Bí quyết nung đất kiếm tiền của đại gia gốm sứ Minh Long
Triết lý kinh doanh của ông gói gọn trong “Bốn không - Bốn có”: Không thời gian - Không biên giới - Không giới tính - Không tuổi tác và Có văn hóa - Có nghệ thuật - Có phong cách riêng - Có hồn.
Từ năm 12 tuổi, lý Ngọc Minh đã góp nhặt đam mê để thắp ngọn lửa nghề gốm sứ và giữ cho nó sáng mãi.
Mang nghiệp vào thân
Từ cái nhìn đầu tiên, Lý Ngọc Minh biết mình đã “phải lòng” gốm sứ. Đấy là tại một cuộc triển lãm đồ gốm của một người bạn của cha ông. Năm ấy, chú bé Minh mới 12 tuổi, nhưng đã mang lòng “thương thầm nhớ trộm” “nàng”. Say mê ngắm những món đồ gốm Tân Hòa Phát, cậu bé đâu có ngờ một sợi dây vô hình nhưng bền chặt rồi sẽ nối liền cuộc đời cậu với gốm sứ mãi mãi.
Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Lý Ngọc Minh nung nấu ý định phải làm chủ kỹ thuật tạo men màu phức tạp. Sau đó là những tháng ngày tự nhốt mình trong căn phòng thí nghiệm, làm đi làm lại cho nhuần nhuyễn kỹ thuật men màu. Đến nỗi màu men cứ ám ảnh anh cả trong giấc ngủ.
Yêu gốm sứ quên ăn quên ngủ, vậy nên không khó hiểu khi anh “vứt” ra đến hơn một lượng vàng vào năm 1972 chỉ để mua chiếc bình hoa của Đài Loan tuyệt đẹp. Thời giá lúc đó chỉ có 50.000 đồng/lượng, còn anh phải bỏ ra tới 55.000 đồng, đổi lại có quyền ôm chiếc bình hoa về nhà nâng niu, ngắm nghía, ăn ngồi với nó. Năm đó, ông chủ tương lai của Minh Long 1, Lý Ngọc Minh mới 22 tuổi.
Thành công của Lý Ngọc Minh phải chăng là nhờ ông đằng đẵng mấy mươi năm một dạ với nghề, chung thủy với nghề. Toàn bộ những kỹ thuật cao nhất trong nghề chế tạo sứ cao cấp đều được ông mày mò học, trực tiếp thử nghiệm, rồi thực hành cho đến lúc làm chủ công nghệ. Nếu như người Đức tự hào về kỹ thuật nung đồ sứ ở nhiệt độ rất cao, trên dưới 1.300 độ C, hiện đại nhất hiện nay, thì không có gì quá khi khẳng định, Việt Nam có Lý Ngọc Minh.
Theo ông, phàm là sản phẩm gốm sứ thì nung ở nhiệt độ càng cao càng cho sản phẩm tốt. Đồ gốm được nung ở mức trên 1.200 độ C, đồ sứ trên 1.300 độ C được coi là đạt chất lượng cao. Để dễ hình dung, hiện các sản phẩm sứ gia dụng tốt tại Việt Nam cũng chỉ ở mức 1.280 độ C. Trong khi đó, hàng sứ cao cấp do Minh Long 1 sản xuất được nung qua nhiệt độ tới 1.380 độ C, cao nhất cả nước và ngang với sản phẩm của Đức.
Công nghệ nung, lò nung gas ở nhiệt độ 1.380 độ C, dây chuyền sản xuất của Minh Long 1 đều được nhập từ Đức và lắp đặt trong nhà máy xây dựng trên diện tích 120.000 mét vuông.
Theo đánh giá của một chuyên gia gốm sứ, tầm nhìn của ông Lý Ngọc Minh rất xa với việc chọn áp dụng công nghệ nung khó nhất 1.380 độ C ngay từ khi thành lập công ty. Với nhiệt độ nung siêu cao như vậy, mọi đặc tính ưu việt nhất đều có trong một sản phẩm sứ: cứng, chắc chắn, bền, an toàn (loại bỏ hoàn toàn chì và cadmium khỏi sản phẩm). Sự quyết liệt của ông Minh được nhiều người cho là đúng đắn, nhờ quyết định cho công ty đi đầu áp dụng công nghệ nano vào quá trình sản xuất.
Nhờ kết cấu nano, các tinh thể kết hợp bền chặt trên bề mặt men và tạo ra ưu điểm cho sản phẩm, như khả năng không cho vết bẩn bám lại trên sản phẩm khi dùng. “Ngọn lửa yêu nghề trong con người ông ấy thậm chí còn cao hơn cả nhiệt độ kỷ lục 1.380 độ C của sản phẩm sứ Minh Long, nếu có thể tạm ví von như vậy”, vị chuyên gia trên kết luận.
Giữ cho ngọn lửa không tắt
Những ngày cuối năm Nhâm Thìn là thời điểm doanh nhân Lý Ngọc Minh bận rộn nhất với những kế hoạch ấp ủ cho năm mới Quý Tỵ. Năm cũ qua, nhưng dư âm của khó khăn chưa hết. Điều gì khiến ông trăn trở?
“Lương công nhân ở Minh Long 1 tăng khoảng 40% theo đà tăng chung của lương cơ bản. Tổng số cán bộ công nhân viên toàn công ty của tôi hơn 2.700 người, riêng công nhân sản xuất đã hơn 2.500 người, nên việc tăng lương là một thử thách lớn”. Vấn đề nan giải mà ông chủ Minh Long 1 phải đối diện năm qua là hạ giá thành sản xuất, mặt khác vẫn đẩy mạnh sản lượng và tăng năng suất.
Ông chia sẻ, năm 2012 sản lượng sản xuất của công ty tăng khoảng 25-30% so với 2011 và sản xuất được 20 triệu sản phẩm.
Tổng doanh số cũng tăng 20%, “dù công ty phải gồng mình lên để giữ giá thành”. Sứ cao cấp của Minh Long 1 hiện nay chiếm khoảng 90% thị trường trong nước, song thách thức mới đặt ra là làm sao vừa giữ vững được thị phần sứ cao cấp trong khi không hạ giá được, vừa đánh vào thị trường sứ gia dụng phổ thông bằng những dòng sản phẩm mới, có chất lượng, an toàn và giá cả phải chăng.
Lý Ngọc Minh ấp ủ kế hoạch xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất cho phân khúc này, để làm sao “với 10% lương công nhân (trung bình 4 triệu đồng/người/tháng) tức là 400.000 đồng, một người lao động vẫn mua được một bộ đồ ăn có chất lượng tốt và an toàn”.
Như vậy, dải sản phẩm của Minh Long 1 dao động từ mức 400.000-600.000 đồng/bộ đồ ăn dành cho người lao động, đến mức triệu đồng một bộ uống trà “Ngọc biển”, thậm chí cực kỳ cao cấp là 300 triệu đồng/ bình hoa vẽ tay có độ tinh xảo rất cao.
“Tôi tâm niệm văn hóa là cái gốc của mọi việc. Kinh doanh càng phải lấy văn hóa làm gốc. Một sản phẩm ra đến thị trường là qua bao nhiêu bàn tay lao động của con người, kết tinh của một quá trình nghiên cứu liên tục, cốt yếu là làm ra việc”, ông tâm sự.
Triết lý kinh doanh ông giữ cho doanh nghiệp này gói gọn trong “Bốn không - Bốn có”: Không thời gian - Không biên giới - Không giới tính - Không tuổi tác và Có văn hóa - Có nghệ thuật - Có phong cách riêng - Có hồn. Triết lý ấy có lẽ được thẩm thấu qua ngàn vạn trang sách cũ thấm đẫm chất nhân văn, tinh thần nhẫn nại, vượt khó, yêu đời, vì chữ Tâm của học giả nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê - người mà ông Lý Ngọc Minh tự tôn làm “Thầy”.
Lý Ngọc Minh dạy 4 người con của ông, những truyền nhân của gia đình họ Lý gốm sứ ở Bình Dương rằng: nghề gốm sứ là cội rễ của dân tộc và dòng họ. Phải nối dài, bện chặt sợi rễ ấy. Hy vọng, các con ông luôn soi vào ngọn lửa đỏ nơi bếp nhà mà cha họ sớm khuya vẫn chụm tay ủ giữ.
Theo Doanh Nhân