Cảnh báo liên doanh với hãng ngoại: Nước cờ của Lotte - "Thí nhiều tốt"?

24/10/2012 18:06 PM | Kinh doanh

Những vụ "hôn phối" theo tiêu chí "đôi bên cùng có lợi" cũng ngày càng ít đi khi các hãng ngoại âm thầm dùng DN Việt Nam là bàn đạp thâm nhập thị trường...


Ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng, tăng cường liên doanh với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Tuy nhiên, những vụ "hôn phối" theo tiêu chí "đôi bên cùng có lợi" cũng ngày càng ít đi khi các hãng ngoại âm thầm dùng DN Việt Nam là bàn đạp thâm nhập thị trường, nhưng sau đó thực hiện chiến lược "cá lớn nuốt cá bé" để thâu tóm thương hiệu Việt.

Lotte đang trên đường thẳng tiến để đạt được tham vọng của mình trong các lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm... khi mua lại thành công 20% vốn của đối tác Minh Vân và tăng thêm vốn điều lệ. Mới đến Việt Nam được 6 năm, nhưng xem ra chiến lược "bàn đạp" đã giúp hãng này tăng tốc chinh phục thị trường.

Chiến lược "bàn đạp"

Đề xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam xin chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài thông qua việc mua lại 20% vốn điều lệ của DN tư nhân sản xuất và thương mại Minh Vân đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM phê duyệt. Chưa dừng lại ở đó, NĐT này tiếp tục điều chỉnh tăng vốn điều lệ để mở rộng kinh doanh tại Trung tâm thương mại, từ 65 triệu USD lên thành 120 triệu USD.

Điểm nhấn của Lotte khi đầu tư tại Việt Nam là ngành bán lẻ với Lotte Mart, Lotte Shopping và sản xuất bánh kẹo với Lotte Confectionery.

Trong bán lẻ, ngay từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2006, hãng này đã hợp tác với DN thương mại trong nước là Minh Vân để hình thành liên doanh với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD. Sau đó 2 năm, Lotte lại chính thức thâm nhập thị trường thực phẩm Việt Nam thông qua việc mua gần 30% và sau đó mua thêm 9% cổ phần của Bibica. Lotte chính thức trở thành cổ đông chiến lược của thương hiệu thực phẩm đứng thứ hai trên thị trường bánh kẹo.

Đánh giá về chiến lược này của Lotte khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, một chuyên gia về đầu tư nước ngoài cho rằng đây là bước đi khá khôn ngoan và thận trọng. Cũng bởi, nếu trực tiếp đầu tư vào ngành bán lẻ hay thực phẩm, hãng này sẽ gặp phải không ít rủi ro do những rào cản về chính sách hay thị trường. Và do vậy, chiến lược hợp tác với hãng nội thông qua việc tăng vốn điều lệ để trở thành cổ đông chiến lược sẽ là nước cờ khá thông minh để thâm nhập sâu vào thị trường.

Cụ thể với bán lẻ, nếu là NĐT 100% vốn nước ngoài, Lotte sẽ gặp phải rào cản kỹ thuật theo quy định về "thẩm tra nhu cầu kinh tế" (ENT). Tức là sau khi mở siêu thị đầu tiên tại Việt Nam, các nhà bán lẻ ngoại sẽ khó mở thêm những điểm bán mới. Do đó, một hình thức được đa số hãng bán lẻ ngoại lựa chọn khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam là liên doanh với hãng bán lẻ nội để tránh những rào cản.

Đơn cử như Tập đoàn Temasek Holding liên kết với SaigonCo-op; tập đoàn bán lẻ E-Mart thiết lập liên doanh với Tập đoàn U&I Việt Nam; Itochu liên doanh với Phú Thái để thành lập FamilyMart... Việc liên kết với DN bán lẻ nội vừa giúp Lotte hay các nhà bán lẻ ngoại dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam, vừa có cơ hội đẩy mạnh mở rộng điểm bán, hệ thống phân phối.

Tương tự, với ngành thực phẩm/bánh kẹo, hệ thống nhà máy sản xuất hiện đại cùng hơn 20.000 điểm bán của Bibica sẽ hỗ trợ Lotte sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất. Lãnh đạo hãng này cũng phải thừa nhận Lotte đang thực hiện định hướng dựa vào Bibica để thâm nhập và phát triển các dòng sản phẩm của mình tại thị trường Việt Nam.

