Chân dung ông lớn quản lý tất cả các sân bay dân dụng ở Việt Nam

25/02/2013 08:00 AM | Kinh doanh

(CafeBiz) Với thế độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, bầu trời dẫu rộng lớn đến mấy thì ngành Hàng không vẫn trở nên quá tầm với của các doanh nghiệp tư nhân.

Thông báo về việc ngừng bay của AirMekong kể từ ngày 1/3 tới như xát thêm muối vào nỗi đau của các hãng hàng không tư nhân Việt Nam.

Vận tải hàng không: 4 hãng tư nhân bay chưa cao đã lao đầu xuống đất

Indochina Airlines: thành lập tháng 5/2008, hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép. Cuối năm 2011, Indochina Airlines biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam.

Trai Thien Air Cargo: thành lập tháng 6/2008, hãng đầu tiên được cấp phép vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện. Tháng 12/2011, bị rút giấy phép kinh doanh vì không có khả năng cất cánh.

Blue Sky: được cấp phép tháng 8/2010 nhưng không bao giờ xuất hiện sau đó.

Air Mekong: chính thức bay tháng 10/2010. Công bố tạm ngừng bay từ 1/3/2013.

Gần 5 năm kể từ ngày hãng hàng không tư nhân đầu tiên thành lập (Indochina Airline – 5/2008), Việt Nam đã có 5 hãng hàng không tư nhân lần lượt được cấp phép và lần lượt biến mất khỏi bản đồ bay một cách chóng vánh khi cất cánh chưa được bao lâu.

Đầu tư quá lớn, chi phí vận hành cao (nhập nhiên liệu nước ngoài, thuê phi công, kỹ sư kỹ thuật từ nước ngoài) là những nguyên nhân dẫn đến khả năng lỗ vốn của các hãng.

Khó khăn của các hãng bay tư nhân còn ở tình thế “độc quyền” trong ngành hàng không khi mà thị phần của doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ vẫn rất cao. 

Tính đến năm 2012, thị phần của các hãng hàng không nội địa được phân chia như sau: Vietnam Airlines (VNA) gần 68%; VietJet Air: 16%, Jetstar Pacific Airlines (JPA): 13%, Air Mekong (AMK): 3%.

Tuy thị phần VNA đã giảm so với mức trên 80% từ trước năm 2006, nhưng với việc chuyển giao 70% cổ phần nhà nước tại JPA sang cho VNA nắm giữ, vẫn mang về cho đại gia này 80% lợi nhuận toàn ngành. 

Các hãng hàng không Việt Nam đều phải thừa nhận rằng đến nay họ chưa thể có lãi, nếu không muốn nói là đang "lỗ chổng vó"! "Buôn tài không bằng dài vốn" có lẽ là miêu tả xác đáng nhất với việc kinh doanh hàng không ở Việt Nam hiện nay. 

Bức tranh xám xịt trên bầu trời là vậy. Nhưng ở phía dưới sân bay, trái ngược hoàn toàn với tình cảnh bi đát của các hãng vận tải hàng không, một đơn vị chủ quản khai thác các sân bay dân dụng tại Việt Nam lại lãi hơn ngàn tỷ mỗi năm.

Câu chuyện của ngành hàng không cũng tương tự với ngành vận tải biển và cảng biển. Trong khi vận tải biển đang chới với như một con tàu đang chìm dần thì cảng biển vẫn lãi lớn.

Quản lý cảng hàng không: 1 Tổng Công ty đứng tại chỗ cũng kiếm bộn tiền

Là đơn vị độc quyền quản lý và khai thác toàn bộ các cảng hàng không dân dụng trên lãnh thổ Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Airport Corporation of Vietnam - ACV) được ra đời sau khi hợp nhất 3 Tổng Công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam từ 1 năm trước (8/2/2012).

Tiền thân ACV vốn thuộc Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, ra đời từ sau ngày giải phóng đất nước năm 1975, hoạt động theo chế độ bao cấp của Bộ Quốc phòng trong giai đoạn 1975-1990.

Từ năm 1990, Cục Hàng không Việt Nam không thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng nữa và được điều chuyển về Bộ Giao thông Vận tải. 

Lúc này, Tổng Cục hàng không tách thành 3 Cụm cảng Hàng Không Bắc, Trung, Nam, tương ứng với 3 Cảng Hàng không trung tâm là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, do Cảng hàng không Đà Nẵng có cường độ hoạt động thấp hơn ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài, có thời điểm thu không đủ chi nên Cục Hàng không Việt Nam phải điều phối tài chính, nhân lực… từ Tân Sơn Nhất, Nội Bài sang. 

Sau khi hợp nhất, vốn điều lệ của ACV đạt xấp xỉ 14.700 tỷ đồng, do Bộ GTVT là chủ sở hữu. 

Trụ sở của ACV đặt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

ACV là Tổng công ty có quy mô khai thác vận chuyển, quản lí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, với 9 công ty con, công ty liên kết, liên doanh.

Đến thời điểm năm 2012, ACV đang trực tiếp quản lý và khai thác toàn bộ 22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm:

8 cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Chu Lai, Phú Quốc, Cần Thơ.

14 cảng hàng không địa phương: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Đồng Hới, Vinh, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân.

Với lợi thế 'riêng một góc trời', ACV hoạt động rộng khắp trên mọi lĩnh vực liên quan đến hàng không cũng như đầu tư một số ngành nghề khác:

Tại cảng hàng không: ACV đầu tư và quản lý vốn tại sân bay; đầu tư kết cấu hạ tầng, trang, thiết bị hàng không; cung cấp các dịch vụ an ninh, bảo dưỡng, xây dựng, tư vấn, sửa chữa, bảo trì, lắp đặt các công trình, trang thiết bị; các dịch vụ thương mại tại cảng hàng không. 

Với các hãng hàng không: ACV là đại lý cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận, nhà hàng khách sạn, cung ứng xăng dầu, nhiên liệu hàng không... 

Đầu tư đa ngành các lĩnh vực khác: góp vốn, mua bán doanh nghiệp, đầu tư ngân hàng, tài chính...

Về kết quả kinh doanh: ACV là cái tên đứng trong top những Tập đoàn/Tổng công ty có lợi nhuận lớn nhất năm 2011 với mức lãi  trước thuế 1.143 tỷ đồng.

ACV là 1 trong những Tập đoàn/Tổng Công ty Nhà nước có lợi nhuận lớn nhất năm 2011.
(Theo Báo cáo số 336-cp: Báo cáo Tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh 
của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011 của Chính phủ)*.

Trở lại với lĩnh vực vận tải hàng không, sau khi Air Mekong ngừng bay, thị trường hàng không còn lại 4 hãng khai thác, nhưng VNA chi phối đến 3 là VNA, JPA, VASCO. Hàng không tư nhân chỉ còn Vietjet Air bám trụ lại đường băng.

Việc độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước khiến bầu trời dẫu rộng lớn đến mấy thì ngành hàng không vẫn trở nên quá tầm với của các hãng tư nhân.

*Chú thích: Tháng 2/2012, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam mới ra đời do việc hợp nhất 3 Công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Con số lợi nhuận năm 2011 có thể là số liệu hợp nhất giả định để tiện theo dõi khi Chính phủ trình Quốc hội.

Kỳ Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM