Founder Haivl: Gọi đầu tư như đi tán gái, muốn tán được gái xinh phải có "chất" riêng

07/03/2016 16:09 PM | Kinh doanh

Hơn bất cứ điều gì, nguồn vốn là điều quan trọng nhất đối với một Startup. Vậy làm cách nào để thuyết phục các nhà đầu tư rằng đây là một dự án kinh doanh vô cùng tiềm năng cần phải được tài trợ?

Đó là câu hỏi mà bất kỳ Startup nào cũng gặp phải khi bắt đầu khởi nghiệp.

Chia sẻ bí quyết gọi vốn thành công tại một cuộc gặp với cộng đồng khởi nghiệp mới đây ở Hà Nội, Fouder Haivl (Trang Web đã bị cấm hoạt động) Đỗ Anh Tú cho rằng, các Startup nên coi đó là chuyện đơn giản và tập trung mạnh vào sản phẩm của mình. Bởi nếu một sản phẩm tốt, có sức hấp dẫn trên thị trường thì ắt các nhà đầu tư sẽ tìm đến.

Để gần gũi hơn câu chuyện gọi vốn nhà đầu tư, Tú so sánh chuyện đầu tư giống như sự hấp dẫn về mặt giới tính.

Ví dụ một bạn muốn tán tỉnh, kết giao với một bạn nữ có nhiều người yêu quý. Nếu bạn nam cứ lao theo đám đông thì rất khó, mà phải tạo sự khác biệt, phải có cái gì đó tiềm năng riêng của mình như giỏi giang thì mới thu hút được cô gái đó chú ý.

"Đầu tư trong khởi nghiệp cũng vậy, nếu bạn có sự khác biệt về con người, có quyết tâm và sự say mê thì các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với bạn. Họ nhanh lắm, mình có gì hấp dẫn là họ tự tìm đến ngay chứ cũng không cần tìm đến", Đỗ Anh Tú nói.

Đứng trên góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam (IDGVV) cho rằng, khi lựa chọn một dự án để đầu tư, quỹ của ông thường áp dụng nguyên tắc 3P: People (Con người); Product (Sản phẩm) và Plan (Kế hoạch). Trong đó, con người là yếu tố quan trọng nhất.

"Khi đầu tư, chúng tôi quan tâm xem người doanh nhân đó có sự đam mê, ám ảnh gì và họ giải quyết được vấn đề gì cho chính mình", ông Trường nói.

Thực tế, theo ông Trường, trong hơn 1 thập kỷ qua, các công ty khởi nghiệp đã nhận được rất nhiều hỗ trợ, chứ không khó khăn như thế hệ Startup đầu tiên. Và có đến 90% các thương vụ rót vốn là do nhà đầu tư tự gõ cửa.

Để được nhà đầu tư gõ cửa, theo ông Trường, có 2 điều quan trọng nhất mà một Startup cần phải nắm được:

Thứ nhất, tránh sáng tạo lại bánh lái xe. Điều này có nghĩa là khi một Startup tham gia vào thị trường cần đưa ra các sản phẩm sáng tạo, chưa từng có, không nên lặp lại các mô hình thiếu tính mới. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn đúng với trên toàn thế giới.

Nếu như 10 năm trước, một số Startup có thể thành công khi sao chép lại một mô hình Startup đã thành công khác nhưng trong thời điểm hiện tại, nếu không có sự sáng tạo rất khó đạt được kết quả tốt.

Thứ hai, một Startup cần biết kết hợp mô hình kinh doanh điều mà mình đam mê vào tình hình thực tế.

Tuy nhiên, các quỹ thường đầu tư theo một portfolio (danh mục đầu tư), vì vậy việc có một vài thương vụ không thành công là chuyện khó tránh khỏi.

"Với các nhà đầu tư, thất bại lớn nhất chính là lựa chọn sai người để rót vốn. Nó cũng giống như các start-up chọn sai cofounder", ông Trường nhấn mạnh.

Chia phần trăm với nhà đầu tư như thế nào cho đúng?

Mỗi lần kêu gọi đầu tư, Startup sẽ phải chia bớt một phần cổ phần công ty cho người khác. Thực tế, trên thế giới, nhiều thương vụ áp dụng tỷ lệ 70-30, tức là start-up chiếm 70% cổ phần còn nhà đầu tư sở hữu 30% còn lại.

Không ít các Startup đau đầu về vấn đề này. Liệu rằng, càng được đầu tư nhiều, lượng cổ phần phải san sẻ càng nhiều?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc nên chia thế nào còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Khi IDG mới đầu tư vào Việt Nam cũng từng áp dụng tỷ lệ này, nhưng sau đó cũng có nhưng thương vụ chỉ sở hữu 25 hoặc 20% cổ phần của công ty.

Ngược lại, có những mô hình cần rất nhiều vốn hoặc phải chấp nhận rủi ro cao thì nhà đầu tư có thể sở hữu đến 70% cổ phần của công ty.

"Nếu sản phẩm của bạn thật sự tốt, các nhà đầu tư sẽ không muốn lấy quá nhiều cổ phần của bạn. Bởi vì họ muốn bạn có động lực để phát triển sản phẩm của mình.

Nhưng nếu sản phẩm của bạn chưa đủ hay, các nhà đầu tư sẽ muốn chiếm một lượng cổ phần cao giống như bảo hiểm cho những rủi ro mà họ có thể gặp phải", ông Trường khẳng định.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM