịch cho một công ty nước ngoài ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng khá bức xúc khi bị tin nhắn rác làm phiền suốt ngày. Chị cho hay, trước kia các nhà mạng tung tin nhắn rác để quảng cáo nhạc chuông, nhạc chờ… mình đã không thích, thế mà giờ ngay cả những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ cũng làm phiền.
“Nhận được những tin nhắn rác kiểu đó, khi nhận được mình thường mở ra và xóa luôn chứ không bao giờ đọc kỹ và để lưu trong hộp thư đến. Mà giờ trên thị trường chỗ nào cũng có khuyến mãi, giảm giá, nếu thích mua sắm gì ra phố là có ngay chứ để ý mấy tin nhắn quảng cáo rồi lần mò theo địa chỉ để tìm đến làm gì cho mất việc”, chị Thùy nói.
Đa phần mọi người những người nhận được tin nhắn rác đều cảm thất khó chịu, bức xúc, không muốn bị làm phiền. Hầu như chẳng ai cho đó là một thông tin để tham khảo khi đi mua sắm hay sử dụng các dịch vụ như tin nhắn quảng cáo bởi họ cho rằng tin nhắn rác họ thường không mấy tin tưởng.
Anh Kế, quản lý nhà hàng trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy), cho biết bây giờ ngoài vấn đề về giá thì chất lượng món ăn, cung cách phục vụ được khách hàng chú ý hơn. Nếu mình làm tốt những điều đó tự giác khách hàng sẽ tìm đến nhà hàng mình chứ không phải nhắn tin quảng cáo khuyến mãi, giảm giá đến từng người một trong khi mình không biết là họ đã đến nhà hàng mình bao giờ chưa.
“Ăn uống thường theo thói quen và sở thích, nếu thấy hợp khẩu vị có đắt họ cũng tới và ngược lại chứ không cần phải nhắn tin quảng cáo rầm rộ như vậy, nhiều khi còn bị khách hàng cho là làm phiền”, anh chia sẻ.
Chị Hà chủ shop quần áo thời trang trên đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) thừa nhận rằng mình thường xuyên gửi tin nhắn cho khách hàng để quảng cáo mọi thông tin về shop thời trang. Tuy nhiên, chị cho biết, shop của chị chỉ gửi cho những khách hàng thân thiết, thường xuyên tới mua hàng.
“Mà khi mình hỏi xin số điện thoại thì mình đã nói rõ nếu shop có hàng mới về sẽ gửi tin nhắn, họ đồng ý lần sau mình mới gửi chứ không gửi tràn lan cho tất cả khách hàng mình không biết bởi như thế vừa mất công lại không hiệu quả. Người nhận được cũng thấy bị làm phiền”, chị cho hay.
Theo Bảo Hân
Vef