Chuyện hãng nước mắm mời cổ đông nhận lại vốn sau 70 năm

13/10/2015 08:46 AM | Kinh doanh

Năm 1976, gia đình ông Dương Trung Quốc nhận được bức thư của công ty nước mắm Liên Thành...

Cách đây đã lâu, một dịp tình cờ, trong một bữa ăn trưa với nhà sử học Dương Trung Quốc và một số bạn bè của ông, người viết được nghe ông kể lại câu chuyện như sau.

Vào năm 1976, gia đình ông nhận được bức thư của công ty nước mắm Liên Thành, mời vào Sài Gòn để nhận lại… vốn, gồm cổ tức và cổ phần khoản vốn góp vào công ty, do công ty phải giải thể để chuyển sở hữu sang nhà nước.

Ra đời tháng 6/1906, đây là doanh nghiệp do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập để hưởng ứng phong trào Duy Tân. Liên Thành từng giúp đỡ Nguyễn Tất Thành - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh - trong quá trình từ Phan Thiết vào Sài Gòn và lên tàu ra nước ngoài.

Theo ông Dương Trung Quốc, hãng nước mắm này hoạt động từ ngày thành lập đến năm 1944, do biến cố Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, rồi Pháp tái chiếm Nam Bộ, kháng chiến chống Pháp, chia cắt hai miền Nam - Bắc…, nên đã mất liên lạc với một số cổ đông của mình.

Cho đến năm 1976, khi hòa bình lập lại trên toàn lãnh thổ, đất nước thống nhất, công ty theo địa chỉ cũ của người góp vốn làm ăn (là ông nội của nhà sử học Dương Trung Quốc) mà gửi thư ra Hà Nội để mời người chung vốn cách nay đã gần 50 - 60 năm đến nhận tài sản, khi việc làm ăn chấm dứt.

Ông Dương Trung Quốc kể, gia đình đã cử ông vào hãng nước mắm Liên Thành để thực hiện việc kế thừa tài sản, theo lời mời của công ty.

Ông lên tàu vào Nam mang theo 25 tờ cổ phiếu mệnh giá 25 đồng Đông Dương/cổ phiếu, nhưng khi đến nơi, người đại diện công ty nói, rất tiếc là ông Quốc đã đến muộn, vì đại hội cổ đông của công ty đã diễn ra vài ngày trước đó.

Tuy nhiên, ông Quốc cho hay, người của công ty vẫn ân cần mời ông Quốc ngồi lại và giở sổ, tính toán, trả tài sản góp vốn cho cổ đông.

Số tiền mà gia đình ông Quốc nhận lại, theo lời ông, vừa đủ mua được một chiếc ti vi đen trắng thời bấy giờ và một chiếc màn tuyn.

Số tiền mà gia đình ông nhận được không lớn, song gia đình ông Quốc, và có thể là tất cả các cổ đông khác của Liên Thành, rất cảm động và đánh giá cao thái độ nghiêm túc, cùng tinh thần trọng chữ “tín” của ban lãnh đạo Liên Thành.

Ông Quốc đúc kết, hồi đầu thế kỷ 20, trong phong trào canh tân đất nước, có rất nhiều doanh nhân Việt Nam thời bấy giờ đã đặt tên cho công ty của mình gắn với chữ “tín”: Vân Tín, Đức Tín, Trung Tín… và họ đã thực hiện được chữ “tín” đó.

Cùng với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, chữ “tín” đó đã đưa nhiều nhà buôn Việt Nam trở thành các chủ tư bản dân tộc có sản phẩm, dịch vụ sánh ngang với các nhà buôn Hoa kiều, Ấn kiều, Pháp kiều đương thời.

Theo Châu Anh

Cùng chuyên mục
XEM