Với không ít những món hời đã đạt được, từ việc nắm giữ 30% cổ phần sau hợp tác năm 2008, đến nay, Lotte đã nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 39% và luôn bày tỏ quan điểm muốn tiếp tục gia tăng tỷ lệ nắm giữ. Cùng với đó, theo nhiều cổ đông nhỏ của Bibica thì hãng ngoại này còn đang nung nấu tham vọng sẽ thay đổi thương hiệu Bibica để trở thành nhà sở hữu khi bày tỏ ý định sẽ đổi tên thành Lotte - Bibica.

Lấn lướt về quyền lợi?

Theo một chuyên gia về đầu tư nước ngoài, việc hợp tác liên kết với các hãng nội để thâm nhập vào thị trường Việt Nam được ví như chiến lược "bàn đạp", tức là dựa trên những nguồn lực sẵn có của đối tác liên kết (là những DN Việt Nam) để thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường: "Đây được xem là cách đầu tư khôn ngoan nhất, tránh được những rủi ro và thu được lợi nhiều nhất của các hãng ngoại".

Trên thực tế, mối "lương duyên đứt gánh giữa đường" của Minh Vân với Lotte cũng được các chuyên gia trong ngành dự báo ngay từ khi thị trường bán lẻ mở cửa hoàn toàn kể từ ngày 1/1/2009. "Kết duyên" năm 2006, nhưng cho đến nay, người ta chỉ biết đến sự "tiến công" của Lotte trên thị trường bán lẻ, trong khi cái tên Minh Vân thì quá mờ nhạt. Với số vốn áp đảo của NĐT nước ngoài, liên doanh này đưa vào khai thác hai trung tâm thương mại lớn tại Tp.HCM đều mang tên Lotte. Ngay khi bày tỏ tham vọng muốn mua lại 20% vốn từ Minh Vân, hãng này cũng cho biết sẽ mở rộng hệ thống siêu thị lên đến 30 điểm bán.

Bất chấp kết quả kinh doanh của liên doanh Lotte Việt Nam không thuận lợi, Lotte đã đề nghị tăng vốn điều lệ từ 2 năm trước, nhưng chưa được đối tác Việt Nam đồng thuận. Tuy nhiên, trước sức ép tăng vốn thêm 10 triệu USD, việc Minh Vân quyết định bán lại 20% cổ phần ngay trong thời điểm này được xem là phương án khả thi nhất. Lotte được chính thức trở thành NĐT có 100% vốn nước ngoài, tức là được hoàn toàn chủ động trong các chiến lược kinh doanh tại thị trường Việt Nam sau khi đã có bước tiến đáng kể trong thị trường bán lẻ nhờ sự hợp tác với Minh Vân.

Nếu như chuyện hậu trường giữa Lotte và Minh Vân được giải quyết "êm ả" thì mối "lương duyên" giữa Lotte và Bibica lại tạo thành "sóng lớn". "Gia đình" này ngày càng "cơm không lành, canh chẳng ngọt" khi các cổ đông nhỏ của Bibica phản đối quyết liệt trước đề nghị đổi tên thương hiệu bánh kẹo Việt Nam này thành Lotte - Bibica. Nhiều lo ngại về sự "thôn tính" hay "thâu tóm" khi các cổ đông đánh giá lại sự hợp tác chiến lược giữa Bibica và Lotte thấy rằng thương hiệu nước ngoài này không tạo nên bước đột phá cho Bibica như kỳ vọng.

Sau 4 năm hợp tác, cả doanh thu và lợi nhuận của Bibica đều tăng gấp đôi so với năm 2008, nhưng nếu như doanh thu mỗi năm tăng khá đều đặn từ 15 - 20% thì lợi nhuận của Bibica 2 năm gần đây đã thụt lùi. Lãnh đạo Công ty Bibica còn tố cáo Lotte thực hiện chuyển giá với nhóm sản phẩm xuất khẩu làm công ty chịu thiệt hại khoảng 18% về giá bán và Bibica thua thiệt trong các dự án hợp tác.

Câu chuyện với Minh Vân thì hồi kết đã rõ: từ đây, Lotte sẽ thẳng tiến thâm nhập vào thị trường bán lẻ. Nhưng còn với Bibica, hồi kết của cuộc "hôn nhân" này vẫn cần thời gian trả lời. Nhưng chắc hẳn bản thân lãnh đạo cũng như các cổ đông của Bibica cũng phải "thấm thía" với mối quan hệ hợp tác được xem là chiến lược với Lotte. Và bài học của không ít thương hiệu Việt bị hãng ngoại thâu tóm thì vẫn còn đó!

Theo Cẩm An

Thời báo kinh doanh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM