Bauxite Tây Nguyên: TKV có bị “hố” khi chọn nhà thầu Trung Quốc?

30/03/2015 08:46 AM | Kinh doanh

Một báo cáo mới đây đã công bố những số liệu cho thấy, TKV ngay từ bước lập dự án và chọn nhà thầu Chalienco (Trung Quốc) đã “sập bẫy giá rẻ”. Và TKV đang phải gánh nhiều hệ luỵ.

Nội dung nổi bật:

- Theo quy định của Luật Đấu thầu (kể cả trường hợp chỉ định thầu), chủ đầu tư (CĐT) bắt buộc phải có hồ sơ mời thầu (HSMT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng thực tế, TKV đã bỏ qua giai đoạn đấu thầu quốc tế rộng rãi, do đó không chọn được các nhà thầu tư vấn có kinh nghiệm và điều này khiến TKV “sập bẫy giá rẻ” do chính mình đặt ra.

- Nếu lấy giá trị thực của sai lệch trong phụ lục trong hợp đồng EPC số 1/TKV-CHALIECO ký giữa TKV và nhà thầu Chalienco (Trung Quốc) (20.000 tấn/năm) nhân với suất đầu tư bình quân khoảng 1.000USD/tấn công suất, mức thiệt hại của VN lên tới 20 triệu USD, tương ứng với doanh thu giảm hằng năm khoảng 5 triệu USD.


Hai dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) đang gặp “sóng gió” khi tại một tọa đàm vừa diễn ra, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc BQL dự án than Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) - công bố những số liệu cho thấy, TKV ngay từ bước lập dự án và chọn nhà thầu Chalienco (Trung Quốc) đã “sập bẫy giá rẻ”. Và TKV đang phải gánh nhiều hệ luỵ.

Trúng thầu giá rẻ, thành... không rẻ

Trong bản báo cáo “Bauxite Tây Nguyên: Những con số biết nói”, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, theo quy định của Luật Đấu thầu (kể cả trường hợp chỉ định thầu), chủ đầu tư (CĐT) bắt buộc phải có hồ sơ mời thầu (HSMT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, ở VN đến nay không có bất kỳ cơ quan tư vấn nào có đủ kinh nghiệm và trình độ để thực hiện cả 3 công đoạn trên. Giá trị hợp đồng thuê tư vấn quốc tế thường chiếm không quá 5% số giá trị gói thầu EPC (khoảng 600 tỉ đồng). Nhưng thực tế, TKV đã bỏ qua giai đoạn đấu thầu quốc tế rộng rãi, do đó không chọn được các nhà thầu tư vấn có kinh nghiệm và điều này khiến TKV “sập bẫy giá rẻ” do chính mình đặt ra.

Báo cáo cũng cho biết, theo quy định, HSMT của CĐT cần giữ bí mật cho đến khi bán cho các đối tác dự thầu. Còn hồ sơ dự thầu (HSDT) của các nhà thầu cần giữ bí mật cho đến khi công bố kết quả đấu thầu, nhưng việc tiệm cận HSMT và HSDT của các dự án alumina vẫn rất khó khăn do TKV thiếu công khai và minh bạch.

Cụ thể, theo phụ lục trong hợp đồng EPC số 1/TKV-CHALIECO ký giữa TKV và nhà thầu Chalienco (Trung Quốc) ngày 14.7.2008 của dự án Tân Rai, nhà thầu chỉ cam kết về công suất 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm so với công bố của TKV. Nếu lấy giá trị thực của sai lệch này (20.000 tấn/năm) nhân với suất đầu tư bình quân khoảng 1.000USD/tấn công suất, mức thiệt hại của VN lên tới 20 triệu USD, tương ứng với doanh thu giảm hằng năm khoảng 5 triệu USD.

Tương tự, hệ số huy động công suất theo nhà thầu cam kết là lớn hơn hoặc bằng 92,5% (tương đương với 8.103 giờ/năm). Thời gian phải dừng để sửa chữa 28 ngày/năm, tức tương đương với hệ số huy động chỉ có 92,3%, hay tương đương với 8.088 giờ/năm. Sai lệch 15 giờ này trong HSDT tương đương với công suất là 1.302 tấn/năm, quy ra tiền là khoảng 4,05 triệu USD.

Chỉ số đánh giá mức tiêu hao quặng bauxite tinh là chỉ tiêu đánh giá rất quan trọng của dự án alumina. Trong khi mức tiêu hao quặng để sản xuất alumina bình quân trên thế giới là dưới 2 tấn/tấn, mức cam kết của nhà thầu lại là 2,737 tấn/tấn. Giá trị bằng tiền của sai lệch này là 11,607 triệu USD/năm. Nhân với giá trị trong vòng 20 năm, với lãi suất 5%/năm, lên tới 144,65 triệu USD... Thống kê 4 tiêu chuẩn cam kết chính của Chalienco, tổng các giá trị sai lệch trong hồ sơ mời thầu của nhà thầu này lên tới 344 triệu USD (số tròn). TS Sơn cho rằng, nếu nói theo ngôn ngữ kinh tế thì TKV đã mua dự án Tân Rai đắt hơn giá trị thực 344 triệu USD.

Sản xuất tinh quặng alumin tại nhà máy alumin Tân Rai. Ảnh: TL.

Sản xuất tinh quặng alumin tại nhà máy alumin Tân Rai. Ảnh: TL.

Liệu có lãi giả, lỗ thật?

Trong quá trình sản xuất alumina Tân Rai, báo cáo cũng chỉ ra dự án có giá thành sản xuất rất thấp. Theo công bố của TKV tại Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN ngày 9.5.2013, tổng mức đầu tư của Tân Rai là 14.642 tỉ đồng, thời hạn khấu hao dự kiến 30 năm.

Giá trị khấu hao tài sản phải được đưa vào giá thành hằng năm thì tính ra giá thành tính đủ khấu hao và chi phí vận chuyển của alumina Tân Rai năm 2013 là 9.974.379đ/tấn, tương đương 464USD/tấn. TKV chỉ công bố con số giá bán 7.957.414 đ/tấn (tương đương 370USD/tấn). Như vậy, để báo cáo Thủ tướng “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó”, TKV đã cố tình “lờ” đi con số lỗ khổng lồ của năm 2013 là 464 - 370= 94USD/tấn. Cả năm 2013, mức lỗ tương đương khoảng 16 triệu USD/năm.

Cũng theo báo cáo, năm 2014, TKV không dám công bố quyết toán mà “phong tỏa” số liệu quyết toán của dự án Tân Rai. Năm 2014, tổng số alumina tiêu thụ là 492.000 tấn với giá bán bình quân 326,5USD/tấn. Tuy nhiên, giá thành bình quân của alumina tính cả chi phí vận tải về cảng Gò Dầu, và tính đủ khấu hao vào khoảng 8.891.263đ/tấn, tương đương 413,5USD/tấn. Như vậy, năm 2014, mỗi tấn alumina bị lỗ ít nhất là 87USD/tấn. Tổng số lỗ của năm này là 42,8 triệu USD/năm.

Với năm 2015, TKV lên kế hoạch cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ sản xuất 660.000 tấn alumina, với tổng doanh số dự kiến 4.920 tỉ đồng. Theo tính toán, TKV sẽ lỗ... 37,42 triệu USD/năm nếu sản xuất hết công suất thiết kế. Điều này trái ngược với những số liệu TKV công bố về dự án đang chứng minh hiệu quả kinh tế với nguồn thu từ xuất khẩu xấp xỉ 160 triệu USD luỹ kế đến hết năm 2014.

Trao đổi với Báo Lao Động chiều ngày 29.3, Phó TGĐ TKV Nguyễn Văn Biên cho biết, ông mới biết thông tin liên quan đến báo cáo của TS Nguyễn Thành Sơn qua báo chí. Ông cho hay, TKV sẽ cho xem xét lại các số liệu liên quan và sẽ thông tin chính thức tới báo chí trong thời gian tới.

>> Bauxite Tây Nguyên: 'Cố đấm ăn xôi' và 'tư duy nhiệm kỳ'

Theo Hồng Quân

Cùng chuyên mục
XEM