Đường nào cho Mai Linh?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN thua lỗ thì tái cấu trúc là cụm từ được nghĩ đến đầu tiên.
Chuyện Bianfisco vực dậy từ nguy cơ phá sản chưa kịp nguội trên các diễn đàn thì sự việc Tập đoàn taxi Mai Linh rơi vào bờ vực phá sản và đang loay hoay tìm đường tái cấu trúc đã rộ lên. Cùng xuất phát điểm là khó khăn, làm ăn thua lỗ, nhưng đích đến không phải ai cũng được suôn sẻ...
Tính đến thời điểm 30/6/2012, trong cơ cấu nguồn vốn gần 5.580 tỉ đồng của Mai Linh, nợ phải trả đã chiếm 4.690 tỉ đồng, tương đương 84%. Chỉ tính riêng khoản vay dài hạn từ ngân hàng con số đã lên đến hơn 830 tỉ đồng, vay ngắn hạn hơn 300 tỉ đồng với lãi suất 17-21%/năm.
Loay hoay tìm hướng
Đó là chưa kể các khoản nợ cá nhân. Cùng với bộ máy cồng kềnh trải dài từ Bắc vào Nam, để đầu tư vào hàng chục Cty con, Mai Linh đã huy động 500 tỉ đồng nhàn rỗi của khoảng 800 cá nhân, với lãi suất cao từ 10-25%/năm, và chủ yếu vay ngắn hạn 1-2 năm. Chính từ việc dùng vốn huy động ngắn hạn, lãi suất cao đổ vào đầu tư mua xe nên tập đoàn không lường hết được những rủi ro.
Ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Mai Linh cho biết tổng giá trị bất động sản dưới dạng văn phòng, nhà xưởng của Mai Linh tại TP HCM trị giá khoảng 500 tỉ đồng, còn tính gộp cả nước khoảng 1.000 tỉ đồng.
Thực tế những năm qua, hoạt động của ngành vận tải gần như điêu đứng, lợi nhuận thấp, bởi những yếu tố giá xăng dầu liên tục biến động và mỗi lần như vậy kéo theo việc điều chỉnh giá cước, làm tăng chi phí cài đặt, lập trình đồng hồ tính cước khoảng 4 tỉ đồng/lần cho hơn 10.000 xe...
Nguồn vốn đầu tư dài hạn không thể thu hồi ngay, bộ máy quản lý kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, trong khi các hợp đồng huy động vốn cá nhân đến thời kỳ thanh toán nên đã đẩy Mai Linh vào thế không lối thoát.
Nhiều người cho rằng, đầu tư vào bất động sản là nguyên nhân dẫn tới phá sản của Mai Linh. Nhưng theo các chuyên gia kiểm toán, đây chỉ là một lý do. Bởi theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 của Mai Linh, tài sản dài hạn là bất động sản đầu tư chỉ có 194 tỉ đồng. Đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là vào các Cty liên kết, cũng chỉ 201 tỉ đồng.
Do vậy, để cơ cấu nợ, chuyển nợ thành vốn góp có lẽ là giải pháp tối ưu cho Mai Linh để tái cấu trúc tài chính, nếu không muốn phải bán tài sản, bán Cty. Tuy nhiên, các chủ nợ lớn của Mai Linh là ngân hàng vẫn chưa có động thái gì.
Để dọn đường cho tái cấu trúc hiện tại, để trả nợ cho các nhà đầu tư cá nhân, Mai Linh đang tính đến việc bán bớt bất động sản và tài sản. Vì vậy, theo kế hoạch, Mai Linh sẽ bán hơn 1.000 xe, giá trị mỗi xe dao động từ 150-400 triệu đồng. Như vậy, tập đoàn này sẽ thu về được 200-300 tỉ đồng.
Nhưng để bán được xe trong bối cảnh thị trường ôtô ảm đạm là điều không dễ dàng. Và một phương án nữa đó là, Cty con tại các tỉnh sẽ chuyển thành chi nhánh trực thuộc, sắp xếp lại công việc, tiết kiệm chi phí và hoạt động kinh doanh taxi sẽ được cơ cấu lại theo hướng tập trung vào 2 thị trường trọng yếu là Hà Nội và TP HCM.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, uy tín và thương hiệu đảm bảo sự sống còn của Mai Linh là dịch vụ Taxi. Nếu Mai Linh bán xe thì chắc chắn không còn đường lùi, thương hiệu sẽ mất và bán xe đồng nghĩa đẩy thương hiệu Mai Linh vào con đường phá sản. Tuy nhiên, để cạnh tranh với thị trường taxi hiện nay cũng không dễ dàng gì khi thị phần lớn nhất hiện nay không thuộc về Mai Linh.
Những bài học thành công
Từ chỗ ngấp nghé phá sản, sau 4 tháng tái cấu trúc (từ tháng 8/2012) hiện Cty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã hoàn toàn khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ký kết được nhiều hợp đồng XK mới sản phẩm thủy sản chế biến sang các thị trường lớn như Châu Âu và Châu Mỹ. Các khoản công nợ đã được thu xếp thỏa đáng với các chủ nợ.
Đặc biệt 50% các khoản nợ những người nông dân cung cấp nguyên liệu đã được thanh toán và sẽ thanh toán dứt điểm vào cuối năm 2012. Đại hội đồng cổ đông thường niên của Bianfishco năm 2012 cũng đã nhất trí thông qua Đề án Tái cấu trúc Bianfishco với kế hoạch triển khai ngắn hạn và trung hạn rất cụ thể theo lộ trình 2 giai đoạn.
FPT cũng là một ví dụ, tiền thân là Cty Công nghệ Chế biến Thực phẩm, kinh doanh trong ngành thực phẩm, FPT ngày nay đã trở thành Cty công nghệ hàng đầu VN, một trong số ít Cty tư nhân lớn sắp chạm đến ngưỡng doanh thu 1 tỉ USD. Câu chuyện của FPT chính là ví dụ điển hình, minh họa cho tầm quan trọng của quá trình tái cấu trúc đối với sự phát triển lớn mạnh của DN tư nhân..
Việc tiến hành cổ phần hóa năm 2002 đã cụ thể hóa cho chiến lược tái cấu trúc về dài hạn ở FPT. Đây là cột mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình tái cấu trúc của Cty. Quyết định đó đã tạo ra một cơ chế và động lực mới, làm nền tảng cho thời kỳ phát triển mạnh của FPT trong những năm sau đó.
Là người trực tiếp chèo lái con thuyền FPT, ông Trương Gia Bình-Tổng Giám đốc FPT cho biết “ Hoạt động theo mô hình CPH là cơ sở để FPT áp dụng những nguyên tắc quản trị hiện đại và lành mạnh vào quá trình hoạt động”. Chỉ một năm sau khi cổ phần, FPT niêm yết tại sàn HoSE, đã mở ra một trang sử mới trong hoạt động của FPT”.
Ông Bình lý giải, niêm yết đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tái cấu trúc của FPT. Vì khi đó, sự minh bạch trong quản trị của Cty được nâng lên một bước mới. Khi đã trở thành Cty niêm yết, FPT phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông và công chúng. Tuy nhiên, sự giám sát đó mang tính tích cực. Nó tạo sức ép ngược lên nhân viên ở tất cả các cấp độ quản lý, buộc họ phải nỗ lực để hoạt động hiệu quả, đề cao nguyên tắc minh bạch vì lợi ích chung của Cty và các cổ đông.
Từ kết quả nghiên cứu về quá trình tái cấu trúc các DN tư nhân, theo các chuyên gia, việc bám sát năng lực cốt lõi của DN là một trong những nguyên tắc chủ đạo trong quá trình tái cấu trúc. Ngay cả khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực bên ngoài lĩnh vực chủ chốt, DN vẫn phải quay về với năng lực lõi.
Và khi môi trường kinh doanh của VN còn nhiều vấn đề chưa giải quyết thấu đáo, lãi suất vay tăng cao thì rất khó để DN tư nhân có thể tự tích lũy vốn. “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều DN tư nhân đang kinh doanh theo kiểu giật gấu vá vai và họ phải bươn chải để tồn tại hơn là xác định chiến lược kinh doanh dài hạn. Với tình hình như vậy thì tái cấu trúc thế nào? Khó mà làm gì dài hạn và bài bản được và Mai Linh cũng không là trường hợp ngoại lệ”, một chuyên gia nhận xét.
Theo P.Hà
DĐDN