Cách duy nhất để làm được những điều vĩ đại là yêu việc mình làm – đúng hay sai?
Đó là kiến nghị của chung kết Giải đấu Tranh biện Khởi nghiệp tại Hà Nội do Công ty CP Tìm Việc Nhanh tổ chức – một câu nói của Steve Jobs trong bài phát biểu của ông tại lễ tốt nghiệp của đại học Stanford.
Đó là kiến nghị của chung kết Giải đấu Tranh biện Khởi nghiệp tại Hà Nội do Công ty Cổ phần Tìm Việc Nhanh tổ chức – một câu nói của Steve Jobs trong bài phát biểu nổi tiếng của ông tại lễ tốt nghiệp của đại học Stanford.
Thoạt đầu, một số người có thể cho rằng câu này không có gì để tranh biện vì đây dường như đã là một chân lý rồi.
Một mặt, tình yêu với công việc, cái thứ được hiểu như là đam mê sâu thẳm và chân thành, có thể được xem là động lực để con người ta có thể miệt mài làm việc. Nếu không có tình yêu với công nghệ thông tin, có lẽ Steve Jobs đã không đủ kiên nhẫn để làm lại từ đầu sau khi bị chính Apple sa thải ở tuổi 30. Nếu không có tình yêu, có lẽ ông đã không trăn trở làm thế nào để làm ra được những chiếc máy tính, điện thoại đẹp và thông minh nhất. Giống như khi ta yêu một ai đó, ta nhìn thấy được những cái đẹp tiềm ẩn của họ mà người ngoài không nhận ra được và biết cách, mong muốn làm nổi bật cái đẹp đó lên. Hãy nhìn những người đang yêu thì bạn sẽ hiểu.
Tuy nhiên, những ai đã chứng kiến chung kết Giải đấu Tranh biện sẽ hiểu được rằng, chưa chắc mọi con đường dẫn tới cái gọi là vĩ đại đều “lãng mạn”. Steve Jobs chỉ là một trong số vô vàn cá nhân đã và đang làm nên những điều vĩ đại, và mỗi người trong số họ đều có câu chuyện riêng.
Như Luật gia Trẻ, quán quân của Giải đấu, đã định nghĩa, điều vĩ đại là thứ vượt lên chuẩn mực thông thường, vượt xa cái gọi là “tốt”. Vì vậy, điều vĩ đại có khả năng thay đổi thông lệ, thói quen, cách suy nghĩ hiện hành.
Coca-Cola có thể được coi là một phát minh vĩ đại – nước giải khát này thống trị các bữa tiệc, bữa ăn hàng ngày trên khắp thế giới. Tuy nhiên, người tìm ra công thức Coca-Cola không hề làm trong lĩnh vực nước giải khát, cũng không miệt mài với kinh doanh, làm giàu. Ông là John Pemberton, một dược sỹ nghiên cứu thuốc đau đầu. Một hôm, trợ lý của ông đã vô tình trộn lá coca, hạt cola với nước có ga và thế là Coca-Cola ra đời. Ông Pemberton đã mất hai năm sau đó và không hề được chứng kiến sự phát triển của đế chế nước giải khát này. Như vậy, đằng sau phát minh Coca-Cola không có sự hiện diện của tình yêu với công việc mà là sự tình cờ.
Chung kết giữa Luật gia Trẻ (phải) và YVS
Một trường hợp khác là luận điểm về việc yêu “mục đích” của công việc chứ không yêu công việc đó. Như YVS, đội đại diện cho quan điểm phản đối kiến nghị, đã trình bày: người ta có thể làm những công việc họ không hề yêu như nhặt rác vì tình yêu với môi trường. Cái YVS muốn nói đến có lẽ là sự sẵn sàng hy sinh để đạt được một mục đích vĩ đại nào đó.
Ông Chris Gardner, sáng lập và CEO của công ty môi giới chứng khoán Gardner Rich & Co từng là một ông bố trẻ vô gia cư và không có bằng đại học. Cuộc đời ông đã được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng của Hollywood, The Pursuit of Happyness (Mưu cầu Hạnh phúc). Ông Gardner từng ao ước trở thành bác sỹ nhưng đã quyết định từ bỏ vì nghề này đòi hỏi tận 10 năm học. Sau đó ông chuyển sang bán hàng thiết bị y tế nhưng do lương không đủ sống, ông đã chuyển mục tiêu phấn đấu sang nghề môi giới chứng khoán khi được biết nghề đó trả lương rất cao.
Qua câu chuyện của ông Gardner, ta có thể thấy, điều vĩ đại ông đã làm nên – vượt lên trên số phận để trở thành một doanh nhân thành đạt - không phải nhờ tình yêu với chứng khoán mà là nghị lực phi thường để thoát cái nghèo, cái nhục và vì con. Đó là động lực khiến ông luôn đến sớm nhất và về muộn nhất để trở thành thực tập sinh xuất sắc nhất tại một công ty chứng khoán trong khi không có nhà để ở và bị vợ bỏ rơi với đứa con trai nhỏ.
Quay lại với kiến nghị tranh biện, câu hỏi đặt ra là liệu tình yêu với công việc đã nhen nhóm và nở hoa trong quá trình làm việc mình không (hay chưa) yêu vì một mục đích cao lớn nào đó hay không. Liệu việc ông Gardner không thành công khi bán thiết bị y tế có phải do ông không yêu công việc và phải đến khi ông phát hiện ra nghề chứng khoán thì tình yêu đã dần nở ra, cộng với nỗ lực phi thường đã giúp ông thành công như ngày hôm nay? Còn câu chuyện Coca-Cola thì sao? Điều vĩ đại ở đây có thực sự là công thức pha chế hay nỗ lực của những con người sáng lập và phát triển nên thương hiệu này?
Câu trả lời tác giả xin nhường lại cho độc giả tự quyết định!
Nhiều kiến nghị tranh biện hay xoay quanh chủ đề “khởi nghiệp” sẽ đến với các đội tranh biện ở TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 30/09 và kết thúc bằng trận chung kết ngày 04/10 tại ngày hội việc làm Hành trình Khởi nghiệp được tổ chức ở Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh bởi timviecnhanh.com. Ngoài ra, clip các trận đấu đều được đăng tải trên website http://tranhbien.vn.
A.D