“Cản trở làm giàu chân chính là có tội với nước”
Từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, hai chữ “doanh nhân” đã được hiến định trong Hiến pháp...
“Phong trào thi đua yêu nước trong thời đại mới cần có quan điểm mới “làm giàu chân chính là yêu nước”. Và ai cản trở sự nghiệp làm giàu chân chính của người dân là có tội với đất nước này”.
Đây là quan điểm được TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc đại hội thi đua yêu nước khối doanh nghiệp, doanh nhân toàn quốc lần thứ nhất, sáng 8/10.
Nhìn lại chặng đường từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương (13/10/1945), ông Lộc khái quát, từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, hai chữ “doanh nhân” đã được hiến định trong Hiến pháp 2013.
“Sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong lòng dân tộc là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới ở Việt Nam những năm qua”, ông nói.
Thông tin từ đại hội cũng cho thấy, trải qua gần 1/3 thế kỷ hình thành và phát triển, Việt Nam đã có hàng triệu doanh nhân đang quản lý, điều hành gần 500 ngàn doanh nghiệp, hơn 15 ngàn trang trại và hợp tác xã, trên 4 triệu hộ kinh doanh… giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng của kinh tế quốc gia.
Trong giai đoạn 2010-2015, đã có 13 doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, 38 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được phong tặng danh hiệu này.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, so với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh.
Thời điểm hiện tại, bình quân 200 người dân Việt Nam mới có một doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có một doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, 96-97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ và... siêu nhỏ.
Chủ tịch VCCI cho rằng, một cuộc cách mạng về khởi nghiệp cần phải bắt đầu và có được con số 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 phải là mục tiêu hướng tới. Việt Nam cũng cần phấn đấu để có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới.
Và để có được những doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu hàng đầu cần những nỗ lực đột phá từ hai phía: từ cộng đồng kinh doanh và từ Nhà nước, ông Lộc nói.
Đề cập sự kiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán, ông Lộc nhấn mạnh, sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân.
Vẫn theo Chủ tịch VCCI, Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường, chỉ có thể là bà đỡ, là hậu phương trong thương trường. Chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và đưa đất nước trở nên giàu có là sứ mệnh của doanh nhân.
Để hậu thuẫn cho sự phát triển của giới doanh nhân, Chủ tịch VCCI đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm đổi mới công tác thi đua khen thường với doanh nghiệp, doanh nhân theo hướng chú trọng những đóng góp thực tế, không quá câu nệ cách làm bỏ phiếu bình bầu theo kiểu hành chính và cảm tính như hiện nay.
Và theo ông Lộc, tạo việc làm phải được coi là tiêu thức chính trong việc thi đua, khen thưởng. Bởi, nhìn ra quốc tế, chỉ tiêu tạo việc làm bao giờ cũng là chỉ tiêu số một trong chương trình hành động của tất cả các chính phủ ở mọi quốc gia.
Đề nghị cụ thể được đưa ra từ Chủ tịch VCCI là cần có quy định nếu một doanh nhân có thể giải quyết công ăn việc làm cho 10 lao động, chính quyền cấp xã cần tri ân họ.
Nếu họ tạo ra việc làm cho 100 lao động, thì huyện cần khen thưởng, tạo ra một nghìn việc làm thì tỉnh tri ân, khen thưởng, một vạn việc làm thì Nhà nước khen thưởng và trao tặng danh hiệu anh hùng, chiến sỹ thi đua…