Cuộc đào thải khắc nghiệt trên thị trường điện máy
Lại thêm một doanh nghiệp (DN) bán lẻ điện máy nữa chuẩn bị biến mất sau những Best Caring, WonderBuy.
Nội dung nổi bật:
Nguyên nhân quan trọng của sự biến mất của các doanh nghiệp bán lẻ là vòng đời sản phẩm ngắn, đòi hỏi cao về dịch vụ hậu mãi - yếu tố cần đầu tư tốn kém cùng kinh nghiệm quản lý rất phức tạp. Chi phí cho hậu mãi là một vấn đề đau đầu đối với các DN bán lẻ điện máy.
Một nguyên nhân góp phần làm tăng tính khắc nghiệt của thị trường, theo ông Lê Phạm Anh Thy, chính là sức mua sụt giảm mạnh, người tiêu dùng tăng cường “thắt lưng buộc bụng”.
Cái chết được báo trước?
Hôm qua (2/9), các chi nhánh của siêu thị điện máy HomeOne (thuộc công ty CP Dịch vụ Bán lẻ Tiên Phong) đã đóng cửa im lìm. Như chi nhánh ngay tầng B1 của Vincom Center A đã không còn hoạt động sau khi được khai trương vào tháng 10/2012. Chi nhánh HomeOne ngay ngã ba Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) thì vừa bị niêm phong. Nhân viên bảo vệ tên L. cho biết công ty Tiên Phong nợ tiền thuê mặt bằng của công ty Z755 nhiều tháng liền (số tiền có thể đến vài tỷ đồng).
Chi nhánh của HomeOne ở Vincom Center A (quận 1) đóng cửa.
Do đó, vào ngày 31/8, sau khi các bên liên quan họp từ trưa đến chiều, siêu thị đã bị niêm phong hoàn toàn. Thông tin này cũng được thể hiện rõ trong quyết định thu hồi mặt bằng. Theo đó, ngày hôm nay (3/9) hai bên sẽ tiến hành kiểm đếm, bàn giao tài sản. Ngày 10/9, Tiên Phong phải bàn giao nguyên trạng mặt bằng cho Z755.
Trước đó vào năm 2011, siêu thị điện máy WonderBuy đã tuyên bố phá sản chỉ trong một năm hoạt động do mức lỗ quá lớn, tiền thuê mặt bằng quá cao. Chừng một năm sau, siêu thị điện máy Best Caring cũng lặng lẽ rời khỏi thị trường này do thua lỗ, không chịu nổi chi phí mặt bằng.
Không chuyên nghiệp thì chịu
Theo giới kinh doanh ngành này, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự biến mất của các DN bán lẻ điện máy nằm ở đặc thù thị trường. Đó là vòng đời sản phẩm ngắn, đòi hỏi cao về dịch vụ hậu mãi - yếu tố cần đầu tư tốn kém cùng kinh nghiệm quản lý rất phức tạp.
Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc marketing công ty CP Điện tử Nguyễn Kim, cho biết chi phí cho hậu mãi là một vấn đề đau đầu đối với các DN bán lẻ điện máy. Nếu không chuẩn bị được yếu tố cốt lõi này thì DN khó trụ vững, dù có xoay xở bằng cách kéo dài công nợ nhà cung cấp, ôm hàng để có hàng bán, chậm thanh toán chi phí mặt bằng, lương nhân viên...
Đồng quan điểm, ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc Dienmay.com, nhận định bán lẻ điện máy là một ngành khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng về vận hành và tiềm lực tài chính. Trong tổng chi phí vận hành một siêu thị điện máy thì chi phí mặt bằng chiếm tỷ lệ rất cao, 30%-50% tùy địa phương và vị trí. Tổng chi phí đầu tư để vận hành một siêu thị điện máy có thể là vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng mỗi năm. “Chỉ cần doanh số một năm không đạt như kỳ vọng thì siêu thị đó “có vấn đề” ngay” - ông nhấn mạnh.
Theo chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng, các siêu thị điện máy Việt Nam chủ yếu cạnh tranh về giá trong khi chi phí mặt bằng, nhân công và đầu tư đều rất lớn. Khi cạnh tranh về giá, DN phải nắm được cách giảm thiểu các yếu tố không cần thiết trong cấu tạo giá để đưa ra giá thành thấp hơn so với đối thủ, từ đó mới thu hút khách hàng.
Một nguyên nhân góp phần làm tăng tính khắc nghiệt của thị trường, theo ông Lê Phạm Anh Thy, chính là sức mua sụt giảm mạnh, người tiêu dùng tăng cường “thắt lưng buộc bụng”. Thông điệp phổ biến gần đây của các DN ngành này thường là giá rẻ, giảm giá mạnh (thậm chí đến 49%). Nhưng phần lớn hàng giảm giá là hàng bị lỗi kỹ thuật, trầy xước, cần thanh lý… Thực chất đây là cách làm “mì ăn liền” của các DN bán lẻ điện máy yếu vốn, muốn xoay vốn nhanh; từ đó gây khó khăn cho hệ thống phân phối của nhà sản xuất, người mua sắm cũng chịu rủi ro khi phải mua những lô hàng này.
Trong khi tình hình kinh tế chưa lạc quan, chắc chắn thị trường điện máy sắp tới sẽ có thêm DN bán lẻ khó khăn, thậm chí là phá sản. Ông Đinh Anh Huân cho rằng thị trường đang trong giai đoạn sàng lọc để định hình những nhà bán lẻ chất lượng với phân khúc riêng. Dự báo giai đoạn cạnh tranh cho các vị trí dẫn đầu sẽ tiếp diễn đến hết năm 2014.
Quyền lợi người tiêu dùng ra sao?
Trước đây, khi WonderBuy đóng cửa, Nguyễn Kim đã nhận bảo hành cho toàn bộ sản phẩm mà khách hàng mua tại WonderBuy. Nhưng thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp khó giải quyết bởi phần lớn hàng chất lượng quá kém, không thương hiệu, nhái… Với chính sách bảo hành chính hãng, Nguyễn Kim không thể cung cấp linh phụ kiện của nhóm hàng kém chất lượng để bảo hành sản phẩm.
Như vậy, vấn đề đặt ra là quyền lợi của những khách hàng đã mua sản phẩm của HomeOne sau đây như thế nào? Câu trả lời có được các bên liên quan đưa ra bàn thảo trong cuộc họp ngày hôm nay (3/9)?
Sức mạnh của sự khác biệt
Kinh doanh siêu thị bán lẻ điện máy không khác nhiều so với việc DN xây dựng một thương hiệu mạnh. Thế giới có Walmart “giá rẻ mỗi ngày”, Metro Cash&Carry tập trung vào khách hàng DN, Toys “R” Us chuyên “đồ dành cho trẻ em”... Siêu thị điện máy Việt Nam hầu như không có điểm khác biệt. Khi không có điểm khác biệt định vị trong tâm trí khách hàng, DN sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh giá. Đây luôn là cuộc cạnh tranh khốc liệt và có mức độ đào thải cao nhất.
Ngoài ra, DN Việt có thể xem cách làm của ông lớn bán lẻ Walmart làm bài học khi bán hàng giá rẻ mà vẫn có lãi. Walmart áp dụng công nghệ tối đa để giảm chi phí vận chuyển hàng hóa đến mức thấp nhất, hàng tồn kho rất ít và tối đa hóa được lợi nhuận của mặt hàng có doanh số cao nhất.
Theo Theo Pháp Luật Tp.HCM
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!