Đại diện thương mại Nga tại VN: 'Việt Nam là dân tộc của các nhà buôn'

08/10/2014 08:33 AM | Kinh doanh

“Doanh nhân Việt có bản năng làm kinh doanh tốt, tháo vát và nhanh nhẹn”, Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Maxim Golikov bình luận trong cuộc trò chuyện với chúng tôi nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Là người đã có nhiều năm làm việc với tư cách là đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, ông có nhận xét gì về các doanh nhân người Việt, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu?

- Người Việt Nam có truyền thống làm kinh doanh từ lâu. Việt Nam là dân tộc của các nhà buôn. Nói chung người Việt có bản năng làm kinh doanh tốt, hội tụ những phẩm chất như tháo vát, nhanh nhạy, sáng tạo.

Trước đây trong một nền kinh tế kế hoạch hóa, những tố chất trên của giới doanh nhân không được bộc lộ toàn diện vì kế hoạch quốc gia đã quy định các mặt hàng và quy trình buôn bán, các thương nhân chỉ cần thực thi đúng theo chỉ thị.

Nhưng hiện giờ trong nền kinh tế thị trường, các doanh nhân đã có nhiều quyền kiểm soát hơn, bằng chứng là có rất nhiều doanh nhân Việt kinh doanh thành công và nổi lên như những hiện tượng.

Làm việc ở đây, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển rất nhanh chóng và thành công, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, du lịch, xuất khẩu may mặc, da giày và một số công ty công nghệ.

Xét tới các mặt cần cải thiện, tôi nghĩ một số lãnh đạo công ty vừa và nhỏ tại Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc trên thị trường quốc tế, đôi lúc họ không có đủ nguồn vốn để “nuôi” dự án, một số khác đôi khi vì những lợi nhuận trong ngắn hạn mà bỏ quên lợi ích lâu dài. Nguyên tắc “xanh nhà hơn già đồng” vẫn còn hay được vận dụng khi đưa ra các quyết định trong kinh doanh.

Nếu so sánh với doanh nhân Nga, ông thấy doanh nhân Việt với doanh nhân Nga có gì khác biệt lớn nhất?

- Kinh doanh là một hoạt động kết nối con người tại mọi miền trên thế giới. Nhiệm vụ chính của một doanh nhân là biến công việc kinh doanh thành một hoạt động mang lại lợi nhuận, nên tôi nghĩ doanh nhân Việt Nam và Nga về cơ bản là giống nhau.

Tuy nhiên do những khác biệt về văn hóa, lịch sử, chính trị, trong đó doanh nhân Nga làm việc chủ yếu với thị trường châu Âu, còn doanh nhân Việt nhắm vào thị trường châu Á là chủ yếu, nên thương trường hai nước cũng có nhiều điểm khác nhau.

Tuy nhiên nhìn nhận qua quá trình hợp tác kéo dài trong 50 năm qua, hai nước đã xích lại gần nhau hơn, chúng ta hiểu biết lẫn nhau tốt hơn nhiều quốc gia khác cũng làm việc tại Việt Nam.

Trong nhiều doanh nhân thành đạt tại Việt Nam hiện nay có nhiều người đã từng học tập và làm việc tại Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Họ hoàn toàn sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh.

Như ông đã nói, một số doanh nghiệp Việt vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn…  Ông có nhận xét gì về cách Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp này trên thị trường nội địa và quốc tế?

- Trong quá trình làm việc tại Việt Nam, chúng tôi ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ các công ty trong nước, ví dụ qua hệ thống ngân hàng với lãi suất khá thấp, rất nhiều khoản đầu tư rút từ ngân sách quốc gia và một số chương trình thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam, các đợt kêu gọi đầu tư tại châu Âu và nước Nga chúng tôi.

Điển hình trong tháng trước, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một chương trình kêu gọi đầu tư tại Moscow, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong tuần tới, sẽ có một hội trợ nông nghiệp lớn tại Moscow, có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam, họ sẽ tổ chức và chủ trì một cuộc hội thảo có sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, hải sản.

Chúng tôi đánh giá cao vai trò Chính phủ Việt Nam trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp vững mạnh hơn.

Cách Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp,  doanh nhân có khác gì so với Chính phủ Nga không?

- Có thể nói là không khác nhau nhiều. Hai quốc gia có chung hệ thống chính trị nên về cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam hoạt động có phần sâu sát hơn, tích cực hơn vì cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nhìn chung chưa phát triển vững chắc ở thời điểm hiện tại, họ cần nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ hơn từ các cơ quan Chính phủ.

Về phần Nga, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nga có định hướng thị trường mạnh hơn, nên họ có khả năng gây dựng mạng lưới làm ăn một cách độc lập hơn.

Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ông có ấn tượng đặc biệt với doanh nhân hoặc doanh nghiệp nào không, thưa ông?

- Ngoài thời gian phần lớn làm việc với các tổ chức đại diện Chính phủ Việt Nam, chúng tôi cũng có cơ hội trao đổi qua lại với một số doanh nghiệp Việt Nam. Để kể tên, một số thương hiệu và công ty tạo được ấn tượng mạnh tại cả thị trường Việt Nam và quốc tế thì chắc phải kể tới Vinamilk, Viettel, Petro Vietnam và Vingroup...

Trong một cuộc tiếp xúc doanh nghiệp mới đây, nhiều doanh nghiệp Việt “than” yêu cầu thị  trường Nga quá khắt khe, cao hơn Mỹ và châu Âu, không chỉ về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng mà còn ở vấn đề thuế. Vậy theo ông, Nga có phải là mảnh đất quá khó đối với doanh nhân Việt?

- Đối với tôi, đây không phải là vấn đề quá khó để giải quyết. Tôi cũng đã nghe nhiều thông tin về việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam phàn nàn về tiêu chuẩn chất lượng quá cao từ Nga, nhưng thực tế, chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ thông tin chính thức từ giới doanh nghiệp Việt Nam về tiêu chuẩn nào, yêu cầu nào là quá cao đối với họ.

Vậy nên tôi nghĩ nếu họ cảm thấy vướng mắc hoặc khó khăn, họ nên cung cấp cho chúng tôi những thông tin chính thức về các vấn đề này trực tiếp qua Tổ chức Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam.

Sắp tới Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam và Chính phủ Nga có biện pháp gì giúp doanh nghiệp Việt có thể dễ dàng tiếp hơn với thị trường Nga không?

- Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kiến thức về thị trường và đối tác tại Nga, nên họ gặp khó khăn trong việc kết nối vì rào cản ngôn ngữ. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng giúp họ thiết lập các mạng lưới liên lạc trực tiếp với nhà nhập khẩu tại Nga.

Sau nông sản, Nga sẽ tiếp tục mở cửa mặt hàng gì của Việt Nam?

- Thị trường Nga luôn chào đón mọi mặt hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng đến từ Việt Nam. Hiện tại, Nga đang nhập nhiều điện thoại di động, quần áo, giày dép, và cả các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam, sắp tới chúng tôi kỳ vọng nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm nội thất và hàng tiêu dùng từ nước bạn.

Đại sứ quán Nga có tổ chức sự kiện gì để chào mừng ngày doanh nhân Việt Nam?

- Chúng tôi có tổ chức một số sự kiện dành cho doanh nhân hai nước, ví dụ như trong tuần tới, đại sứ quán Nga sẽ tổ chức một cuộc hội thảo với sự tham gia của giới doanh nghiệp Nga đến thăm Việt Nam để kết nối mạng lưới doanh nhân hai nước.

Nhân cuộc trò chuyện này, tôi xin chúc mừng các doanh nhân Việt Nam và chúc các bạn đạt được nhiều thành tích mới trong thời sắp gian sắp tới!

Xin trân trọng cảm ơn ông!

>> Chủ tịch FPT so sánh hai thế hệ doanh nhân Việt Nam

Theo Mạnh Nguyễn - Lê Huyền

Cùng chuyên mục
XEM