Chia tay Samsung, TIE được gì - mất gì?

07/08/2013 15:49 PM | Kinh doanh

Nội dung nổi bật:

Việc góp vốn vào liên doanh Savina có thể xem là thương vụ đầu tư tài chính, không “học hỏi công nghệ” gì cả.

Mang tiếng là công ty công nghệ, nhưng phần doanh thu lớn nhất vẫn là các hoạt động thương mại, dịch vụ bảo hành. Doanh thu từ sản xuất các mặt hàng điện tử lại chiếm tỷ trọng quá nhỏ.

Đầu tháng qua, TIE (trực thuộc TCT công nghiệp Sài Gòn) đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (~20% vốn Samsung Vina) cho Samsung Electronics (Hàn Quốc).

Giá trị chuyển nhượng: 96,15 tỉ đồng. 

----------------------------------------

Đầu tháng qua, công ty cổ phần TIE (trực thuộc tổng công ty công nghiệp Sài Gòn) đã chính thức thông báo hội đồng quản trị của TIE đã “thống nhất thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (tương đương 20% vốn điều lệ tại công ty TNHH Samsung Vina - Savina) của công ty cổ phần TIE cho Samsung Electronics (Hàn Quốc)”.

Giá trị chuyển nhượng là 96,15 tỉ đồng. Giá trị chuyển nhượng trên được hiểu là phần lợi nhuận ước chừng và trị giá thanh lý tài sản cố định trong khoảng thời gian còn lại (1,5 năm) của liên doanh này.

Năm 1994, TIE ký hợp đồng liên doanh với tập đoàn Samsung Electronics để thành lập công ty điện tử Savina với thời hạn liên doanh là 20 năm. Mục đích của việc liên doanh này là để TIE “học hỏi kinh nghiệm và công nghệ sản xuất các mặt hàng điện tử”.

Tính đến hết năm 2012, TIE vẫn là doanh nghiệp hoạt động có lãi. Trong biên bản đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 vừa được tổ chức vào cuối tháng 4, trong cơ cấu doanh thu của TIE năm 2012 bao gồm 3 phần: 

- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 288,46 tỉ đồng (giảm 18,83% so với năm 2011);

- Doanh thu hoạt động tài chính là 55,15 tỉ đồng (tăng 22,31%);

- Thu nhập khác là 7,38 tỉ đồng. 

Tổng lợi nhuận năm 2012 là 29,742 tỉ đồng, đạt 118,97% so kế hoạch.

Trong báo cáo trên, phần doanh thu lớn nhất của TIE hiện nay vẫn là các hoạt động thương mại, dịch vụ bảo hành: bán được 126.864 màn hình máy tính, 3.676 thiết bị lưu trữ các loại, bảo hành trọn gói các sản phẩm Samsung cho các hệ thống bán lẻ như Thế giới Di động, Viễn Thông A, Hoàn Long, FPT, Nguyễn Kim. 

Còn doanh thu từ sản xuất các mặt hàng điện tử như: máy tính tiền (liên kết với một công ty Trung Quốc) – 1.162 chiếc, bảng điện tử - 469 triệu đồng…, lại chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong cơ cấu doanh thu của một công ty điện tử như TIE!

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2013, TIE quyết định giảm tỷ trọng doanh số từ các nhãn hàng Samsung, tăng doanh thu từ các nhãn hàng khác: Philips, LG, Gygabyte; cùng với Eximland xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế tại địa chỉ 376 Điện Biên Phủ (Q.10, TP.HCM), khai thác khu đất (có diện tích 7.825,9m2) tại chi nhánh Phú Quốc (Kiên Giang) thành khu mua sắm cho khách du lịch, kinh doanh lữ hành nội địa/ quốc tế…

Tiền thân là công ty xuất nhập khẩu điện – điện tử Q.10, tài sản công nghệ hiện nay của TIE chỉ là xưởng gia công bếp từ, bếp quang và siêu thuốc! Qua đó cho thấy, việc góp vốn vào liên doanh Savina có thể xem là thương vụ đầu tư tài chính, không “học hỏi công nghệ” gì cả.

Trao đổi với phóng viên SGTT qua điện thoại, tổng giám đốc Vũ Quốc Vinh (đang đi công tác) cho biết: “Đã có chiến lược cho TIE khi không còn liên doanh nhưng chiến lược đó như thế nào, không thể tiết lộ được”.

Qua nhiệm vụ đã được xác định trong đại hội cổ đông năm 2013, cũng như các công ty điện tử khác của Việt Nam sau khi thời hạn liên doanh kết thúc hoặc bán phần vốn góp, TIE khó có hy vọng tồn tại trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, nếu có chỉ là những mặt hàng có hàm lượng công nghệ rất thấp, mang tính tượng trưng cho đúng “tôn chỉ, mục đích” đã được ghi rõ trong giấy phép.

Theo Gia Vinh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM