"Chuyến đi vĩnh cửu": Hiệu năng sử dụng taxi sẽ lên 100%, đi Camry sẽ rẻ hơn đi xe bus?

25/03/2015 08:59 AM | Kinh doanh

Một ứng dụng tạo ra “chuyến đi vĩnh cửu” cho các xe taxi, nâng hiệu năng sử dụng xe từ 5% hiện nay lên 100%. Tuy nhiên, nó có khả thi?

Nội dung nổi bật:

- Nếu nhân rộng việc đi chung xe, ứng dụng Uberpool sẽ nâng tổng số chuyến mỗi ngày của một chiếc xe lên tới 72 chuyến, gấp 13 lần số chuyên của một xe tư nhân hiện tại, đồng thời giảm được hơn 800.000 lượng xe tham gia giao thông trên đường mỗi ngày

- Với việc tối ưu hóa hiệu năng sử dụng xe lên 100%, các chi phí cố định trên từng đơn vị sẽ giảm xuống chi phí tối thiểu. "Ở San Francisco - nơi đã Uber đã đưa vào ứng dụng Uberpool, chúng tôi có giá rẻ hơn cả xe bus”


Trong khi hiệu năng sử dụng xe của một taxi thông thường, theo ông Dũng, dao động ở mức 15 – 25%, thì hiệu năng sử dụng xe cá nhân chỉ ở mức 5%.

Giám đốc Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng cho rằng, có một vấn đề rất truyền thống trong ngành giao thông vận tải là bài toán di chuyển của doanh nhân.

“Nếu một chiếc xe đón không phải 1 mà là nhiều khách; nếu đón ở những điểm đón lưu động, không phải cố định; nếu đón vào những thời điểm khác nhau; và với những chuyến đi không có điểm dừng, độ phức tạp của bài toán sẽ tăng theo cấp số mũ” – ông Dũng cho hay.

“Ứng dụng Uberpool đã giải được bài toán này. Một khi tài xế bật máy lên, chuyến đi sẽ không bao giờ kết thúc, tức là hiệu năng sử dụng đạt 100%. Khi tận dụng 100% hiệu năng của xe, các chi phí cố định trên từng đơn vị sẽ giảm xuống chi phí tối thiểu”.

Nguyên lý hoạt động của Uberpool.

Nguyên lý hoạt động của Uberpool.

“Ở San Francisco (nơi đã Uber đã đưa vào ứng dụng Uberpool - PV), chúng tôi có giá rẻ hơn cả xe bus”, CEO Uber khẳng định.

Nếu nhân rộng việc đi chung xe, ứng dụng Uberpool sẽ nâng tổng số chuyến mỗi ngày của một chiếc xe lên tới 72 chuyến, gấp 13 lần số chuyên của một xe tư nhân hiện tại, đồng thời giảm được hơn 800.000 lượng xe tham gia giao thông trên đường mỗi ngày, theo tính toán của Uber.

Ứng dụng nói trên, CEO Đặng Việt Dũng cho biết, nếu được cho phép, ông mong muốn được đưa vào Việt Nam càng sớm càng tốt.

Dù về lý thuyết, Uberpool chắc chắn sẽ tối ưu được chi phí trên quãng đường đi, tuy nhiên, mô hình này nếu vào Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Dễ thấy nhất là mô hình Uberpool chỉ phát huy được tiềm năng khi đạt được số lượng người dùng đủ lớn. Chỉ có như vậy mới có nhiều khách hàng có nhu cầu đi cùng một tuyến đường với nhau. Nếu người dùng chưa nhiều, sẽ rất khó để các xe Uber đạt hiệu suất cao như đã quảng bá.

Một số điểm bất lợi khác có thể nhận ra đó là sự bất tiện cho những khách hàng xa lạ khi phải đi chung với nhau trên cùng một chiếc xe. Không gian xe bốn chỗ rất khác với một chiếc xe bus, khiến việc đón khách, lên xuống xe sẽ bất tiện hơn.

Hiện tại, ở Việt Nam chưa áp dụng Uberpool.

Theo một khảo sát mới đây của Buzzmetrics, Uber là hãng taxi được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội, hơn cả số lượt thảo luận về 2 hãng taxi truyền thông hàng đầu là Mai Linh và Vinasun cộng lại. Bên cạnh việc được nhiều người cân nhắc vì tính mới lạ, tiện lợi, và đặc biệt là cơ hội trải nghiệm dịch vụ taxi sang trọng, đa số những người đã sử dụng dịch vụ đều cho phản hồi rất tốt về chất lượng dịch vụ cũng như thái độ phục vụ.

Tuy nhiên, vấn đề thuế và mức độ an toàn là nguyên nhân khiến nhiều người phản đối mô hình này, Buzzmetrics cho biết.

Tại một vài hội thảo gần đây, Uber cũng vấp phải sự phản đối của đại diện các hãng taxi truyền thống. Trong khi Uber khẳng định mình là doanh nghiệp công nghệ, thì đại diện các hãng taxi truyền thống khẳng định Uber là loại hình vận tải khi vận hành từ A đến Z các khâu vận tải, từ khâu định giá, vận hành, thanh toán, đến nhận phản hồi.

Trong khi đó, Uber Việt Nam cũng bị “tố” là hoạt động tại Việt Nam, nhưng nộp thuế tại Hà Lan – một quốc gia có mức thuế rất thấp, thường được vận dụng trong các chiến thuật trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

>> Google và Apple trốn thuế kiểu gì?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM