Cách tung hứng của sếp AirAsia

05/09/2012 13:57 PM | Kinh doanh

Nhân vật đưa AirAsia từ một hãng hàng không chi phí thấp trên bờ vực phá sản năm 2001 trở thành một đế chế thương mại trị giá hàng tỉ USD.

  
Từng được đào tạo nghề kế toán, nhưng lại khởi nghiệp với ngành âm nhạc và truyền thông, nhưng Tony Fernandes, Tổng Giám đốc (CEO) Tập đoàn Hàng không giá rẻ AirAsia, đã đưa AirAsia từ một hãng hàng không chi phí thấp trên bờ vực phá sản năm 2001 trở thành một đế chế thương mại trị giá hàng tỉ USD ngày nay.

Brandson vs Fernandes

Nghiệp kinh doanh hàng không chi phí thấp của Fernandes đã có cách đây hơn 25 năm khi ông làm việc cho Virgin Records và Virgin Communications thuộc đế chế của tỉ phú người Anh Richard Branson. Đế chế này có tới 400 công ty thành viên và thương hiệu nổi bật nhất là hãng hàng không Virgin Atlantic và hàng không giá rẻ Virgin Blue.

Tuy cách biệt về tuổi tác (Branson năm nay 62 tuổi, Fernandes 48 tuổi), nhưng có lẽ máu kinh doanh và khả năng nắm bắt cơ hội của cả 2 đều khá giống nhau.

Năm 2001, Fernandes chính thức chia tay với nghiệp làm thuê trong vai trò là Phó Chủ tịch Hãng Warner Music khu vực Đông Nam Á sau khi mua lại AirAsia đang bị thua lỗ từ Tập đoàn DRB-Hicom (Malaysia) với giá chỉ 25 cent, đồng thời ôm luôn khoản nợ hơn 13 triệu USD.

Chỉ 5 năm sau, bằng chiến lược kinh doanh “vết dầu loang”, AirAsia đã thanh toán hết nợ. Từ Kuala Lumpur, Fernandes đã tận dụng mọi cơ hội để mở rộng AirAsia ra toàn khu vực. Năm 2004, Hãng bắt đầu sở hữu 49% vốn trong 2 liên doanh là Thai AirAsia và Indonesia AirAsia. Ba năm sau, AirAsia bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam bằng chiến lược thành lập liên doanh góp 30% vốn với VietJetAir. 

Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành vì nhiều lý do. Không đạt mục tiêu với Việt Nam, nhưng bù lại, thương hiệu giá rẻ này đã ký kết với 2 liên doanh khác là Philippines AirAsia và Japan AirAsia trong năm 2011. Máy bay của cả 2 liên doanh này đã cất cánh thương mại vào tháng 6 và tháng 8.2012, cùng khai thác thị trường nội địa và kết nối mạng toàn cầu của AirAsia.

Trước đó, đầu năm 2010, Fernandes cũng đã liên minh với chủ Hãng Jetstar (Úc) hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí để tiếp tục cung cấp các mức giá vé rẻ hơn cho hành khách. Đây là bước đi chiến lược của AirAsia và Jetstar nhằm thống trị phân khúc hàng không giá rẻ toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ bí quyết kinh doanh, Fernandes chỉ gói gọn trong cụm từ “tiết kiệm tối đa chi phí”. Hình thức đặt vé qua mạng, bán thức ăn và đồ uống trên máy bay, tập trung cho các chuyến bay tầm ngắn... đã giúp AirAsia có chi phí quản lý thấp nhất thế giới, với chỉ 3,52 cent/km so với lợi nhuận lên tới 4,87 cent/km. Trong khi các chỉ số này của Thai Airways là 7,15 cent/km và 6,76 cent/km.

Tương tự như Branson, Fernandes ngày càng mở rộng đế chế thương mại của mình thông qua các hoạt động như thành lập đội đua ôtô Caterham F1. Chỉ riêng chi phí thuê 2 tay đua Heikki Kovalainen (Phần Lan) và Jarno Trulli (Ý) đã ngốn hàng chục triệu USD/năm.

Để san sẻ chi phí của Caterham F1, tháng 6.2011, Fernandes đã bắt tay với Tập đoàn sản xuất ôtô Proton (Malaysia). Theo trang web the star online của Malaysia, AirAsia đã tăng doanh số bán vé hơn 10% trên các tuyến bay đến Kuala Lumpur trong năm 2011 nhờ hành khách yêu thích môn thể thao này.

Trước đó, tháng 10.2009, Femandes cũng đã trở thành nhà sáng lập Giải bóng rổ khu vực ASEAN (ABL). Hiện nay, ABL đã thu hút được hàng triệu lượt khán giả với các nhà tài trợ thường xuyên như GE (Mỹ) và Molten (Nhật). Các trận đấu hằng tuần của ABL được kênh truyền hình Star Sports và ESPN phát đi khắp thế giới. Tất nhiên, thương hiệu hưởng lợi nhiều nhất chính là AirAsia.

Chưa hết, Fernandes còn bành trướng qua các lĩnh vực kinh doanh khác thông qua thương hiệu Tune. Chẳng hạn, Tune Hotels (hệ thống khách sạn giá rẻ từ 3 USD/ngày trở lên tại Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Anh); Tune Money (dịch vụ tài chính); Tune Talk (dịch vụ điện thoại di động giá rẻ); Tune Sport (F1, ABL); Tune Tones (đầu tư vào lĩnh vực truyền thông, sáng tạo, sản xuất phim ảnh, phát triển tài năng trẻ trong nước và quốc tế) và Tune Air (AirAsia, AirAsia X).

Lấy khu vực ASEAN làm trọng tâm phát triển

Mặc dù tên tuổi của Fernandes luôn gắn liền với những thành công của AirAsia trong hơn 10 năm qua, nhưng nhân vật từng được Tạp chí Jane’s Transport Finance (Anh) bầu chọn là “Tổng Giám đốc Hãng hàng không của năm 2009” này cũng từng nếm mùi thất bại.

Với khẩu hiệu “Bây giờ tất cả mọi người đều có thể bay” (Now everyone can fly), Fernandes tất nhiên muốn vươn tầm hoạt động của Hãng sang tận châu Âu với thương hiệu AirAsia X. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 3 vừa qua, Hãng đã ngưng các chuyến bay đến London và Paris. Chi phí thuế, xăng dầu, phục vụ mặt đất ngày càng gia tăng, cùng nhu cầu đi lại giảm sút từ khu vực châu Âu khiến cho AirAsia X càng bay càng lỗ. Trước đó, Hãng cũng đã ngưng các tuyến bay đến New Delhi và Mumbai với cùng một lý do.

Như vậy, chiến lược trước mắt và trong dài hạn của AirAsia là vẫn hướng về châu Á - Thái Bình Dương, lấy ASEAN làm trọng tâm phát triển. Đây cũng là khẳng định của Fernandes tại buổi ra mắt tổng hành dinh của AirAsia tại Jakarta với mục tiêu nâng mức lợi nhuận lên gấp 5 lần trong thời gian tới và chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Jakarta.

Tuy nhiên, theo Hãng thông tấn Reuters, việc chuyển văn phòng khu vực ASEAN về Jakarta có liên quan tới vụ hoán đổi cổ phiếu bất thành giữa AirAsia và Malaysia Airlines (MAS) do vấp phải phản đối của công đoàn của MAS. 

Theo Nhịp cầu đầu tư

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM