Câu chuyện đằng sau vụ Facebook sập toàn cầu

05/10/2021 17:12 PM | Công nghệ

Frances Haugen, chuyên gia khoa học dữ liệu từng làm việc cho Facebook, cáo buộc công ty lừa dối nhà đầu tư trong cách đối phó ngôn từ kích động thù địch và tin giả.

Ban đầu, vào ngày 13-9, tờ The Wall Street Journal bắt đầu đăng tải một loạt bài dựa trên bộ nhớ truy cập nhanh của các tài liệu nội bộ, tiết lộ Facebook biết các sản phẩm của mình gặp hàng loạt vấn đề, ví dụ như tác hại của Instagram đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, thông tin sai lệch về cuộc bạo loạn ở trụ sở quốc hội Mỹ ngày 6-1 nhưng vẫn hạ thấp các vấn đề này trước công chúng.

Các bài báo này thu hút sự chú ý của quan chức chính phủ Mỹ.

Đến ngày 3-10, người tố cáo nội bộ của Facebook đã tiết lộ danh tính. Xuất hiện chương trình "60 Minutes" của Đài CBS, Frances Haugen (37 tuổi), cựu quản lý sản phẩm của Facebook, cho biết có nhiều tài liệu cho thấy Facebook biết rõ nền tảng của họ được dùng để phát tán sự thù ghét, bạo lực và thông tin sai lạc. Tuy nhiên, công ty này cố gắng che giấu các bằng chứng.

 Câu chuyện đằng sau vụ Facebook sập toàn cầu  - Ảnh 1.

Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm của Facebook, xuất hiện chương trình "60 Minutes" của Đài CBS ngày 3-10. Ảnh: CBS

Frances Haugen nói: "Điều tôi thấy ở Facebook nhiều lần là xung đột lợi ích giữa những gì tốt cho công chúng và những gì tốt cho Facebook. Họ hết lần này đến lần khác chọn cách tối ưu hóa lợi ích của chính mình, như kiếm nhiều tiền hơn".

Frances Haugen đã nộp ít nhất 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, tố Facebook che giấu nhiều thiếu sót trước các nhà đầu tư và công chúng.

Frances Haugen cho biết: "Tôi sử dụng nhiều mạng xã hội. Về cơ bản, Facebook tệ hơn bất cứ thứ gì tôi thấy trước đây. Tới năm nay, tôi nhận ra mình phải đưa ra đủ bằng chứng để không ai có thể nghi ngờ điều đó là có phải sự thật hay không".

Trong khi đó, Facebook cho rằng nhiều tuyên bố của Haugen "gây hiểu lầm" và khẳng định ứng dụng của họ có lợi nhiều hơn là gây hại.

Lena Pietsch, người phát ngôn của Facebook, nói: "Mỗi ngày, đội ngũ kiểm duyệt của chúng tôi phải cân bằng giữa mong muốn thể hiện quan điểm cá nhân của hàng tỉ người dùng và nhu cầu duy trì một môi trường an toàn và tích cực. Facebook tiếp tục thực hiện những bước tiến đáng kể nhằm giải quyết vấn nạn lan truyền thông tin sai lệch và nội dung có hại".

 Câu chuyện đằng sau vụ Facebook sập toàn cầu  - Ảnh 2.

Facebook bác bỏ cáo buộc cho rằng trang mạng xã hội này góp phần gây ra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol vào ngày 6-1. Ảnh: Reuters

Facebook nhấn mạnh các vấn đề mà sản phẩm của họ phải đối mặt, bao gồm cả sự phân cực chính trị, rất phức tạp và không chỉ do công nghệ gây ra.

Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, nói với đài CNN: "Tôi nghĩ mọi người cảm thấy thoải mái khi cho rằng phải có một giải thích công nghệ hoặc kỹ thuật cho các vấn đề phân cực chính trị ở Mỹ".

Facebook cho rằng cuộc phỏng vấn của Frances Haugen là "sự thật không đầy đủ" và "sử dụng các tài liệu của công ty để kể một câu chuyện sai lệch về những nghiên cứu được thực hiện để cải thiện sản phẩm". Frances Haugen dự kiến có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ trong ngày 5-10 về các cáo buộc.

Tối 4-10 (giờ Việt Nam), hàng loạt dịch vụ của Facebook, bao gồm nền tảng chính, Instagram, WhatsApp và Messenger đều không thể truy cập. Bloomberg đưa tin một đợt bán tháo đã khiến cổ phiếu của Facebook giảm hơn 5% vào cùng ngày (mức giao dịch ngày tồi tệ nhất trong gần một năm qua), bên cạnh mức giảm 15% cách đây hai tuần.

Ngay khi Facebook được trở lại, CEO của Facebook - Mark Zuckerberg - chỉ gởi lời xin lỗi đến người dùng, không hề tiết lộ lý do tại sao Facebook lỗi kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

Huệ Bình

Cùng chuyên mục
XEM