Garena đang "soán ngôi" VNG trên thị trường game như thế nào?

08/08/2014 15:24 PM | Kinh doanh

VNG (tên cũ là Vinagame), một “ông lớn” trong làng game Việt Nam đã phải đón nhận cú sốc lớn: sau nhiều năm liền đạt được lợi nhuận ấn tượng, lợi nhuận năm 2013 bất ngờ giảm tới 75% so với năm 2012.

Mặc dù VNG vẫn đang chiếm thị phần game lớn nhất, nhưng thời hoàng kim đang lùi xa dần. Điều này đã xảy ra như thế nào?

Những năm trước đây, đối với bất kỳ game thủ Việt nào, đặc biệt là những người hâm mộ game online Việt Nam chắc chắn không xa lạ gì với cái tên VinaGame, những sản phẩm như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế hay Boom Online trong quá khứ đã từng khiến không ít những thế hệ game thủ Việt say mê. Nhờ đó, Vinagame đã gặt hái thành công với doanh số hàng nghìn tỷ, lợi nhuận trước thuế từ 500 tới nghìn tỷ trong suốt giai đoạn từ 2010-2012.

Thế nhưng hơn một năm trở lại đây, cuộc chơi đang biến đổi. Trào lưu mới, nhà phát hành mới đã tấn công mạnh mẽ vào “con gà đẻ trứng vàng” của VNG và lấy đi phần lớn lợi nhuận.

Trong số những nhà phát hành cạnh tranh mạnh mẽ nhất với VNG, thì đặc biệt phải kể tới Garena, nhà phát hành trong vài năm qua đã có những bước nhảy vọt để trở thành cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực phòng máy, thể thao điện tử (eSport) với tựa game MOBA Liên Minh Huyền Thoại và game bóng đá FIFA ONLINE 3. Garena chính là đối thủ lớn nhất của VNG.

Theo một số thống kê từ giới làm game, doanh thu của Garena trong năm 2013 đạt trung bình khoảng 30 ~ 35 tỷ đồng/tháng, vượt qua VTC Game vươn lên đứng thứ 2 toàn thị trường. Thành quả này phần lớn là nhờ chiến thắng trong cuộc chiến phòng máy với VNG, dẫn đầu mảng eSports cộng với những chiến lược đúng đắn trong khâu vận hành sản phẩm.

Từ cuộc chiến phòng máy…

Một trong những phân khúc cực kỳ quan trọng của làng game Việt đó chính là những phòng máy chơi game có kết nối internet.

Đầu tiên phải kể tới quá khứ của CSM - phần mềm quản lý phòng máy do VNG phát hành miễn phí cho các chủ tiệm internet tại Việt Nam. Kể từ khi tham gia vào thị trường game online tại nước ta, VNG đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần phòng máy nhờ vào bộ phần mềm này.

Vào thời điểm đó, số lượng game thủ thưởng thức game do VNG phát hành tại các quán internet là rất lớn (ví dụ như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế...), chính vì thế CSM cũng có được điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển.

Tuy nhiên trong năm 2013, Gcafe, phần mềm quản lý phòng máy do Garena tung ra đã có được sự vươn lên cực kỳ mạnh mẽ chiếm lấy thị phần này của VNG, đồng thời tấn công vào những quán internet mới mọc lên mà VNG chưa kịp khai thác.

Garena bước đầu xây dựng cộng đồng khách hàng tiềm năng và uy tín trước, thông qua phần mềm mạng LAN ảo GGClient phục vụ cho đông đảo người chơi DotA và Age of Empires (Đế Chế).

Tới năm 2012, hãng bắt đầu đưa League of Legends về Việt Nam với tên Liên Minh Huyền Thoại (LMHT). Thời điểm này thì phong trào chơi MOBA phát triển mạnh, với chiến lược quảng bá cực lớn, rộng khắp tại khắp các phòng máy và phương tiện truyền thông nên LMHT nhanh chóng đạt lượng người chơi lớn.

Ngay sau khi LMHT thành công lớn, cùng với việc tung ra tựa game được đông đảo người chơi ưa thích là FIFA ONLINE 3, Garena bắt đầu phổ biến phần mềm quản lý phòng máy Gcafe kèm theo 1 chiến lược tiếp thị tốt tới các game thủ. Gcafe đã dần dần lấn át CSM của VNG.

Cần nhớ rằng, với sức hút của LMHT và FIFA ONLINE 3 thì các chủ phòng máy buộc lòng phải lựa chọn phần mềm quản lý GCafe thay vì CSM để giữ khách cũng như thu hút người chơi game đến với quán. Ấy là chưa kể, với những game thủ thưởng thức game do Garena phát hành tại các phòng máy này còn có được những phần thưởng giá trị, và nhờ đó người chơi lại kéo nhau tới những phòng máy này đông đảo và thường xuyên hơn.

Tận dụng sức hút của game mới và sự suy yếu của VNG, Garena đã “ra đòn” 1 cách mạnh mẽ, quyết liệt đưa Gcafe đánh bật CSM của VNG khỏi các phòng máy – 1 mảng thị trường rất quan trọng của VNG.

… cho đến eSports

Giới làm game cho biết, từ trước tới nay, mục tiêu đầu tư và phát triển của VNG hầu hết đều chỉ là những game online nhập vai hoặc casual, chứ tuyệt nhiên chưa đầu tư một cách thực sự nghiêm túc vào những game eSports (thể thao điện tử), ngoại trừ Củ Hành, tựa game MOBA lấy bối cảnh Tam quốc. Trong khi eSport đang trở thành 1 trào lưu phổ biến với các game thủ.

Ngay cả khi Củ Hành cũng đã nỗ lực với những giải đấu được tổ chức tại khắp 3 miền đất nước, nhưng nếu đem so sánh với Liên Minh Huyền Thoại của Garena, kể cả về doanh thu lẫn danh tiếng đều yếu ớt hơn hẳn. Garena dù mới chỉ phát hành các game online thuộc thể loại eSport tại Việt Nam, nhưng nhờ đầu tư mạnh mẽ và nghiêm túc đã có trong tay 2 sản phẩm hết sức thành công là LMHT và FIFA Online 3 với hệ thống giải đấu phong phú và cộng đồng người chơi đông đảo.

Cho đến thời điểm hiện tại Liên Minh Huyền Thoại đang là tựa game online có doanh thu “khủng” nhất tại làng game Việt. Tựa game MOBA đến từ nước Mỹ này hiện đang sở hữu số lượng người chơi rất lớn tại Việt Nam. Theo ước tính, hiện tại chỉ tính riêng tại thị trường trong nước, doanh thu của Liên Minh

Huyền Thoại rơi vào khoảng 21 tỷ đồng /1 tháng. Một vài nguồn tin còn nói rằng, con số này mới chỉ là doanh thu đến từ việc mua các vật phẩm, skin, tướng mới trong game của một tháng!

Có thể nói hiện tại Garena đang là lá cờ đầu ở mảng eSport, theo sau là đối thủ VTC Game (với Đột Kích, Warface). Còn VNG: đã chậm chân với eSports.

Mối nguy với ông lớn VNG

Mặc dù đã và đang giành được thị phần từ VNG trong hai mảng thể thao điện tử và các phòng máy, thế nhưng ở thời điểm hiện tại, xét một cách toàn diện thì Garena chưa phải là đối thủ của VNG trong mảng game nhập vai (MMORPG, Webgame RPG) và các mảng game khác như Webgame chiến thuật. Hiện tại thì Game nhập vai vẫn đem về nhiều doanh thu nhất cho VNG nói riêng và thị trường game nói chung.

Tuy nhiên với tập khách hàng rất lớn, đa phần lại là giới trẻ do sức lan tỏa của LMHT (từ trẻ cấp 1 cấp 2 cho tới người đã đi làm đều thưởng thức) cộng với thị phần phần mềm phòng máy của GCafe lấn át CSM thì Garena hoàn toàn có thể nhảy vào mảng game nhập vai và đạt thành công không quá vất vả. 1 công thức đơn giản là đổ tiền truyền thông mạnh, quảng bá bằng banner trên khắp hệ thống GCafe và quảng cáo hẳn trong LMHT và FIFA Online 3.

Hiện tại danh tiếng của Garena đang lên cao, cộng thêm những lợi thế về tài chính, Garena dễ dàng thu hút nhân sự có khả năng và kinh nghiệm về làm việc, thì việc lấn sân trực tiếp vào những mảng mà VNG đang mạnh hoàn toàn là điều khả thi.

Nếu không có sách lược xoay chuyển đúng đắn, thì mảng game, vốn đang là con gà đẻ trứng vàng của VNG sẽ tiếp tục lao dốc, khiến cho các mảng khác của VNG đang đầu tư mạnh tay như Zing, Zalo cũng bị ảnh hưởng theo. Lưu ý rằng dòng tiền của những mảng ngoài game này hiện chưa có, hoặc còn rất  khiêm tốn.

Dĩ nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành game Việt, VNG sẽ không dễ dàng để các đối thủ đè bẹp một sớm một chiều. Thế nhưng nguy cơ đang hiển hiện ngày một rõ ràng. Hãy chờ xem ông lớn VNG sẽ phản công như thế nào.

>> VNG: Vẫn đứng đầu thị trường game online nhưng lợi nhuận giảm tới 75%

Phong Vân

duchai

Cùng chuyên mục
XEM