8 khách sạn lớn bị dọa kiện vì tác quyền âm nhạc

10/11/2012 22:16 PM | Kinh doanh

Hồ sơ vi phạm tác quyền có tên một loạt khách sạn lớn ở Hà Nội như Daewoo, InterContinental, Sheraton...


Hồ sơ vi phạm tác quyền của một loạt khách sạn lớn ở Hà Nội như Daewoo, InterContinental, Sheraton... cùng 4 đơn vị khác bị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chuyển cho luật sư giải quyết.

Luật sư Phạm Thanh Thủy - đại diện pháp lý của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - cho biết, ngày 31/10 VCPMC đã chuyển hồ sơ vi phạm của tám khách sạn (Daewoo, Hà Nội, InterContinental, Sofitel Plaza, Melia, Metropole, Sheraton và Hanoi Horison), Công ty cổ phần tổ chức sự kiện CM Việt Nam và website âm nhạc teenpro.vn sang Văn phòng luật sư Phạm và liên danh.

Ngày 9/11, VCPMC tiếp tục gửi sang Văn phòng luật sư Phạm và liên danh hồ sơ vi phạm của Công ty Cổ phần Truyền thông Quê hương và công ty Cổ phần truyền thông Max.

Theo bà Thanh Thủy, việc kiện tụng là “cực chẳng đã”. Theo thống kê của trung tâm, tám khách sạn đã sử dụng những tác phẩm âm nhạc trong và ngoài nước do VCPMC bảo hộ tác quyền một thời gian dài nhưng không chịu trả tiền. Nhà hàng trong khách sạn mở băng đĩa, dịch vụ karaoke tại phòng, nhạc dùng ở quầy bar và nhạc nền ở sảnh khách sạn. Sau thời gian đàm phán nhưng không đạt được thỏa thuận, VCPMC đã yêu cầu các khách sạn này ngưng sử dụng các tác phẩm âm nhạc do mình bảo hộ từ ngày 31/10.

Đối với ba công ty truyền thông, bà Thủy cho biết, Công ty cổ phần tổ chức sự kiện CM Việt Nam từ chối nộp tiền tác quyền tổ chức hai đêm diễn của live show “Chế Linh bài ca kỷ niệm” tại Đà Nẵng (27/9) và Hải Phòng (31/10). Công ty Cổ phần Truyền thông Quê Hương không nộp tiền tác quyền đêm nhạc “Thu quyến rũ” (6/10), Công ty cổ phần Truyền thông Max không nộp tiền tác quyền đêm nhạc “Liveshow Tuấn Hưng - Ngày trở về” (31/3) và “Giấc mơ mùa thu” (20/10) dù đã nhận được văn bản yêu cầu của VCPMC.

Website âm nhạc teenpro.vn cho phép nghe nhạc trực tuyến, tải nhạc, cung cấp nhạc chờ, trong đó có các sản phẩm được VCPMC bảo hộ. Danh sách những tác phẩm bảo hộ này đã được VCPMC đăng tải trên trang web của Trung tâm.

Theo bà Thủy, 12 đơn vị trên chưa phải là con số cuối cùng. VCPMC đang tiếp tục đưa hồ sơ những đơn vị vi phạm sang phía văn phòng luật sư. “Chúng tôi quyết định làm mọi việc tới cùng vì hiện tại các vi phạm đã tràn lan. Nếu không thể thỏa thuận thì buộc phải cùng nhau ra tòa. VCPMC sẽ phối hợp với thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Bộ Thông tin Truyền thông trong việc tìm ra các đơn vị vi phạm và ủy quyền cho văn phòng luật sư làm việc với họ” - bà Thủy phát biểu.

cl-jpg-1352520619-1352520819_500x0.jpg
Chế Linh trong chương trình "Bài ca kỷ niệm" ở Đà Nẵng. Chương trình này bị VCPMC tố là không đóng tiền tác quyền bài hát dù giá vé rất cao. Ảnh: Minh Kiên.

Thời gian thương thảo giữa hai bên là 15 ngày. Nếu quá thời gian thương thảo, Văn phòng luật sư Phạm và liên danh sẽ tiến hành khởi kiện ra tòa. Số tiền mà VCPMC yêu cầu các đơn vị này trả gồm số tiền tính theo biểu giá, chi phí trả cho văn phòng luật sư và bồi thường thiệt hại.

Chiều 9/11, Văn phòng luật sư Phạm và liên danh đã gửi công văn tới các đơn vị vi phạm theo danh sách VCPMC cung cấp, nhưng chưa nhận được phản hồi. Phía VCPMC và Văn phòng luật sư Phạm và liên danh cũng không kiểm tra được tám khách sạn có ngưng sử dụng các tác phẩm âm nhạc do VCPMC bảo hộ hay không.

Theo số liệu từ VCPMC, từ năm 2007 đến 2010, các khách sạn này đều trả tiền tác quyền cho các hoạt động sử dụng nhạc. Nhưng từ năm 2010 trở đi, các khách sạn từ chối chi trả với lý do “Chính phủ chưa có biểu giá cụ thể”. Đại diện của VCPMC cho rằng, đây là lý do không thuyết phục vì VCPMC đã nhiều lần giải thích cụ thể cho các đơn vị về cách tính của mình. Theo VCPMC, Bộ Tài chính không đưa ra biểu giá cụ thể vì tác phẩm âm nhạc là tài sản cá nhân, bên Trung tâm xây dựng biểu giá công khai dựa vào nghị định 61 ban hành năm 2002 về chế độ nhuận bút, thỏa thuận với các tác giả và tham khảo thế giới.

Theo Huy Phạm
vnexpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM