Chuyện Vocarimex 'kén rể'
Vocarimex sẽ bán 32% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong đợt cổ phần hóa sắp tới.
Nội dung nổi bật:
Nội dung nổi bật:
- Vocarimex sẽ bán 32% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong đợt cổ phần hóa sắp tới. Các công ty con, công ty liên kết của Vocarimex (Cái Lân và Tường An) hiện nắm giữ thị phần cao nhất trong số các công ty nội địa.
- Xét các doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn trong nước từng chia sẻ ý định lấn sang mảng dầu ăn, nổi bật chỉ có Tập đoàn Masan và Kinh Đô. Tuy nhiên hai đơn vị này đều cho biết chưa có thông tin nào mới liên quan đến thương vụ nói trên.
- Wilmar, một công ty nước ngoài nắm chi phối 68% cổ phần trong liên doanh Cái Lân, có lẽ sẽ không muốn bỏ qua cơ hội mở rộng thị phần và tăng sức ảnh hưởng trên thị trường.
Tổng Công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex) sẽ bán 32% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong đợt cổ phần hóa sắp tới. Thông tin này đang nhận được nhiều sự quan tâm vì các công ty con, công ty liên kết của Vocarimex hiện nắm giữ thị phần cao nhất trong số các công ty nội địa. Theo báo cáo của Euromonitor về thị phần dầu ăn nội địa năm 2012, Cái Lân (Vocarimex nắm 32%) và Dầu Thực vật Tường An (Vocarimiex nắm trên 51%) lần lượt chiếm vị trí số 1 và 2.
Vẫn hấp dẫn
Những năm gần đây, thị trường dầu ăn bị các sản phẩm nước ngoài lấn át. Năm 2011, Vocarimex chiếm 17% toàn thị trường, nhưng con số này đã bị giảm xuống còn 4% vào năm 2012. Các sản phẩm nhập từ những quốc gia có lợi thế về nguồn nguyên liệu lớn như Malaysia, Indonesia đã nhanh chóng áp đảo thị trường với 86% thị phần.
Trước tình thế này, Vocarimex vẫn loay hoay với nguồn nguyên liệu nhập khẩu đến 90% và dựa vào thuế tự vệ 5% để chống đỡ. Những khó khăn này có khiến Vocarimex kém hấp dẫn?
Xét trên góc độ phát triển ngành, theo Tổng Giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội (không muốn nêu tên), Vocarimex vẫn có sức hút với nhà đầu tư chiến lược. “Vocarimex có công nghệ, nắm chắc thị trường nội địa và hệ thống phân phối trải dài từ Bắc tới Nam”, vị này nói.
Nhu cầu ngày càng cao của mặt hàng dầu ăn là một nguyên nhân khác. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, mức tiêu thụ dầu ăn mỗi năm của người Việt chỉ 7-8 kg/người. Cơ quan này dự báo con số trên sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015 và gần gấp 3 vào năm 2020. Doanh thu của Vocarimex năm 2013 là 24.000 tỉ đồng. Tăng trưởng bình quân 11,4% giai đoạn 2011-2013 cũng cho thấy sức hấp dẫn của Vocarimex.
Sức hút của ngành dầu ăn còn có thể hiện ở chỗ một số công ty lớn trong lĩnh vực thực phẩm và tiêu dùng cũng muốn nhảy vào. Năm 2012, Công ty Kinh Đô định hướng sẽ phát triển thêm lĩnh vực dầu ăn. Trước Đại hội cổ đông năm 2012 của Tường An cũng rộ lên tin đồn có doanh nghiệp lớn muốn mua chi phối Công ty.
Ai mua?
Vì sao Vocarimex đưa ra tỉ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược chính xác là 32%? Theo Giám đốc của một công ty tư vấn doanh nghiệp ở TP.HCM (không muốn nêu tên), khi đã xác định được tỉ lệ, hẳn thương vụ đã được định giữa các bên từ trước. Với vốn điều lệ trên 1.200 tỉ đồng, Vocarimex cho biết sẽ bán cho đối tác chiến lược 32%, tương ứng gần 39 triệu cổ phiếu.
Với vai trò và lợi thế của đối tác chiến lược, người mua phải chấp nhận giá cao hơn trên sàn. Hiện nay, Vocarimex chỉ có công ty con là Tường An niêm yết và giao dịch quanh mức giá 43.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính theo giá này, giá trị mà nhà đầu tư chiến lược bỏ ra ít nhất cũng vào khoảng 1.677 tỉ đồng. Dù vậy, vị giám đốc trên cho rằng Vocarimex sở hữu nhiều công ty đầu ngành, nên giá mua có thể còn cao hơn Tường An.
Xét các doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn trong nước từng chia sẻ ý định lấn sang mảng dầu ăn, nổi bật chỉ có Tập đoàn Masan và Kinh Đô. Hiện Kinh Đô còn gần 2.000 tỉ đồng trong ngân quỹ tính đến cuối năm 2013. Nếu dùng số tiền mặt này để mua, có lẽ sẽ khiến cho tình hình tài chính của Kinh Đô bị eo hẹp. Trong khi đó, gần đây, Kinh Đô lại chưa có động thái đáng chú ý nào để huy động thêm tiền mặt.
Masan thì có vẻ dư dả hơn khi còn đến 5.700 tỉ đồng tiền và tương đương tiền ở cùng thời điểm. Masan cũng cho biết sẽ dùng số tiền này cấp vốn cho Masan Consumer Holdings để đẩy mạnh chiến lược mua bán - sáp nhập. Tuy nhiên, đại diện của hai đơn vị này đều cho biết chưa có thông tin nào mới liên quan đến thương vụ nói trên.
Một số công ty nước ngoài có thể sẽ muốn mua cổ phần của Vocarimex như Wilmar, đơn vị nắm chi phối 68% cổ phần trong liên doanh Cái Lân. Cái Lân luôn đứng đầu thị phần dầu ăn nội địa và bỏ khá xa đơn vị đứng thứ hai là Tường An, cả về lợi nhuận. Có lẽ Wilmar sẽ không muốn bỏ qua cơ hội mở rộng thị phần và tăng sức ảnh hưởng trên thị trường.
Wilmar là một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới về dầu cọ. Công ty cũng đứng đầu về doanh thu và vốn hóa tại Singapore, nơi Wilmar niêm yết cổ phiếu. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Wilmar hiện là ông Kuok Khoon Hong, một trong những người giàu nhất Singapore. Chú của ông, Robert Kuok cùng ngồi trong Hội đồng Quản trị Wilmar, là người giàu nhất Đông Nam Á năm 2013.
Vị Giám đốc trên cho biết, hiện vẫn chưa biết đối tác sắp tới của Vocarimex là trong nước hay nước ngoài, do thông tin về thương vụ vẫn được giữ kín. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua, họ sẽ dễ dàng chi phối nguồn nguyên liệu và cả thị trường Việt Nam.
Đối với những doanh nghiệp tốt, Nhà nước luôn nắm giữ cổ phần chi phối. Nhưng vì sao ở Vocarimex, Nhà nước chỉ muốn giữ 36% mà không phải là 51%? Nếu dầu ăn được xem là mặt hàng không trọng yếu cần phải chi phối thì mức này cũng có vẻ hợp lý. Ở góc độ khác, vị giám đốc trên đặt vấn đề: “Phải chăng Vocarimex đã chọn được đối tác Việt Nam, vừa giúp Vocarimex lấy lại hào quang đã mất vừa giữ được thị phần doanh nghiệp nội, nên mới yên tâm giữ tỉ lệ thấp?”
Theo Giản Phúc
Theo Nhịp cầu Đầu tư
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!