5 thương vụ M&A nổi bật nửa cuối năm 2012

06/12/2012 01:47 AM | Kinh doanh

Dù không sôi động như nửa đầu năm những nửa cuối năm vẫn có một số thương vụ M&A có giá trị lớn hàng chục triệu USD

Nửa đầu năm 2012, cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán thì đã có khá nhiều thương vụ M&A và mua bán cổ phần được tiến hành.

Trong nửa cuối năm, thị trường trầm lắng đã làm cho hoạt động M&A không còn sôi động như trước. Tuy nhiên, vẫn có những thương vụ lớn đáng chú ý.

Masan Consumer – Proconco: 96 triệu USD

Đầu tháng 10, Tập đoàn Masan đã công bố việc mua lại 40% cổ phần của CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) từ phía Prudential.

Đây là thương vụ M&A thứ 3 có liên quan đến Masan Consumer trong 2 năm qua sau thương vụ phát hành 10% cổ phần cho KKR và thâu tóm Vinacafe Biên Hòa.

Giá trị của thương vụ này là 96 triệu USD, qua đó định giá nhà sản xuất cám Con Cò ở mức 240 triệu USD. Proconco hiện là doanh nghiệp có thị phần lớn thứ 2 trong lĩnh vực thức ăn gia súc với doanh thu năm 2011 đạt hơn 12.000 tỷ đồng.

Sau thương vụ này thì Masan Consumer vẫn còn rất nhiều tiền mặt sẵn sàng cho việc tìm kiếm các thương vụ M&A mới. Đầu tháng 11, công ty đã mua thêm hơn 2,5% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa.


Talanx rót thêm vốn vào PVI: ~ 27 triệu USD

Sau khi rót 93 triệu USD mua 25% cổ phần của PVI trong năm ngoái, hãng bảo hiểm Đức Talanx tiếp tục rót thêm 27 triệu USD (560 tỷ đồng) nữa để tăng tỷ lệ nắm giữ lên 31,8%.

Điểm đáng chú ý là Talanx đã chấp nhận mua cổ phiếu với giá cao hơn gấp đôi so với thị giá cổ phiếu PVI trên sàn.

Tổng cộng Talanx đã rót hơn 2.400 tỷ đồng (120 triệu USD) để mua 74,5 triệu cổ phiếu PVI. Trong khi đó, lượng cổ phiếu này theo thị giá chỉ có giá trị hơn 1.100 tỷ đồng.

Cũng trong lĩnh vực bảo hiểm, hãng bảo hiểm Australia IAG đã bỏ ra khoảng 21 triệu USD để mua 30% cổ phần của CTCP Bảo hiểm AAA.

IAG có dự định nâng tỷ lệ nắm giữ tại AAA lên 49% khi điều kiện cho phép.

Panga Holdco – Gò Đàng: ~ 26,5 triệu USD

Mới đây, thông qua mua trên sàn và mua qua phát hành riêng lẻ, một công ty Singapore là Panga Holdco đã bỏ ra 554 tỷ đồng để mua 8,8 triệu cổ phiếu, tương đương 48,89% cổ phần của CTCP Gò Đàng (AGD).

Panga Holdco là một công ty trực thuộc Navis Capital (Malaysia) lập ra đề đầu tư vào Gò Đàng.

Mặc dù chỉ là một công ty có quy mô trung bình trong ngành thủy sản nhưng AGD lại có được lợi nhuận lớn và tỷ suất lợi nhuận cao. Sản phẩm chính của công ty là nghêu sò và cá tra.

Với mức giá 60.000 đồng/cổ phiếu, hiện AGD là cổ phiếu có thị giá cao nhất trong nhóm cổ phiếu thủy sản.

Minh Phú (MPC) – doanh nghiệp lớn nhất ngành xuất khẩu thủy sản – hiện cũng đang trong quá trình đàm phán để bán 30 triệu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thị giá MPC hiện ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu, giá sử phát hành ở mức tương đương thị giá hiện tại thì giá trị thu về sẽ vào khoảng 900 tỷ đồng (43 triệu USD). Dự kiến đến đầu năm sau Minh Phú mới hoàn tất đợt phát hành.

DWS Vietnam Fund đầu tư vào VTC Online: 10 triệu USD

Theo thông báo từ Công ty Cổ phần VTC Truyền thông Trực tuyến (VTC Online): trong tháng 7/2012, công ty này đã nhận 10 triệu USD đầu tư từ Quỹ DWS Vietnam Fund. Đây là quỹ thứ 2 đầu tư vào VTC Online sau quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam.

Tỷ lệ sở hữu của DWS tại VTC Online không được công bố.

Theo VTC Online thì đây là giao dịch đầu tư có quy mô lớn nhất trong ngành CNTT tại Việt nam với mức giá mỗi cổ phần cao hơn tất cả các công ty đang niêm yết trên sàn năm nay.

SHB “cõng” Habubank và Bianfishco

Cuối tháng 10, số cổ phiếu SHB phát hành thêm do hoán đổi từ cổ phiếu HBB đã chính thức đi vào giao dịch, đánh dấu sự kết thúc cho quá trình sáp nhập Habubank vào SHB.

Tuy vậy, SHB vẫn còn một quá trình dài để khắc phục những khó khăn trước đây của Habubank.

Trong Q3/2012, quý đầu tiên sau khi hợp nhất Habubank, SHB ghi nhận khoản lỗ 1.700 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ hơn 1.100 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ngân hàng phải trích lập dự phòng các khoản nợ cũ của Habubank.

Hiện tại, giá cổ phiếu SHB đang ở “vùng đáy”, dao động quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng với việc sáp nhập Habubank thì SHB cũng phải “ôm” 50% cổ phần của Bianfishco.

Trong năm 2011 và 8 tháng đầu năm 2012, Bianfishco đã lỗ tổng cộng 1.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối tháng 8/2012 là -851 tỷ đồng.

KAL

duchai

Cùng chuyên mục
XEM