Buôn hàng hiệu kiểu Johnathan Hạnh Nguyễn

10/10/2012 16:09 PM | Kinh doanh

Đầu tư hơn 40 triệu USD cho trung tâm mua sắm hàng hiệu cao cấp và đạt mức doanh thu tăng trưởng hơn 38% so với dự kiến ngay năm đầu tiên.

Mức thuế nhập khẩu hàng xa xỉ của Việt Nam là 30% (so với 0% của Singapore), cộng thêm 10% thuế VAT. 

Nhãn hàng thời trang cao cấp Cartier vừa tổ chức chuyến thăm Hồng Kông trong 1 tuần nhằm cảm ơn 9 cặp doanh nhân thành đạt Việt nam. “Tổng giá trị hàng hóa Cartier họ đã mua lên tới hơn 3 triệu USD”, ông Michael Guenoun, Giám đốc xuất khẩu của Cartier khu vực Viễn Đông, cho biết. Theo ông, đồng hồ đeo tay, nhẫn và túi xách cao cấp là 3 mặt hàng mà những người này đã mua nhiều nhất.

Tháng 6.2012, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã công bố kết quả khảo sát về “Giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập” tại Việt Nam. Theo đó, số người trong nước có tài sản từ 1 triệu USD trở lên đã tăng tới 33% trong năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010.

Tất nhiên, ăn ngon mặc đẹp là một nhu cầu chính đáng của các triệu phú đô la này, trong đó có việc mua sắm hàng hiệu.

Không lẫn vào đám đông

Nắm bắt thời cơ, năm 2008, thương hiệu thời trang thế giới Louis Vuitton (LV) đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên ngay tại vị trí đắc địa nhất TP.HCM.

Sang đầu năm 2011, Tập đoàn Imex Pan-Pacific (IPP) của doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn đã đầu tư hơn 40 triệu USD cho trung tâm mua sắm hàng hiệu cao cấp Rex Arcade tọa lạc tại khách sạn Rex. “Ngay trong năm đầu tiên, chúng tôi đã đạt mức doanh thu tăng trưởng hơn 38% so với dự kiến”, ông Hạnh cho biết.

Rex Arcade tập trung vào 4 yếu tố: sản phẩm, phân phối, giá cả và truyền thông.

Đối với sản phẩm, lợi thế về kinh nghiệm kinh doanh thương hiệu hàng miễn thuế trong hơn 20 năm qua tại Việt Nam đã giúp IPP tiếp cận được tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH (Pháp) để phân phối các nhãn hiệu cao cấp như Chanel, Burberry, Cartier, Ferragamo, Rolex... tại Rex Arcade. 16 trong tổng số 48 thương hiệu LVMH sở hữu đã có mặt tại Việt Nam thông qua IPP.

Về kênh phân phối, đặc thù của mô hình kinh doanh này là có kênh phân phối rất chọn lọc. Địa điểm thường là ở các thành phố lớn với mãi lực mua sắm đủ đảm bảo cho mức tăng trưởng doanh thu trung bình từ 15-20%/năm. Tại Việt Nam, ngoài Rex Arcade, IPP còn có các địa điểm phân phối khác tại trung tâm thương mại Vincom, trung tâm thương mại Eden (khai trương ngày 10.10.2012) và trung tâm thương mại Tràng Tiền ở Hà Nội (dự kiến khai trương ngày 9.1.2013). Riêng tại Tràng Tiền, IPP có tới 20 cửa hàng mua sắm hàng hiệu với tổng giá trị đầu tư xấp xỉ 100 triệu USD.

Về giá cả, hầu hết hàng hiệu bán tại Rex Arcade đều có giá bán từ vài trăm USD đến vài chục ngàn USD. Đặc biệt, các sản phẩm được kinh doanh dựa trên triết lý “không lẫn vào đám đông” nên thường ít giảm giá, khuyến mãi, thậm chí cả trong tình hình kinh tế suy giảm.

Cách làm truyền thông của Rex Arcade cũng được IPP cố gắng tạo sự khác biệt. Ngay từ thời điểm ra mắt các gian hàng như Salvatore Ferragamo, Cartier, Rolex, giới tiêu dùng đã được xem các buổi trình diễn thời trang kết hợp giới thiệu trang sức do các ngôi sao giải trí trong nước và quốc tế thực hiện. Chi phí tổ chức các sự kiện này thường lên tới tiền tỉ. 

Ngoài ra, các kênh truyền thông khác mà IPP đang sử dụng là quảng cáo trên những tạp chí thời trang, tạp chí trên các chuyến bay nội địa và quốc tế. Đặc biệt, ông Hạnh cho biết IPP đang phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xúc tiến chương trình: “Năm du lịch hàng hiệu 2013” tại Việt Nam nhằm thu hút ngoại tệ thông qua việc mua sắm hàng hiệu cao cấp từ hàng triệu du khách nước ngoài.

“Sau gần 2 năm hoạt động, Rex Arcade đạt tăng trưởng doanh thu 38% trong năm 2011, nhưng chúng tôi chỉ đặt mục tiêu tối đa 10% cho năm nay do tình hình không thuận lợi. Điểm tích cực là IPP hiện đã chiếm gần 70% thị phần hàng hiệu cao cấp tại Việt Nam”, ông Hạnh nói.

Tỉ suất sinh lời 40%

Theo tính toán của các chuyên gia đăng trên báo The Economist mới đây, hàng hiệu như LVMH thường có tỉ suất sinh lời cao nhất từ 40-45% từ năm hoạt động thứ năm trở đi.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình kinh doanh hàng hiệu cao cấp có thể không đạt được mức sinh lời như vậy.

“Hiện mặt bằng trung tâm thương mại có giá thuê xấp xỉ 4,2 triệu đồng/m2, gần gấp đôi so với Singapore”, ông Hạnh cho biết.

Tiếp đến, mức thuế nhập khẩu hàng xa xỉ của Việt Nam hiện là 30% (so với 0% của Singapore), cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT). Đây cũng là một bất lợi trong cạnh tranh thu hút khách mua sắm với các nước trong khu vực.

Ông Ralf Matthaes, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Công ty Nghiên cứu Thị trường TNS, cho biết: “Năm 2011, thị trường hàng hiệu cao cấp ở khu vực thành thị của Việt Nam có liên quan tới 19% dân số tại đây”. Điều này đồng nghĩa với thói quen mua sắm hàng đắt tiền đang dần lan sang cả giới trung lưu tại Hà Nội và TP.HCM. 

Tuy nhiên, hiện tượng này từng xảy ra tại Trung Quốc với nhãn hàng LV trong năm vừa qua với tác dụng ngược. Khi LV đã trở nên quá phổ biến với số đông tại Trung Quốc, nó không còn là hàng để khẳng định đẳng cấp nữa. Đây cũng là lời cảnh báo dành cho Việt Nam. 

Theo Nhịp cầu đầu tư

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM