Gtel “dùng” hạ tầng của VNPT: Chưa có tiền lệ
Việc roaming với VNPT của Gtel nhiều khả năng sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2013...
Theo nguồn tin của VnEconomy, Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (Gtel Mobile - đơn vị sở hữu mạng Gmobile) đã ký thỏa thuận nguyên tắc roaming với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Trước đó, một lãnh đạo Gtel Mobile cho biết một trong những hoạt động quan trọng nhất của Gmobile trong năm 2013 là tiếp tục thực hiện chủ trương tái cấu trúc thị trường viễn thông của Chính phủ, và trọng tâm thứ hai, là sớm hoàn tất triển khai roaming với VNPT theo chỉ đạo của Chính phủ.
Việc roaming với VNPT của Gtel nhiều khả năng sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2013. Kế hoạch triển khai, có lẽ chỉ còn chờ những thỏa thuận, ký kết điều khoản cụ thể giữa hai bên.
Tiền lệ
Thuật ngữ roaming (dịch vụ cho phép điện thoại di động “dùng nhờ” sóng của nhà mạng khác) ở Việt Nam lâu nay được nhắc nhiều đến việc các mạng di động lớn trong nước thực hiện roaming với các mạng di động quốc tế, chủ yếu để đáp ứng cho hai dịch vụ cơ bản gồm thoại (cuộc gọi) và tin nhắn (SMS) khi thuê bao đi nước ngoài. Trong nước, việc roaming giữa các mạng với nhau mới chỉ diễn ra ở hai thành viên “gia đình VNPT” là VinaPhone và MobiFone.
Trước khi có thỏa thuận nguyên tắc nói trên giữa Gtel và VNPT, từ trước tới nay chưa có một mạng nhỏ nào lại được roaming với mạng lớn, mặc dù nhu cầu này luôn cấp thiết với mạng nhỏ, mạng mới gia nhập thị trường. Trước đây, thời Viettel còn “bé”, nhà mạng này từng mong muốn được roaming với VNPT nhưng cũng không được.
Cách đây khoảng 2-3 năm, EVN Telecom (nay đã được điều chuyển sáp nhập vào Viettel) cũng vài ba lần đề nghị Viettel, VinaPhone và MobiFone được roamming tại các điểm sóng của EVN Telecom chưa phủ tới, nhưng cả ba “ông lớn” đều lắc đầu.
Phó giám đốc một nhà mạng lớn giải thích, các nhà mạng phải đổ số vốn rất lớn xây dựng hạ tầng rộng khắp để đáp ứng cho nhu cầu phát triển thuê bao, chất lượng cuộc gọi - và đây là lợi thế cạnh tranh có tính quyết định của doanh nghiệp. “Vì thế, chả tội gì lại đi xây nhà cho ông khác đến ở”, vị này ví von.
Một lý do khác, theo ông, nếu cho các nhà mạng nhỏ roaming, nhà mạng lớn sẽ chịu phần thiệt nhiều hơn, vì giá bán buôn (cho mạng nhỏ) bao giờ cũng rẻ hơn giá bán lẻ (giá bán dịch vụ của mạng lớn cho người tiêu dùng), nên có thể bên mạng được roaming sẽ bán rẻ hơn giá dịch vụ của mạng lớn để cạnh tranh lại.
Vị phó giám đốc này cho biết, thông thường ở các nước trên thế giới, việc nhà mạng này sử dụng hạ tầng của nhà mạng khác để kinh doanh dịch vụ viễn thông mới chỉ xảy ra với các mạng di động “ảo” (kiểu như Đông Dương Telecom trước đây tại Việt Nam). Tuy nhiên, điều này cũng chưa phố biến.
Trở lại câu chuyện của Gmobile, nếu thực hiện roaming thành công với VNPT, cũng có nghĩa là việc dùng chung cơ sở hạ tầng đã thực sự “mở cửa” và hạ tầng mạng lưới, tài nguyên quốc gia bước đầu được tối ưu hóa, trong bối cảnh cả VNPT và Gtel đều được quy hoạch là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông và nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trong nhiệm kỳ của mình đã không biết bao nhiêu lần thúc giục các nhà mạng sử dụng chung hạ tầng của nhau để tránh lãng phí tài nguyên, tài sản quốc gia, nâng cao hiệu quả, hiệu suất đầu tư, làm đẹp mỹ quan đô thị… Tuy nhiên, khi về hưu, ông Hợp tâm sự, “đó là việc dang dở mà ông chưa làm được”.
Cơ hội “tạm thời”
Hạn chế lớn nhất của Gmobile hiện nay là băng tần và hạ tầng mạng lưới, đặc biệt là độ phủ sóng của trạm BTS còn quá ít. Theo nhà mạng, tài nguyên tần số chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến Gmobile khó mở rộng đầu tư.
“Hiện Gmobile chỉ có băng tần 1.800MHz, các mạng lớn có đủ băng tần 900 MHz, 1.800 MHz và băng tần 3G. Đây là điểm cực kỳ bất lợi của Gmobile so với các nhà khai thác khác”, Tổng giám đốc Gtel Nguyễn Văn Dư cho biết. Cho nên khi thực hiện roaming với VNPT, “tiểu gia” Gmobile chắc chắn sẽ có lợi thế lớn để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, phát triển thuê bao.
Theo ông Dư, sau khi chính thức roaming với VNPT, Gtel sẽ dồn lực khai thác. Gtel hiện có ba trung tâm vùng là Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM, tuy nhiên, trong năm 2013, Gtel dự kiến sẽ phát triển chi nhánh ở tất cả các tỉnh thành, đồng thời sẽ tăng thêm nhân lực. Mạng này đặt mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ có được 6 triệu thuê bao.
“Roaming chỉ là một giai đoạn quá độ, một giải pháp để Gmobile tiếp tục duy trì, khắc phục điểm yếu nhất của mình là không có sóng. Tuy nhiên, để phát triển đột phá thì Gmobile không thể dựa vào cách như thế được, bởi cuối cùng roaming chỉ là thỏa thuận thương mại giữa hai bên và hai bên cùng có lợi”, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dư nói.
Để tự đứng vững về lâu dài, theo ông Dư, “Gmobile phải có băng tần, tài nguyên tần số đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Gmobile vẫn phải tiếp tục báo cáo Chính phủ và các cấp thẩm quyền để có thể phân chia lại băng tần hợp lý, đảm bảo tài nguyên quốc gia”.
Trước đó, một lãnh đạo Gtel Mobile cho biết một trong những hoạt động quan trọng nhất của Gmobile trong năm 2013 là tiếp tục thực hiện chủ trương tái cấu trúc thị trường viễn thông của Chính phủ, và trọng tâm thứ hai, là sớm hoàn tất triển khai roaming với VNPT theo chỉ đạo của Chính phủ.
Việc roaming với VNPT của Gtel nhiều khả năng sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2013. Kế hoạch triển khai, có lẽ chỉ còn chờ những thỏa thuận, ký kết điều khoản cụ thể giữa hai bên.
Tiền lệ
Thuật ngữ roaming (dịch vụ cho phép điện thoại di động “dùng nhờ” sóng của nhà mạng khác) ở Việt Nam lâu nay được nhắc nhiều đến việc các mạng di động lớn trong nước thực hiện roaming với các mạng di động quốc tế, chủ yếu để đáp ứng cho hai dịch vụ cơ bản gồm thoại (cuộc gọi) và tin nhắn (SMS) khi thuê bao đi nước ngoài. Trong nước, việc roaming giữa các mạng với nhau mới chỉ diễn ra ở hai thành viên “gia đình VNPT” là VinaPhone và MobiFone.
Trước khi có thỏa thuận nguyên tắc nói trên giữa Gtel và VNPT, từ trước tới nay chưa có một mạng nhỏ nào lại được roaming với mạng lớn, mặc dù nhu cầu này luôn cấp thiết với mạng nhỏ, mạng mới gia nhập thị trường. Trước đây, thời Viettel còn “bé”, nhà mạng này từng mong muốn được roaming với VNPT nhưng cũng không được.
Cách đây khoảng 2-3 năm, EVN Telecom (nay đã được điều chuyển sáp nhập vào Viettel) cũng vài ba lần đề nghị Viettel, VinaPhone và MobiFone được roamming tại các điểm sóng của EVN Telecom chưa phủ tới, nhưng cả ba “ông lớn” đều lắc đầu.
