13 năm của Apple và Microsoft: 'Sao đổi ngôi' trong làng công nghệ

30/08/2013 11:42 AM | Kinh doanh

Sau 13 năm, vị thế của hai “gã khổng lồ” trong làng công nghệ, Apple và Microsoft đã hoàn toàn đảo ngược.

Nội dung nổi bật:

- Những năm 2000, Microsoft được dự đoán sẽ đạt doanh thu 6,4 tỷ USD trong quý tài chính cuối năm 2000, trong khi Apple bị cho là cố gắng tới mấy cũng chỉ thu về 1 tỷ doanh thu.

- Sau 13 năm, dưới sự lãnh đạo của ông Ballmer, Microsoft đã phải vật lộn để chuyển đổi từ một công ty lấy PC làm trọng tâm, thành một hãng công nghệ chú trọng di động. 

- Trong khi đó Apple – hãng công nghệ một thời bị coi là “sắp chết” – đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường của họ tăng từ 4,8 tỷ USD hồi tháng 12/2000 lên 455 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.



Nếu cầm trên tay một tờ The New York Times phát hành từ tháng 12/2000, bạn sẽ thấy những tiêu đề báo rất khác so với bây giờ. Khi ấy, Microsoft được dự đoán sẽ đạt doanh thu 6,4 tỷ USD trong quý tài chính cuối năm 2000, trong khi Apple bị cho là cố gắng tới mấy cũng chỉ thu về 1 tỷ doanh thu.

“Tôi không tự hào về điều này”, ông Steven P. Jobs – giám đốc điều hành của Apple lúc bấy giờ - thừa nhận. Ông cũng lo ngại rằng Apple sẽ không thực hiện được các mục tiêu về doanh thu tài chính của hãng.

Cũng vào năm 2000, Steve Ballmer bắt đầu đảm nhận vị trí tổng giám đốc của Microsoft, sau khi nhà đồng sáng lập Bill Gates nghỉ hưu. Ông Ballmer lên nắm quyền điều hành một công ty khi ấy có biệt danh “The Evil Empire” (Tạm dịch: Đế chế Ác quỷ) do quy mô, sức mạnh của Microsoft cũng như sự chiếm lĩnh thị trường, đã gây ra cuộc chiến chống độc quyền dai dẳng giữa Microsoft với Bộ Tư pháp Mỹ.

Nhưng hiện nay, có vẻ Microsoft lại rơi vào thời kỳ khiến họ cảm thấy không thể tự hào. Cuối tuần trước, Steve Ballmer tuyên bố sẽ từ chức trong 12 tháng tới. 

Dưới sự lãnh đạo của ông Ballmer trong 13 năm qua, Microsoft đã phải vật lộn để chuyển đổi từ một công ty lấy PC làm trọng tâm, thành một hãng công nghệ chú trọng di động. Quan sát những nỗ lực của ông Ballmer để chuyển sang các loại hình sản phẩm mới, người ta dễ có cảm giác như đang xem một người "cố chạy marathon với dây giày hai bên dính vào nhau". 

Trong đó, nhiều nỗ lực đã kết thúc với sự thất bại. Như tác giả Nicholas Thompson của tờ The New York Times đã viết: “Ballmer đã thể hiện ngược lại với Steve Jobs (cố tổng giám đốc Apple) trong nhiệm kỳ của ông. Ông để lỡ tất cả các xu hướng công nghệ lớn và đổi mới theo những cách khác người”.

Trong khi đó Apple – hãng công nghệ một thời bị coi là “sắp chết” – đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường của họ tăng từ 4,8 tỷ USD hồi tháng 12/2000 lên 455 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.

Chắc chắn, Apple cũng có những thất bại trong 13 năm qua. Chẳng hạn như, Apple Power Mac G4 Cube, chiếc máy tính có hình khối kỳ quặc đáng xếp vào danh sách 10 máy tính xấu xí nhất trong lịch sử, hoặc ứng dụng bản đồ Apple Maps bị coi là “thảm họa”… Nhưng trong khi Apple đã nâng cao và phổ biến tầm quan trọng của sự đơn giản trong thiết kế, Microsoft vẫn giữ khư khư những kiểu thiết kế khó hiểu và lập dị từ thập niên 1990. 

Trong nhiều năm, các bộ phận của Microsoft đã cố gắng thay đổi mọi thứ, hi vọng tạo được sự nổi tiếng là hãng công nghệ đề cao tính đơn giản. Tuy nhiên, đây luôn là một trận chiến khó khăn và giá cổ phiếu của Microsoft vẫn tiếp tục giảm.

Microsoft đã có thể tạo ra một số sản phẩm đẹp dưới quyền ông Ballmer. Điển hình như Xbox và Windows Phone 7 có giao diện trực quan đối với người dùng và được tiếp thị khéo léo. Nhưng Microsoft không thể thay đổi phong cách, vẫn theo hướng phát triển sản phẩm cho những người am hiểu công nghệ, thay vì cho người tiêu dùng ngày càng sành điệu.

Các nhà đầu tư rõ ràng đã có lúc không hài lòng với sự chọn lựa sản phẩm của ông Ballmer. Năm 2011, Giám đốc David Einhorn của Greenlight Capital, một quỹ đầu tư rất có thế lực ở Silicon Valley, đã kêu gọi ông Ballmer từ chức, nói rằng Microsoft đang bị “mắc kẹt trong quá khứ”. Vào thời điểm đó, ông David Einhorn còn chỉ trích những nỗ lực phát triển công cụ tìm kiếm của Microsoft là “cái hố sụt”.

Đó không phải “cái hố sụt” duy nhất của Microsoft. Tháng 7/2013, Microsoft tuyên bố khoản lỗ 900 triệu USD cho chi phí “điều chỉnh lượng hàng tồn kho” của máy tính bảng Surface RT. Theo ước tính, Microsoft chỉ bán được 1,5 triệu tới 1,7 triệu tablet Surface trong 8 tháng lên kệ. Trong khi đó, Apple tiêu thụ được 3 triệu iPad mini và iPad thế hệ thứ 4 trong 3 ngày đầu tiên hai sản phẩm này được chính thức bày bán.

Đây là một trong những phép so sánh cho thấy vị thế của Apple và Microsoft đã hoán đổi so với 13 năm trước đây.

Theo Phạm Duyên

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM