10 công ty từng muốn mua Facebook khi Mark Zuckerberg mới khởi nghiệp
Ngay từ khi mới 4 tháng tuổi, những người có tiền và những người đại diện cho các công ty có tiền đã bắt đầu dụ dỗ CEO kiêm đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg nhận tiền và bán công ty đi. Nhưng, Zuckerberg đã từ chối tất cả. Một số phi vụ thực sự rất hấp dẫn.
Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, hiện có trên 1,5 tỷ người dùng tích cực hàng tháng. Theo cuốn sách The Facebook Effect của David Kirkpatrick, vào thời mới chỉ là một start-up, Facebook từng là mục tiêu thâu tóm cực “hot” của các công ty khác.
Tháng 6/2004, một nhà tài chính giấu tên đã trả giá 10 triệu USD
Facebook, lúc đó là TheFacebook.com, chính thức hoạt động vào tháng 2/2004. Chỉ 4 tháng sau đó, Mark Zuckerberg đã nhận được đề nghị mua lại Facebook với giá 10 triệu USD của một nhà tài chính giấu tên ở New York.
Friendster cũng muốn mua Facebook
Theo một số tài liệu, một trong những công ty đầu tiên từng muốn thâu tóm Facebook là Friendster. Nhưng tất nhiên điều đó đã không xảy ra.
Mùa hè năm 2004, Google đã gõ cửa Facebook
Mark và những người bạn cùng phòng học trường Harvard đã thuê một ngôi nhà ở Palo Alto trong suốt mùa hè năm 2004. Không lâu sau đó “một vài nhà lãnh đạo của Google đã đến để xem liệu có thể hợp tác hoặc thậm chí mua luôn TheFacebook”.
Tháng 3/2005, Viacom trả giá 75 triệu USD
Trong suốt mùa xuân năm 2005, Facebook (lúc đó vẫn là TheFacebook) đã thương thảo với công ty The Washington Post Company về một khoản đầu tư. Lúc đó, Viacom đã trả giá 75 triệu USD để mua công ty. Mark sẽ kiếm được 35 triệu USD trong số tiền trên. Nhưng tất nhiên, mọi chuyện không thành.
MySpace cũng muốn mua Facebook
Mùa xuân năm 2005, CEO Chris DeWolfe của MySpace đã đến thăm Mark và nhóm của ông “để thăm dò về khả năng mua lại TheFacebook”. Zuckerberg, chủ tịch Facebook lúc đó Sean Parker và cố vấn Matt Cohler đã gặp Chris, “nhưng chỉ vì họ nghĩ anh ấy là một gã thú vị và họ tò mò về MySpace”.
Công ty mẹ mới của MySpace là News Corp cũng từng muốn mua Facebook
Tháng 1/2006, ông chủ News Corp lúc đó là Ross Levinsohn đã đến gặp Mark Zuckerberg và một trong những cố vấn hàng đầu của anh, Matt Cohler. Levinsohn đã muốn mua TheFacebook, nhưng ông lo ngại Facebook có thể không tăng trưởng tốt.
Năm 2005, Viacom lại muốn thâu tóm Facebook
Viacom vẫn không từ bỏ ý định mua Facebook vào cuối năm 2005. Lúc đó, các nhà phân tích nói rằng khán giả MTV ngày càng dành nhiều thời gian cho Facebook. Vì thế, mùa thu năm đó, Mark đã bay đến New York để gặp CEO Tom Freston. Nhưng cuối cùng đó là một cuộc gặp “không-cảm-ơn”.
NBC đã muốn thâu tóm Facebook năm 2005
Không có nhiều thông tin về thương vụ này, nhưng các nhà lãnh đạo của NBC từng là một trong những hãng muốn thâu tóm Facebook vào thời cao điểm năm 2005 lúc đó.
Viacom lại đề nghị mua Facebook một lần nữa vào 2006
Đầu năm 2006, sếp Michael Wolf của MTV đã đến Facebook một lần nữa. Zuckerberg nói anh nghĩ công ty có giá trị 2 tỷ USD. Vài tuần sau, Viacom đưa ra đề nghị 1,5 tỷ USD – trả 800 triệu USD tiền mặt trước, số còn lại sẽ thanh toán sau.
Facebook hầu như đã đồng ý bán, nhưng hãng muốn một khoản tiền lớn hơn. Giám đốc tài chính của Viacom lo ngại về việc phải chi quá nhiều tiền cho một công ty lúc đó chỉ có những khoản doanh thu nhỏ. Và thương vụ thất bại. Viacom không bao giờ trở lại mua Facebook nữa.
Yahoo lại gõ cửa Facebook vào năm 2006
Mùa hè 2006, Yahoo quyết định ra giá 1 tỷ USD cho Facebook. Các nhà đầu tư và nhiều lãnh đạo Facebook đã muốn bán. Nhưng Facebook sắp sửa ra News Feed, và nếu mọi thứ suôn sẻ, Mark Zuckerberg cho rằng công ty có giá cao hơn 1 tỷ USD.
Sau đó, Yahoo còn hạ giá xuống còn 850 triệu USD sau kết quả doanh thu khá thấp của Facebook. Nhưng chỉ trong vòng 10 phút, ban lãnh đạo Facebook đã từ chối mức giá thấp hơn đó.
AOL cũng nhăm nhe thâu tóm Facebook vào năm 2006
CEO Jonathan Miller của AOL quyết định muốn mua Facebook vào giữa năm 2006. Thậm chí ông còn thuyết phục CEO Anne Moor của Time Inc tham gia vào thương vụ trước khi ông đưa Time Warner về dưới trướng AOL. Kế hoạch của ông là AOL sẽ bán MapQuest và Tegic. Time Inc sẽ bán IPC. Họ sẽ đưa ra mức giá mua Facebook hơn 1 tỷ USD. Nhưng CEO Time Warner từ chối ý kiến.
Năm 2006, Yahoo lại quay lại ý định mua Facebook
Mùa thu năm 2006, Yahoo trở lại với Facebook và gợi ý sẽ trả hơn 1 tỷ USD. Nhưng lúc đó, Facebook dã mở rộng mạng xã hội đến nhiều người trên thế giới, chứ không chỉ bó hẹp trong các sinh viên. Số lượng người đăng ký dùng Facebook đã tăng từ 20.000 lên 50.000 người/ngày. Và các nhà đầu tư Facebook từ chối lời đề nghị của Yahoo.
Chỉ có một người, là COO Owen Van Natta, là muốn bán Facebook. Và hiện Owen Van Natta không còn làm ở Facebook nữa.
Năm 2007, Tim Armstrong thuyết phục ban lãnh đạo Google để ông mua Facebook
Mùa thu năm 2007, giám đốc kinh doanh Tim Armstrong của Google đã thuyết phục công ty để ông theo đuổi thương vụ thâu tóm Facebook. Ban lãnh đạo Google lúc đó thậm chí đã thông qua các cuộc thảo luận mua lại Facebook.
CEO Microsoft cũng muốn mua Facebook
CEO Steve Ballmer của Microsoft lúc đó đã ra đề nghị mua lại Facebook năm 2007. Kế hoạch là Microsoft sẽ sở hữu một số cổ phần nhỏ trong Facebook với giá trị 15 tỷ USD. Và cứ mỗi 6 tháng, Microsoft lại có quyền mua thêm 5% cổ phần Facebook nữa. Thương vụ thâu tóm sẽ kết thúc trong 5-7 năm.
Tất nhiên, kế hoạch không xảy ra, nhưng Microsoft đã mua 1,6% cổ phần Facebook với giá khoảng 250 triệu USD.