Phó giám đốc một nhà mạng lớn giải thích, các nhà mạng phải đổ số vốn rất lớn xây dựng hạ tầng rộng khắp để đáp ứng cho nhu cầu phát triển thuê bao, chất lượng cuộc gọi - và đây là lợi thế cạnh tranh có tính quyết định của doanh nghiệp. “Vì thế, chả tội gì lại đi xây nhà cho ông khác đến ở”, vị này ví von.
Một lý do khác, theo ông, nếu cho các nhà mạng nhỏ roaming, nhà mạng lớn sẽ chịu phần thiệt nhiều hơn, vì giá bán buôn (cho mạng nhỏ) bao giờ cũng rẻ hơn giá bán lẻ (giá bán dịch vụ của mạng lớn cho người tiêu dùng), nên có thể bên mạng được roaming sẽ bán rẻ hơn giá dịch vụ của mạng lớn để cạnh tranh lại.
Vị phó giám đốc này cho biết, thông thường ở các nước trên thế giới, việc nhà mạng này sử dụng hạ tầng của nhà mạng khác để kinh doanh dịch vụ viễn thông mới chỉ xảy ra với các mạng di động “ảo” (kiểu như Đông Dương Telecom trước đây tại Việt Nam). Tuy nhiên, điều này cũng chưa phố biến.
Trở lại câu chuyện của Gmobile, nếu thực hiện roaming thành công với VNPT, cũng có nghĩa là việc dùng chung cơ sở hạ tầng đã thực sự “mở cửa” và hạ tầng mạng lưới, tài nguyên quốc gia bước đầu được tối ưu hóa, trong bối cảnh cả VNPT và Gtel đều được quy hoạch là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông và nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trong nhiệm kỳ của mình đã không biết bao nhiêu lần thúc giục các nhà mạng sử dụng chung hạ tầng của nhau để tránh lãng phí tài nguyên, tài sản quốc gia, nâng cao hiệu quả, hiệu suất đầu tư, làm đẹp mỹ quan đô thị… Tuy nhiên, khi về hưu, ông Hợp tâm sự, “đó là việc dang dở mà ông chưa làm được”.
Cơ hội “tạm thời”
Hạn chế lớn nhất của Gmobile hiện nay là băng tần và hạ tầng mạng lưới, đặc biệt là độ phủ sóng của trạm BTS còn quá ít. Theo nhà mạng, tài nguyên tần số chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến Gmobile khó mở rộng đầu tư.
“Hiện Gmobile chỉ có băng tần 1.800MHz, các mạng lớn có đủ băng tần 900 MHz, 1.800 MHz và băng tần 3G. Đây là điểm cực kỳ bất lợi của Gmobile so với các nhà khai thác khác”, Tổng giám đốc Gtel Nguyễn Văn Dư cho biết. Cho nên khi thực hiện roaming với VNPT, “tiểu gia” Gmobile chắc chắn sẽ có lợi thế lớn để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, phát triển thuê bao.
Theo ông Dư, sau khi chính thức roaming với VNPT, Gtel sẽ dồn lực khai thác. Gtel hiện có ba trung tâm vùng là Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM, tuy nhiên, trong năm 2013, Gtel dự kiến sẽ phát triển chi nhánh ở tất cả các tỉnh thành, đồng thời sẽ tăng thêm nhân lực. Mạng này đặt mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ có được 6 triệu thuê bao.
“Roaming chỉ là một giai đoạn quá độ, một giải pháp để Gmobile tiếp tục duy trì, khắc phục điểm yếu nhất của mình là không có sóng. Tuy nhiên, để phát triển đột phá thì Gmobile không thể dựa vào cách như thế được, bởi cuối cùng roaming chỉ là thỏa thuận thương mại giữa hai bên và hai bên cùng có lợi”, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dư nói.
Để tự đứng vững về lâu dài, theo ông Dư, “Gmobile phải có băng tần, tài nguyên tần số đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Gmobile vẫn phải tiếp tục báo cáo Chính phủ và các cấp thẩm quyền để có thể phân chia lại băng tần hợp lý, đảm bảo tài nguyên quốc gia”.
Theo Mạnh Chung
Vneconomy