“Gieo quẻ” FED tăng lãi suất và khuyến nghị với Việt Nam

27/11/2015 20:28 PM | Kinh doanh

Một bản báo cáo đánh giá khả năng tăng lãi suất của FED trong tháng 12/2015 vừa được công bố...

Khả năng tăng lãi suất cơ bản đồng bạc xanh đang khiến cả giới tài chính thế giới nín thở chờ đợi, ít nhất đến phiên họp tháng 12 tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Ba yếu tố

Một bản báo cáo đánh giá khả năng tăng lãi suất của FED trong tháng 12/2015 vừa được nhóm nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố.

Trong báo cáo này, điểm đầu tiên mà nhóm nghiên cứu tập trung phân tích là 3 yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng đến quyết định điều chỉnh lãi suất của FED.

Trước hết, thị trường việc làm tại Mỹ đã và đang cho thấy sự cải thiện rõ nét ở trên cả hai khía cạnh: số lượng việc làm được tạo mới và tỷ lệ thất nghiệp.

Số lượng việc làm mới tại Mỹ trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt bình quân 205 nghìn/tháng, tăng 56% so với giai đoạn 2003-2007. Tháng 10/2015, số việc làm mới bất ngờ đạt con số 271 nghìn, tăng gần gấp đôi so với tháng trước đó.

Với tỷ lệ thất nghiệp, sau khi chạm mức 10,2% vào tháng 12/2009, tỷ lệ thất nghiệp liên tục đi xuống, và hiện đang ở mức 5%, xấp xỉ mức bình quân của giai đoạn trước khủng hoảng 2003-2007.

Yếu tố thứ hai là lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ nhìn chung vẫn duy trì ở mặt bằng thấp, nhưng đã có dấu hiệu nhích lên trong năm 2015. Tháng 10, lạm phát tăng 0,2% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lạm phát lõi của Mỹ (loại bỏ các mặt hàng năng lượng và lương thực) đã lấy lại đà tăng từ cuối năm 2010, và chủ yếu đi ngang trong biên độ 1,5% - 2%.

Yếu tố thứ ba là thị trường quốc tế. Nhóm nghiên cứu BIDV cho rằng, môi trường quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, quá trình phục hồi đan xen rủi ro, nhưng hai tháng gần đây đã có phần ổn định so với quý3/2015.

Trong đó, những diễn biến của kinh tế Trung Quốc luôn được để mắt tới trong các quyết định của FED. GDP Trung Quốc trong quý 3/2015 chỉ tăng 6,9%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua; tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu chậm lại, khi tháng 10/2015, kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc giảm 6,3%, kim ngạch nhập khẩu giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Bởi vậy, lần thứ 6 liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, khi hạ lãi suất tiền vay 1 năm thêm 0,25%, xuống còn 4,35%; và lần thứ tư liên tiếp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, xuống mức 17,5% vào cuối tháng 10 vừa qua.

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc sau khi giảm 70% từ các tháng 6 - 9/2015, đã phục hồi trở lại khoảng 16 - 20% trong hai tháng qua, với mức 3.500 - 3.600 điểm.

Xu hướng rút vốn đầu tư gián tiếp khỏi Trung Quốc đang dần chậm lại, từ mức kỷ lục 94,5 tỷ USD trong quý 1/2015, xuống còn 76,6 tỷ USD trong quý 2/2015, và 6,3 tỷ USD trong quý 3/2015.

Tuy nhiên, khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ mới lấy lại đà phục hồi mờ nhạt. GDP khu vực này chỉ cải thiện từ quý 2/2014 và đạt 1,6% trong quý 3/2015, được cho là mức cao nhất kể từ 2011. Do lạm phát quá thấp, cách xa mục tiêu 2% trong khi tháng 10/2015 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ, nên không loại trừ khả năng khu vực này nới lỏng tiền tệ hơn nữa vào phiên họp tháng 12 tới đây.

Ở Nhật, một cuộc suy thoái đang tràn vào nước này. Trong quý 2 và 3/2015, Nhật tăng trưởng âm liên tiếp với mức -0,2%; lạm phát chỉ tăng nhẹ 0,1% so với tháng 8 và 0% so cùng kỳ năm trước.

Ba kịch bản

Nhóm nghiên cứu BIDV đã đưa ra 3 kịch bản về khả năng FED tăng lãi suất vào tháng 12 tới.

Đầu tiên là kịch bản cơ sở, được dự báo với xác suất 50%: FED thực hiện nâng lãi suất 0,25% trong kỳ họp tháng 12/2015; đồng thời giữ nguyên/giảm nhẹ dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9/2015 (khoảng 0,25%) và có thể tăng thêm 0,75% năm 2016.

Theo kịch bản này, việc làm và lạm phát là hai vấn đề quyết định FED nâng lãi suất hay không. Về tổng thể, tỷ lệ lạm của Mỹ đang cách xa mục tiêu 2%, nhưng lạm phát cơ bản đang xoay quanh khoảng 1,5% - 2%, kết hợp với diễn biến tích cực của thị trường việc làm, thì rõ ràng FED có những lý do phù hợp để đưa ra quyết định nâng lãi suất.

Kịch bản thứ hai mà nhóm đưa ra, với dự báo xác suất 35%: FED nâng lãi suất 0,25% trong kỳ họp tháng 12/2015; đồng thời, giảm mạnh dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9/2015 (khoảng 0,5%); có thể tăng thêm 0,5% năm 2016.

Và kịch bản thứ ba, xác suất khoảng 15% là FED trì hoãn quyết định nâng lãi suất sang đầu năm 2016; đồng thời giảm mạnh dự báo lãi suất cho các năm tiếp theo so với kỳ họp tháng 9/2015 (khoảng 0,5%); có thể tăng 0,5% năm 2016.

Từ những đoán định này, nhóm nghiên cứu cho rằng, kể cả khi FED tăng lãi suất nhưng với mức tăng nhẹ, sẽ không tác động đáng kể đến Việt Nam trong ngắn hạn. Nhưng cần lưu ý, thị trường ngoại hối Việt Nam sau một thời gian tích tụ, đang chuyển sang giai đoạn giằng co, kháng cự, chứa đựng nhiều rủi ro đảo chiều và diễn biến này sẽ kéo dài trong năm 2016.

Hai đề xuất

Trên cơ sở đó, nhóm đưa ra hai đề xuất: trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng kịch bản thị trường và giải pháp ứng xử cho năm 2016 cùng các thông điệp điều hành về lãi suất, tỷ giá trong năm tới.

Đồng thời, Bộ Tài chính nên nghiên cứu phát hành sớm trái phiếu quốc tế vào đầu 2016, tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi với chi phí vốn hợp lý.

Đối với trung, dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cần tích cực đẩy mạnh chống đô la hoá, hạn chế tiêu cực từ các biến động thị trường quốc tế; nghiên cứu, xem xét đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn.

Với Bộ Tài chính, cần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường vốn nội địa để nâng cao khả năng huy động vốn trong nước, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động bên ngoài.

Cùng chuyên mục
XEM