Gói 30.000 tỷ thất bại, đề xuất gói 50.000 tỷ?

01/02/2015 08:33 AM | Kinh doanh

Ngân hàng Nhà nước đã trình chính phủ về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ phân khúc nhà ở thương mại.

Nội dung nổi bật:

- Gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ bất động sản được triển khai rất chậm, người dân và doanh nghiệp rất khó tiếp cận gói tín dụng này.

- Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ thêm gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ phân khúc nhà ở thương mại, thay vì nhà ở xã hội như gói 30.000 tỷ đồng trước đó


Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết tại Hội thảo Khoa học quốc gia - Kinh doanh bất động sản cơ hội và thách thức trong đà hồi phục của thị trường tổ chức ngày 30/01 tại TP.HCM.

Theo đó, lãi suất cho vay sẽ là  7%/năm kéo dài trong suốt 10 năm. Lãi suất những năm sau đó thả nổi theo lãi suất ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, đối với gói 30.000 tỷ đồng, ông Nam cũng cho biết là tính đến 15/1, số hợp đồng đã ký đạt giá trị 10.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng giá trị gói hỗ trợ này. Trong đó, khoảng 6.000 tỷ là dành cho người mua nhà (12.000 hộ gia đình). Được biết, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng có thời hạn giải ngân đến hết ngày 1/6/2016.

Dù vậy, theo ý kiến của nhiều người dân và doanh nghiệp, gói tín dụng 30.000 tỷ được triển khai rất chậm, người dân và doanh nghiệp rất khó tiếp cận gói tín dụng này. Tại TP.HCM, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thì đến ngày 31/10/2014, các ngân hàng đã ký hạn mức tín dụng 1.470,93 tỷ đồng cho 1.513 khách hàng trong đó đã giải ngân 658 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp và 393,83 tỷ đồng cho 1.444 cá nhân.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng đã thất bại thảm hại, không thể cứu được thị trường bất động sản. Ông thống kê: "Ở TP.HCM chỉ có khoảng 40-50 dự án hoạt động sôi nổi, còn lại 700 dự án vẫn chìm trong khó khăn. Như vậy, chưa đến 10% dự án hoạt động, hơn 90% còn lại không bán được vẫn tiếp tục nằm chết".

Còn theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam, 30.000 tỷ đồng đưa vào thực hiện chính sách nhà ở xã hội sai lầm, chính sách nhà ở xã hội cần nhưng không thể cứu nguy được nền kinh tế. 

Ông Liêm từng đề xuất, Chính phủ và Bộ Xây dựng phải lấy phát triển nhà ở phổ cập làm trọng tâm và 30.000 tỷ đồng để thúc đẩy cho thị trường sản xuất nhà ở phổ cập. Theo ông Liêm, nhà ở phổ cập là nhà cho người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận với giá phải trả hàng tháng chiếm 30% tổng thu nhập.

Nhà ở phổ cập cho tầng lớp thu nhập trung bình ở Hà Nội, với mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm, có khả năng mua nhà với giá 500-600 triệu đồng diện tích 50-60m2, tương đương 10 triệu/m2.

“Nếu thúc đẩy loại nhà này, người có 500-600 triệu có rất nhiều và là nhà thương mại, không phải xét, ai muốn mua thì mua. Thúc đẩy điều này sẽ có cầu. còn hiện tại giá nhà quá cao, nếu giảm còn 10-12 triệu đồng cũng không ai mua vì nhà ở ngoài thành phố, quá xa khu trung tâm, tiền xăng xe để đi làm hàng ngày quá nhiều, có nhà giá rẻ cũng không mua”, ông Liêm nói.

>> Tồn kho bất động sản giảm tới 40%

Theo An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM